Không lơ là dịch bệnh đầu năm

Những cơn mưa trái mùa trong 2 tuần đầu năm 2017 khiến thời tiết ở TPHCM ẩm thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh âm ỉ phát triển. Thay vì dịch sốt xuất huyết (SXH) đã qua “mùa cao điểm” thì số ca mắc vẫn chưa giảm đáng kể, dịch tay chân miệng, dịch Zika vẫn còn nhiều ca mắc. Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo dịch bạch hầu đang quay trở lại, dịch cúm mùa cuối năm cũng cần được cẩn trọng.
Không lơ là dịch bệnh đầu năm

Những cơn mưa trái mùa trong 2 tuần đầu năm 2017 khiến thời tiết ở TPHCM ẩm thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh âm ỉ phát triển. Thay vì dịch sốt xuất huyết (SXH) đã qua “mùa cao điểm” thì số ca mắc vẫn chưa giảm đáng kể, dịch tay chân miệng, dịch Zika vẫn còn nhiều ca mắc. Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo dịch bạch hầu đang quay trở lại, dịch cúm mùa cuối năm cũng cần được cẩn trọng.

Nhiều “chùm” bệnh dịch

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tính đến tuần thứ hai của tháng 1-2017, toàn TP đã ghi nhận 193 ca bệnh mắc dịch Zika tại 23 quận, huyện và 99 phường, xã. Trong đó, 166 ca bệnh đã qua 28 ngày theo dõi. Điều đáng nói, trong số các ca mắc Zika đã ghi nhận được 41 phụ nữ mang thai nhưng hiện chỉ còn 34 thai phụ tiếp tục thai kỳ, 7 thai phụ đã kết thúc thai kỳ (3 thai phụ sinh sống, 3 thai phụ thai chết lưu và 1 thai phụ bỏ thai). Riêng trong 2 tuần đầu năm 2017 vẫn còn 3 ca mắc virus Zika. Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, hiện dịch do virus Zika đang có xu hướng giảm dần, tuy nhiên virus Zika đã lưu hành trên toàn TP…

Trong khi đó, mặc dù đã qua chu kỳ “cao điểm”, nhưng dịch SXH vẫn còn đeo đẳng. Theo Trung tâm  Y tế dự phòng TPHCM, tuy số ca mắc có giảm trong 2 tuần đầu năm (653 ca nhập viện), chỉ giảm được 4,8% so với trung bình 4 tuần trước đó, nên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch. Một số quận, huyện vẫn có số ca mắc SXH cao hoặc tăng vượt mức báo động như quận 4, 6, 10, Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Tân… Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, dù không còn là cao điểm và hiện ghi nhận dịch bệnh giảm ở 14/24 quận, huyện nhưng dịch SXH tại TPHCM vẫn còn xảy ra rải rác ở nhiều khu dân cư.

Trong khi đó, dịch bệnh tay chân miệng vẫn có số mắc cao và có xu hướng gia tăng ngay từ đầu năm 2017. Trong 2 tuần đầu tháng 1-2017 đã có 102 ca mắc dịch tay chân miệng phải nhập viện, tăng 20,7% so với mức trung bình của 4 tuần trước. Để kiểm soát bệnh tay chân miệng, Sở Y tế duy trì kiểm soát bệnh trong trường học, tiếp tục truyền thông và giám sát tại cộng đồng.

Cơ quan chức năng giám sát phòng chống dịch Zika tại quận 12, TPHCM

Chủ động phòng ngừa

Ngay từ đầu năm 2017, một ổ dịch bệnh bạch hầu xuất hiện ở Trường THPT Tây Giang (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) khiến 2 học sinh tử vong. Mặc dù công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ chiếm tỷ lệ cao, trong đó có mũi tiêm ngừa bạch hầu - ho gà - uốn ván, nhưng ở một số địa phương vẫn còn xuất hiện ổ dịch. Năm 2016, một ổ dịch bạch hầu cũng xuất hiện tại tỉnh Bình Phước làm nhiều ca mắc, tử vong. Theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da và các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Cùng với các dịch bệnh lưu hành thông thường, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm và các dịch cúm như A/H5N1, A/H5N6 đang bùng phát ở các quốc gia khác. Theo Cục Y tế dự phòng, ở nước ta, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục ghi nhận tại nhiều tỉnh, TP với 62 ổ dịch cúm trên gia cầm, xảy ra chủ yếu ở hộ gia đình.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm gia cầm sang người trong dịp tết cổ truyền và mùa lễ hội đầu năm 2017, Cục Y tế dự phòng đề nghị không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc… Đối với các dịch bệnh khác, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ quan y tế địa phương tăng cường phòng chống, tuyên truyền sâu rộng đến người dân, nhất là việc tuân thủ tiêm chủng vaccine, vệ sinh trong sinh hoạt, vệ sinh môi trường…

 Kiên quyết xử phạt trường hợp không hợp tác chống dịch

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, năm 2016, dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn ở mức cao tại TPHCM: Trên 22.000 ca mắc SXH, tương đương năm 2015 (trong đó có 6 ca tử vong); 5.740 ca mắc tay chân miệng, giảm 35% so với cùng kỳ. Năm 2016, Sở Y tế TPHCM đã kiên quyết xử phạt các trường hợp không phòng, chống dịch bệnh hoặc không hợp tác phòng chống dịch bệnh. Trong năm 2016, toàn TPHCM có 12 quận, huyện đã lập biên bản xử phạt 143 trường hợp (cá nhân, tổ chức) không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika..., với tổng số tiền xử phạt là gần 134 triệu đồng.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục