Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1: Những bước tiến quan trọng

Chọn đối tác Nga
Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1: Những bước tiến quan trọng

Trong năm 2010, một loạt sự kiện quan trọng về lĩnh vực điện hạt nhân (ĐHN) đã diễn ra ở Việt Nam. Từ hội thảo quốc tế, triển lãm mô hình các nhà máy ĐHN, đến việc ký kết hợp tác, chọn lựa đối tác công nghệ và xây dựng... Tất cả là những bước tiến mới nhằm chuẩn bị đến đầu năm 2014, Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công xây dựng và đến năm 2020, tổ máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu phát điện.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân của Nga tại triển lãm điện hạt nhân lần thứ 4 tại Hà Nội năm 2010. Ảnh: TRẦN LƯU

Mô hình nhà máy điện hạt nhân của Nga tại triển lãm điện hạt nhân lần thứ 4 tại Hà Nội năm 2010. Ảnh: TRẦN LƯU

Chọn đối tác Nga

Tại hội thảo quốc tế ĐHN lần thứ 4 diễn ra năm 2010 tại Hà Nội, PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ KH-CN) cho biết sau thời gian dài nghiên cứu, khảo sát, Chính phủ đã quyết định chọn Nga làm đối tác cung cấp công nghệ cho Nhà máy ĐHN 1 ở tỉnh Ninh Thuận.

Giá cả công nghệ của Nga được đánh giá tương đương với các hãng khác trên thế giới. Với mức công suất 2.000 MWh (Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 sẽ áp dụng) hiện đều được chào hàng với giá gần 8 tỷ USD.

TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN), khẳng định: “Về công nghệ sử dụng cho nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận, chúng ta sử dụng công nghệ hiện đại, đáng tin cậy của Nga, được đánh giá cao về độ an toàn. Do đó, vấn đề công nghệ không đáng lo ngại bằng an toàn trong quản lý và vận hành, về con người. Điều đáng quan tâm nhất không phải là công nghệ, mà là chúng ta sẽ tiếp nhận và vận hành như thế nào?”.

Cũng theo ông Tấn, Việt Nam không chỉ xây dựng một nhà máy ĐHN. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Việt Nam còn mở thêm 8 - 10 địa điểm xây dựng ĐHN nữa. Chính phủ sẽ xin ý kiến Quốc hội để triển khai các dự án tiếp theo. Tổ máy đầu tiên đã lựa chọn công nghệ của Nga. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực ĐHN với các nước khác bị bỏ qua.

Hiện nay, ngoài mong muốn cung cấp công nghệ, các nhà thầu quốc tế cũng muốn tham gia vào những dự án tiếp theo hoặc tham gia vào công tác tư vấn về xây dựng báo cáo đầu tư, giám sát công trình, tư vấn đánh giá dự án, cung cấp thiết bị phục vụ đào tạo.

Chính vì thế, ngày 20-11 vừa qua, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến, đại diện Chính phủ Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yasuaki Tanizaki, đại diện Chính phủ Nhật Bản đã ký hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Nguồn nhân lực và những vấn đề pháp lý

Được biết, hiện nay, dự án ĐHN tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi và đang xúc tiến tìm đối tác tư vấn. Sẽ có 7 dự án thành phần liên quan đến việc triển khai dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 như xây dựng, giải phóng mặt bằng, đào tạo nhân lực... Đây là dự án đầu tiên nên có rất nhiều khó khăn như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị tài chính, xây dựng hệ thống luật pháp, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống tổ chức...

Mới đây nhất, trong 5 ngày từ 14 đến 18-2, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã phối hợp với Ủy ban Pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ (USNRC) tổ chức hội thảo cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tại hội thảo, các chuyên gia Hoa Kỳ đã chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề liên quan tới việc cấp phép xây dựng nhà máy ĐHN như quá trình cấp phép xây dựng và phương pháp đánh giá; các giai đoạn của quá trình cấp phép; hướng dẫn đánh giá hồ sơ xin cấp phép xây dựng...

Về đào tạo nguồn nhân lực, hiện nay Bộ GD-ĐT đã ký với Tập đoàn Nhà nước và ĐHN của Nga về đào tạo nguồn nhân lực và bắt đầu từ năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ gửi đi đào tạo khoảng 40 người.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn như Bộ KH-CN cũng đang xem xét để gửi cán bộ đi đào tạo, cán bộ quản lý theo các chương trình đào tạo riêng. Trên thực tế, từ trước đến nay, chúng ta có một số người học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học về hạt nhân. Nhưng những người làm về công nghệ hạt nhân thì Việt Nam chưa có. Chính vì thế, bài toán về nhân lực công nghệ hạt nhân là công nghệ chứ khoa học không phải là vấn đề bức thiết. Vì vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam thiếu cán bộ trong lĩnh vực công nghệ ĐHN trầm trọng.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục