Hộ khẩu - rào cản đối với người di cư

Do không có hộ khẩu tại nơi đến, người lao động di cư phải trả chi phí kép, họ phải chi trả cho những dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, điện nước… cao hơn hẳn so với cư dân địa phương” - PGS-TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, cho biết tại hội thảo về người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội, tổ chức sáng 23-12 tại TPHCM.

Do không có hộ khẩu tại nơi đến, người lao động di cư phải trả chi phí kép, họ phải chi trả cho những dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, điện nước… cao hơn hẳn so với cư dân địa phương” - PGS-TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, cho biết tại hội thảo về người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội, tổ chức sáng 23-12 tại TPHCM.

Theo PGS-TS Lê Thanh Sang, nhiều chính sách việc làm, tín dụng và giảm nghèo đều dựa trên hộ khẩu và hộ khẩu đang là một trong những rào cản lớn nhất đối với người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội. Trước đông đảo đại diện của các sở, ban, ngành và nhiều chuyên gia, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ đã mô tả chung về thực trạng “khoảng trống” an sinh xã hội của người lao động di cư ở 4 địa bàn tiêu biểu nhiều người lao động di cư là Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bắc Ninh. Tỷ lệ thất nghiệp của người lao động di cư cao gần gấp 5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Việc làm của họ bấp bênh, thiếu ổn định khi có tới 52% làm việc ở khu vực phi chính thức với mức thu nhập cao hơn chuẩn nghèo nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu. Trong khi đó, họ gần như bị loại ra khỏi các chương trình giảm nghèo và không thể tiếp cận được các chương trình vay vốn, tạo việc làm. Hơn 73% người lao động di cư phải trả tiền nước cao gấp 3 lần và tiền điện cao gấp 2 lần so với dân địa phương. 99% người lao động di cư trong khu vực phi chính thức không có BHXH. Cho đến nay, cũng chưa có chính sách hỗ trợ tạo việc làm dành riêng cho người di cư. Các chính sách quản lý đô thị chỉ tập trung vào làm gọn sạch đô thị mà không tính đủ đến nhu cầu sinh kế của người di cư bán hàng rong khiến họ luôn bị xua đuổi và bấp bênh về môi trường làm việc.

Về giáo dục, PGS-TS Lê Thanh Sang báo động, đa số trẻ không được sống cùng với ba mẹ. Trong số sống cùng với ba mẹ, có tới hơn 21% trẻ di cư trong độ tuổi 6 - 14 tuổi vừa được khảo sát đang không đi học. Hầu hết các trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo đều là nhà trẻ mẫu giáo tư nhân hoặc các nhóm giữ trẻ gia đình và từ đó phát sinh vấn đề không an toàn trong tiếp cận giáo dục của trẻ em. Một số trẻ bị hành hạ như thời gian qua đã phát hiện. Cho rằng tồn tại nhiều tầng nấc rào cản thực sự rất khó có thể vượt qua, PGS-TS Lê Thanh Sang đề đạt: “Phải có sự thay đổi rộng lớn hơn về mặt chính sách, cung cấp đủ các nguồn lực dựa trên dân số thực tế thay vì dựa trên dân số theo hộ khẩu”. Đồng thuận với ý kiến này, bà Nguyễn Thu Hương, đại diện Oxfam, nhìn nhận, chỉ có tính đến các nhu cầu tất yếu và chính đáng của người lao động di cư mới đồng nghĩa chính thức công nhận vai trò, vị thế của người lao động di cư trong xã hội.

Tham dự hội thảo, ông Hà Phước Tài, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, nhận xét bằng một câu hỏi: “Thực tế hộ khẩu mà các địa phương đang quản lý, họ có quản lý được hay không? Vì hộ khẩu ở đây, mà người thì ở… nơi khác và chịu cảnh yếu thế hơn”. Chia sẻ với những khó khăn của người lao động di cư, ông Hà Phước Tài cho rằng, một mặt cần tìm những khó khăn, vướng mắc để giúp họ; mặt khác, nhà nước cần cải thiện điều kiện sinh sống, lao động, thu nhập của các địa phương khác, để người dân ở các địa phương đó yên tâm sống, lao động, hạn chế di cư.

Trước thực trạng đa số người lao động di cư chưa tham gia vào hoạt động của các đoàn thể, tổ chức ở nơi sinh sống, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần gắn họ với khu phố, nơi họ tạm trú. Chính quyền, đoàn thể nơi đó cần coi họ như người dân ở khu mình để cung cấp cho họ những cái gì họ “được”, những cái gì họ “phải”. Ban ngày không gặp được thì gặp ban đêm, hãy giúp họ.


ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục