Hệ lụy trường chuyên, lớp chọn

Cách đây gần 20 năm, mô hình trường chuyên lớp chọn ở bậc tiểu học, THCS đã bị xóa bỏ theo Nghị quyết số 02 của BCH Trung ương Đảng khóa VIII. Thế nhưng, với mục đích tạo nguồn cho trường chuyên ở bậc THPT, nhiều địa phương vẫn tổ chức trường chuyên lớp chọn ở bậc THCS. Vì thế, loại hình này vẫn tồn tại “chui” ở nhiều tỉnh, TP và nơi này học tập nơi kia để phát triển, nhân rộng nó.

Như mô hình Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TPHCM được nhiều địa phương đến tham quan học tập sau khi nhìn thấy thành quả tỏa sáng từ vườn ươm đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi tiếng Anh và giành nhiều giải thưởng khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế. Tương tự, Trường chuyên Amsterdam ở Hà Nội cũng trở thành điểm nóng thi thố, tranh đua, giành một suất học lớp 6 của hàng ngàn học sinh giỏi cấp tiểu học.

Thế nhưng để bước chân vào lớp 6 của hai ngôi trường có thương hiệu ở hai TP lớn này là cả một hành trình gian nan, thử thách khốc liệt mà những cô cậu học trò mới lớp 1, lớp 2 phải chuẩn bị tinh thần dấn thân cho nghiệp học. Để cõng giấc mơ, kỳ vọng của cha mẹ, kể cả niềm vui khoe khoang con mình được học ở những ngôi trường này, chúng phải gồng mình luyện kiến thức, ôn Văn, luyện Toán, học tiếng Anh.

Cứ thế, hết mùa tuyển sinh vào lớp 6 này đến mùa tuyển sinh khác, hàng ngàn thí sinh lớp 5 đủ mác học giỏi suốt 5 năm tiểu học phải ứng thí với kỳ thi có tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng tựa thi ĐH (chọi 1/7 hoặc cao hơn). Tuy không tổ chức thi tuyển như những trường chuyên nhưng nhiều trường THCS có thương hiệu, được gắn mác chất lượng cao, trường điểm khác cũng đưa ra yêu cầu xét tuyển cao, đòi hỏi tổng điểm thi học kỳ 2 của môn Toán, Văn lớp 5 đạt tuyệt đối 20/20. Thực tế này cũng tạo áp lực không nhỏ cho học sinh tiểu học. Và để chạy marathon vào lớp 6 trường chuyên, lớp chọn, trường điểm như trên, học sinh từ lớp 1 đã bị cha mẹ hướng tới đường đua không cân sức, thúc ép con cái học thêm bằng mọi cách. Ai cướp tuổi thơ, ai tạo áp lực, bắt ép học sinh tiểu học phải thử sức tranh tài trong cuộc đua khốc liệt vào lớp 6 hàng năm?

Thực tế cho thấy, nếu chủ trương xóa trường chuyên, lớp chọn bậc THCS được thực thi nghiêm túc ở các địa phương và ngay khi phát hiện nơi nào làm sai, Bộ GD-ĐT tuýt còi ngay thì hệ lụy không để lại nặng nề và khó khắc phục như hiện nay. Khi trường chuyên, lớp chọn trở thành tâm điểm lên án của dư luận, công luận và các chuyên gia giáo dục thì Bộ GD-ĐT mới ra tối hậu thư, yêu cầu các địa phương không được phép duy trì trường chuyên, lớp chọn và nghiêm cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới bất kỳ hình thức nào. Quá đột ngột và trở tay không kịp nên các địa phương, các trường chuyên, trường ngoài công lập có uy tín vốn tổ chức thi tuyển vào lớp 6 không chỉ rối tinh, mà còn trở tay không kịp. Nhưng trước chỉ đạo quyết liệt của Bộ GD-ĐT nên các địa phương, kể cả TP Hà Nội phải tuân thủ vô điều kiện. Riêng TP Đà Nẵng là địa phương chấp hành tốt nhất, xóa luôn mác chuyên của Trường Nguyễn Khuyến và chuyển nó thành trường bình thường. Và duy nhất Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ở TPHCM chọn hình thức xét tuyển thông qua bài làm khảo sát năng lực tiếng Anh (90 phút). Dù chuyển đổi hình thức tuyển sinh vào lớp 6 nhưng ngôi trường chuyên này vẫn trở thành điểm nóng xét tuyển với độ cạnh tranh cao nhất, 1 chọi hơn 7 thí sinh.

Tuy kết quả khảo sát chưa công bố nhưng nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng hình thức khảo sát này cũng giống như thi tuyển vì thí sinh bị kiểm tra kiến thức tích hợp của nhiều môn khoa học tự nhiên, xã hội bằng tiếng Anh. Có thể nhận diện đa phần trong số thí sinh đăng ký dự thi đều có sự đầu tư từ xa, còng lưng học thêm ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh từ rất sớm. Và với hình thức khảo sát mới này, nhiều ý kiến lo ngại về tính công bằng, chính xác của kết quả xét tuyển. Tương tự, trong khi chưa tìm ra phương án khả thi, khoa học hơn, nhiều trường ở Hà Nội đưa ra tiêu chí xét tuyển thông qua việc tính điểm học sinh giỏi và cộng điểm từ các giải học sinh giỏi tiểu học cấp quận, TP... Hình thức xét tuyển kiểu này cũng cảnh báo sự biến tướng mới trong tuyển sinh vào lớp 6 đối với những trường cầu lớn hơn cung.

Như thế nhìn cận cảnh, suy xét nhiều góc độ mới thấy nguyên nhân dẫn đến cơn sốt vào lớp 6 trường chuyên lớp chọn, trường điểm hàng năm bắt nguồn từ chủ trương thiếu nhất quán, thiếu giám sát của Bộ GD-ĐT suốt nhiều năm qua. Vấn đề đặt ra là Bộ GD-ĐT phải xử lý hệ lụy của tình trạng tổ chức lớp chuyên, trường chuyên “chui” như thế nào? Việc đối phó với chủ trương cấm đột ngột này và thay thế bằng hình thức xét tuyển vào lớp 6 đang áp dụng ở các trường, các địa phương liệu có đảm bảo tính khách quan, công bằng? Hơn nữa tư duy, nếp nghĩ theo lối mòn của ngành GD-ĐT nhiều địa phương về tạo nguồn học sinh giỏi từ mô hình trường chuyên, lớp chọn có thực sự bị triệt tiêu? Đúng như nhiều chuyên gia giáo dục đã nói, trường giỏi mà đào tạo học sinh có học lực yếu thành giỏi thì mới hay, còn tuyển chọn toàn “chất váng” - đầu vào đã giỏi thì có nên tự hào? Một vấn đề khác cần mổ xẻ là chúng ta có nên tập trung đào tạo quá nhiều học sinh giỏi ở phổ thông nhưng càng học lên cao thì càng đuối, tính sáng tạo, năng động yếu và rất thiếu kỹ năng mềm ở thế kỷ 21. Để học sinh không phải thi thố, tranh đua khốc liệt vào lớp 6, thì cần tạo ra môi trường học bình đẳng, quyền được thụ hưởng về học tập như nhau.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục