Khát khao xây dựng con người có lối sống đẹp

Ngày 23-11, tại TPHCM, Báo SGGP tổ chức Hội thảo Báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng năm 2017 với chủ đề “Báo Đảng góp phần xây dựng nếp sống văn minh”. 
Đồng chí Thân Thị Thư trao đổi với các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Thân Thị Thư trao đổi với các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hơn 150 đại biểu đại diện cho 19 cơ quan báo chí tham dự đã chia sẻ nhiều câu chuyện thực tiễn sinh động, cách xây dựng nếp sống văn minh ở các địa phương và khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong việc phát hiện, nhân lên cái tốt, cái đẹp đi đôi với đẩy lùi cái xấu, cái kém văn minh.

Khát khao xây dựng con người có lối sống đẹp ảnh 1 Trao cờ luân lưu tổ chức Hội thảo Báo Đảng các tỉnh khu vực Đông Nam bộ năm 2018 cho tỉnh Tây Ninh
 Tham dự hội thảo có các đồng chí: Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng - Trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM; Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM. Điểm nhấn năm nay là, bên cạnh các cơ quan báo chí ở các tỉnh, thành thuộc Đông Nam bộ, lần đầu tiên có sự tham gia của các cơ quan báo chí khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Đôi khi cần “cưỡng bức” hành vi kém văn minh Nhà báo Dương Trọng Dật, nguyên Tổng Biên tập Báo SGGP, dẫn chứng câu chuyện nhỏ đã gặp mà theo ông là không hề nhỏ khi trên đường đến với hội thảo. Chuyện là, trong dòng kẹt xe trên đường, ông kiên nhẫn chờ dòng người di chuyển từng chút một thì có lời trách cứ từ phía sau “tại sao không leo lên lề mà đi”! Theo nhà báo Dương Trọng Dật, câu chuyện nhỏ nhưng thể hiện vấn đề lớn về ý thức người dân khi tham gia giao thông; là biểu hiện của sự xuống cấp về văn hóa, văn minh đô thị. Với vai trò của các báo Đảng, nhà báo Dương Trọng Dật nhìn nhận, các báo đang đứng trước thách thức lớn trong cuộc cạnh tranh của mạng xã hội, nhưng ông cũng tin tưởng báo chí vẫn còn cơ sở tồn tại với điều kiện phải mạnh hơn nữa khi phân tích, lý giải, phản biện, đưa ra giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có xây dựng nếp sống văn minh. Nhà báo Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhận xét, nhiều nước phát triển kinh tế rất nhanh nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Với đất nước ta, đang phát triển, cải thiện đời sống kinh tế nhưng vấn đề văn hóa thì rất đáng quan ngại. Nhiều nét tốt đẹp trong văn hóa như “kính trên nhường dưới”, văn hóa xếp hàng - những điểm cần phát huy, song chúng ta chưa phát huy được. “Đất nước có nhiều di sản văn hóa, đờn ca tài tử, dân ca, quan họ… nhưng cũng chưa phát huy được mà cứ mở tivi ra là thấy hiphop. Một bộ phận không nhỏ giới trẻ tiếp thu rất nhanh văn hóa ngoại, nhưng lại bỏ lơ văn hóa truyền thống”, nhà báo Nguyễn Bé trăn trở. Theo nhà báo Lê Hồng Phước, Phó Tổng Biên tập Báo Long An, mục tiêu của xây dựng nếp sống văn minh là xây dựng con người có lối sống, nếp sống phù hợp với sự phát triển của xã hội. Nếu không có con người văn minh thì không có cộng đồng văn minh. Nếp sống văn minh bắt đầu từ những việc làm rất nhỏ trong đời sống. Với gia đình, ăn ở không ngăn nắp thì không thể văn minh; với cộng đồng, chỗ nào cũng xả rác thì không thể nói là văn minh. Khẳng định ý thức con người là quan trọng và nếp sống văn minh, cũng như văn hóa, không thể tự nhiên mà có, nhà báo Lê Hồng Phước cho biết, Báo Long An tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi cá nhân, gìn giữ nếp nhà ở mỗi gia đình. Cùng với những tấm gương sáng, cách làm hay, Báo Long An phản ánh những tồn tại, hạn chế trong đời sống như tình trạng mê tín dị đoan ở vùng nông thôn, chợ tự phát, tình trạng đậu xe và buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, hát karaoke quá giờ, âm thanh quá lớn… Góp phần định vị thế nào là nếp sống văn minh, nhà báo Trần Huy Thanh, Tổng Biên tập Báo Đồng Nai, không thỏa mãn với định nghĩa nếp sống văn minh là lối sống của người có văn hóa mà nếp sống văn minh là “cách sống của người biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên”. Nhà báo Trần Huy Thanh cũng chỉ ra nhiều hành vi, ý thức giao thông chưa chuẩn mực, tổ chức việc tang, việc cưới quá “lố”... vẫn tồn tại nhiều trong đời sống và người thực hiện những hành vi này chưa tôn trọng lợi ích của cộng đồng. Tán thành với quan điểm của nhà báo Lê Hồng Phước về ý thức không tự nhiên mà có, nhà báo Trần Huy Thanh cũng nhấn mạnh, đôi khi cần phải “cưỡng bức” hình thành ý thức, bằng các mức phạt hành chính cao, tương xứng với hành vi kém văn minh, thiếu văn hóa.
Tuyên truyền hiệu quả, tạo sự lan tỏa
Làm sao để cải thiện hình ảnh du lịch Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong mắt du khách? Đây là trăn trở của TP Vũng Tàu trước thực trạng “chặt chém” du khách. TP Vũng Tàu đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng thành TP du lịch “xanh, sạch, đẹp”. Để làm được điều đó, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước hình thành ý thức thực hiện nếp sống văn minh đô thị trong cả nhân dân và du khách.
Theo nhà báo Lê Thị Xuân, Phó Tổng Biên tập Báo Vũng Tàu, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được xã hội và người dân rất quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề này nếu không được thông tin một cách đầy đủ, thông suốt, trọn vẹn để người dân hiểu đúng thì dễ gây bức xúc. “Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã thể hiện vai trò của mình: tuyên truyền chủ trương, nâng cao ý thức trong nhân dân đồng thời chỉ ra các hạn chế, bất cập trong công tác quản lý”, nhà báo Lê Thị Xuân chia sẻ và cho biết thêm báo còn lên án mạnh mẽ những trường hợp quán ăn “chặt chém” du khách. Những vấn đề báo phản ánh, người dân góp ý trên báo Bà Rịa - Vũng Tàu đều được cơ quan chức năng ghi nhận và xử lý kịp thời. Tình trạng “chặt chém” du khách đã giảm hẳn, Bà Rịa - Vũng Tàu dần lấy lại uy tín và hình ảnh thân thiện trong mắt du khách.

 Cũng quan tâm việc phát triển du lịch, Báo Bình Thuận coi trọng tuyên truyền về văn hóa du lịch, cách ứng xử với du khách, nhất là du khách quốc tế. Báo đồng hành với tỉnh kêu gọi người dân làm sạch bờ biển, vận động du khách đến với Phan Thiết cần giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi. Trong khi đó, với xuất phát điểm của một tỉnh có 83% người dân sống ở nông thôn, Báo Vĩnh Long đồng thuận với chủ trương của tỉnh chọn địa bàn nông thôn để vận động xây dựng đời sống văn hóa. Ông Phạm Hoàng Khải, Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long chia sẻ, giờ đây bộ mặt của nông thôn Vĩnh Long được cải thiện nhiều mặt.

Qua từng việc làm cụ thể mà các báo chia sẻ, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến nhận xét, tùy đặc điểm của từng tờ báo, từng địa phương, các báo đã có các hoạt động tuyên truyền thiết thực, ý nghĩa, góp phần xây dựng nếp sống văn minh ở địa phương của mình. Tất cả toát lên điểm chung nhất là các báo đều muốn làm sao tuyên truyền hiệu quả, tạo sự lan tỏa nếp sống văn minh trong đời sống dân cư.

Tin cùng chuyên mục