Nghiên cứu từ nhu cầu doanh nghiệp

Từ nhiều năm nay, TPHCM khẳng định là địa phương tiên phong trong gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với nhu cầu của thị trường. Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc được triển khai. Trong đó, thành công nhất có thể kể đến chương trình chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu và robot công nghiệp. Theo Sở KH-CN TPHCM, các đề tài sau nghiệm thu được ứng dụng giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền tỷ mỗi năm.
Nghiên cứu từ nhu cầu doanh nghiệp

Từ nhiều năm nay, TPHCM khẳng định là địa phương tiên phong trong gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với nhu cầu của thị trường. Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc được triển khai. Trong đó, thành công nhất có thể kể đến chương trình chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu và robot công nghiệp. Theo Sở KH-CN TPHCM, các đề tài sau nghiệm thu được ứng dụng giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền tỷ mỗi năm.

TS Vũ Kế Hoạch đang giới thiệu máy sấy mật ong, một dự án từ chương trình chế tạo thiết bị thay thế hàng nhập khẩu của Sở KH­-CN TPHCM.

100% nghiên cứu có hiệu quả

Giống như nhiều công ty chuyên sản xuất mặt hàng xúc xích, Công ty TNHH Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - VISSAN gặp không ít khó khăn khi tìm giải pháp công nghệ có khả năng tự động hóa trong việc cấp liệu cho máy đóng gói xúc xích. Theo tính toán, mỗi năm chi phí lương cho số công nhân vận hành công việc này lên đến 672 triệu đồng/máy. VISSAN đã chủ động tìm kiếm công nghệ từ nước ngoài nhưng cuối cùng phải bỏ qua bởi giá thành quá cao hoặc không tương thích được với các dây chuyền đóng gói hiện tại. Bởi thế, khi được PGS-TS Nguyễn Hồng Ngân (Công ty Sao Việt) đề xuất nghiên cứu một dây chuyền nhập liệu có khả năng tương thích và giá thành rẻ, VISSAN đã đồng ý.

Sau 1 năm nghiên cứu, theo cơ chế đồng hỗ trợ từ Sở KH-CN TPHCM thông qua chương trình chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu, dây chuyền tự động nạp xúc xích cho máy đóng góp đã ra đời. Ứng dụng thử nghiệm gần 3 tháng, hoạt động sản xuất tại VISSAN đã thay đổi rõ rệt, năng suất cao hơn, hàng lỗi ít hơn. Đặc biệt, mỗi máy chỉ cần 2 công nhân đứng máy thay cho 7 công nhân như trước đây. Chi phí lương dự tính chi cho công nhân đứng một máy cũng giảm chỉ còn 192 triệu đồng/năm.

Một dự án khác cũng hiệu quả không kém là máy đóng gói tự động định lượng bằng cân điện tử của Công ty A.K.B, xuất phát từ nhu cầu thị trường về định lượng chính xác cho máy đóng gói tự động. Nhóm kỹ sư Công ty A.K.B đã tìm hiểu, giải mã công nghệ và kết quả là dòng máy đóng gói có năng suất và độ chính xác cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe đối với việc đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam. Cùng với đó, giá mỗi máy chỉ bằng khoảng 20% (600 triệu đồng) so với máy nhập từ Mỹ…

Theo Sở KH-CN TPHCM, từ năm 2008 đến 2013, chương trình chế tạo thiết bị sản phẩm thay thế nhập khẩu đã có sức lan tỏa rất lớn. Có 13 doanh nghiệp tham gia đầu tư 64,9 tỷ đồng cho chương trình; 100% đề tài, dự án của chương trình đều có địa chỉ ứng dụng tại doanh nghiệp; trong đó 82,7% các dự án thực hiện thuộc các ngành ưu tiên của thành phố, như cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược, nhựa - cao su... Đặc biệt hơn, các sản phẩm từ các dự án chuyển giao cho doanh nghiệp với giá bán trung bình rẻ hơn 20% - 60% so với giá nhập khẩu.

Băn khoăn nguồn vốn

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, nhận định, chương trình chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu và robot công nghiệp là một trong những chương trình đặc thù nhất của thành phố. Cho đến nay, chưa có chương trình nào trên cả nước đạt được, đó là sự gắn kết giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước theo hướng doanh nghiệp làm trung tâm. Thêm nữa, trong suốt quá trình triển khai, Sở KH-CN đã từng bước thay đổi nội dung và mục tiêu của chương trình cho phù hợp với thực tế đòi hỏi của doanh nghiệp. Đặc biệt, chương trình tập trung vào các lĩnh vực thành phố ưu tiên như cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược, nhựa - cao su, năng lượng mới, năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển công nghệ cao.

Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn nhất hiện nay chính là nguồn kinh phí cấp cho mỗi dự án. Đại diện một doanh nghiệp từng tham gia chương trình cho biết, mức kinh phí cao nhất mà Sở KH-CN được phép duyệt hỗ trợ ngay khi có đề nghị của doanh nghiệp đến nay chỉ dừng lại ở con số 600 triệu đồng. Nếu cao hơn, doanh nghiệp phải có sự chấp thuận của UBND TP. Đối với các đề tài, dự án nghiên cứu thì hợp lý, tuy nhiên với chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thì quá ít ỏi. Chưa kể, nếu phải qua nhiều cửa, nhiều con dấu, thời gian chờ đợi sẽ kéo dài. Đến khi nhận được hỗ trợ, đã mất đi tính thời điểm trong đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp. Vì vậy, để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, UBND TPHCM cần có cơ chế mở rộng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp được tốt hơn để thúc đẩy nền công nghiệp của thành phố xứng đáng là nền công nghiệp đầu tàu của cả nước.

Theo ông Chu Bá Long, Phòng Quản lý công nghệ Sở KH-CN TPHCM, sau 2 năm tạm dừng, chương trình mới được tái khởi động trong năm 2014 sau khi TP cấp kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng. Cùng với nguồn kinh phí này, Sở KH-CN cũng đang khuyến khích thêm các doanh nghiệp ưu tiên trích lập Quỹ KH-CN tại doanh nghiệp. Từ đó, tạo thêm nguồn vốn giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thay thế các dây chuyền cũ bằng công nghệ mới đã nghiên cứu thành công ở trong nước.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục