Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm 2006

Việt Nam phát triển chưa bền vững

Việt Nam phát triển chưa bền vững

Ngày 9-6, cuộc họp giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam (CG) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) đã được tổ chức tại TP Nha Trang. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm và Giám đốc WB Klauss Rohland đồng chủ trì hội nghị.

  • 3 vấn đề cần giải quyết

Việt Nam phát triển chưa bền vững ảnh 1

Làn sóng đầu tư vào Việt Nam tiếp tục tăng trong năm 2006. Trong ảnh: Công ty Eurowindow vừa đầu tư 5 triệu USD xây dựng nhà máy thứ 2 tại Bình Dương vào cuối tháng 5-2006.

Nhận định của WB về tình hình phát triển kinh tế xã hội của VN trong 5 tháng đầu năm 2006 là vẫn duy trì ở mức đáng khích lệ. VN đã tiến thêm một bước quan trọng trong tiến trình gia nhập WTO sau khi đã kết thúc đàm phán song phương với Mỹ.

Công cuộc cải cách doanh nghiệp Nhà nước vẫn tiếp tục. Tám tổng công ty có tiềm năng cạnh tranh toàn cầu sẽ được chuyển thành những tập đoàn kinh tế. Lộ trình cải cách ngân hàng đã được phê chuẩn.

Với những kết quả nêu trên, theo đánh giá của Đại sứ Canada tại VN, ông Gabriel Lessard, VN đã và đang thành công trong việc cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong tiến trình cải cách, phát triển nền kinh tế VN đã bộc lộ rõ 3 vấn đề cơ bản tồn tại, đó là bình đẳng xã hội, chất lượng phát triển và trách nhiệm quản lý.

Khoảng cách giàu nghèo ở VN đang ngày càng lan rộng, biểu hiện rõ nhất là giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi. VN đang tăng cường hội nhập kinh tế nhưng những yếu tố để cạnh tranh như chất lượng sản phẩm, quá trình công nghiệp hóa trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên thì còn rất yếu kém. Trách nhiệm và hiệu quả trong quá trình quản lý các vấn đề liên quan quá trình đô thị hóa vẫn chưa được công khai, minh bạch.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, trong những năm tới VN cần phải tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và cải cách hành chính. Đây chính là tiền đề để VN có thể tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế một cách bền vững.

  • Phải tăng cường chống tham nhũng

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, thì lạm phát tăng cao trong những năm gần đây cũng được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm. Đại sứ Thụy Sĩ Bénédict de Cerjat chất vấn: Vấn đề lạm phát trong 5 tháng đầu năm tăng 3,6%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng rất đáng để các nhà đầu tư lưu tâm, nó cho thấy công tác điều hành trong lĩnh vực quản lý tiền tệ chưa tốt. Vậy Chính phủ VN đã có biện pháp gì để kiểm soát lạm phát?

Trả lời vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phùng Khắc Kế thừa nhận, trong 2, 3 năm gần đây thì lạm phát đã trở thành vấn đề rất đáng quan tâm. Theo ông Kế, nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát là do giá nguyên liệu đầu vào hàng loạt mặt hàng tăng cao như xăng dầu, sắt thép, nhựa, rồi dịch cúm gia cầm, lũ lụt và dịch bệnh gia súc.

Mặc dù Chính phủ đã ra mục tiêu mức lạm phát trong 2 năm 2004-2005 chỉ dừng ở mức +/- 5% nhưng do những nguyên nhân khách quan nêu trên nên con số này đã tăng lên tới 8,4% trong năm 2004 và dừng ở mức 8% trong năm 2005. Trước tình hình đó, nhà nước đã đề ra biện pháp như mức cung về tiền tệ giảm xuống, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Trong khi đó, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưu ý, nguồn vốn thông qua thị trường chứng khoán cũng cần phải thận trọng vì tiền đổ vào lĩnh vực này nhiều nhưng khi rút ra cũng rất nhanh. Lộ trình cải cách Ngân hàng Nhà nước VN cần phải được đẩy nhanh hơn nữa để có thể đóng vai trò như một ngân hàng trung ương để điều tiết hoạt động tài chính trong nước và tác động chuyển đổi cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tại hội nghị, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những vấn đề nêu trên thì VN cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp chống tham nhũng, đồng thời đẩy mạnh việc cải cách hành chính, trong đó yếu tố then chốt là con người. Làm được những việc trên, trong 5 năm tới diện mạo của VN sẽ khác hẳn, công cuộc phấn đấu để VN trở thành một nước có thu nhập bình quân đầu người đạt mức trung bình trên thế giới sẽ thành công.

  • Cần 140 tỷ USD để phát triển kinh tế - xã hội

Số liệu báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, để đạt được mục tiêu tổng quát phát triển KT-XH trong thời kỳ 2006-2010, tổng đầu tư toàn xã hội ước tính khoảng 2.200 ngàn tỷ đồng, tương đương 140 tỷ USD, chiếm 40% GDP. Cơ cấu vốn thích hợp là trong nước khoảng 65%, vốn nước ngoài khoảng 35%.

Dự báo nguồn vốn ODA trên thế giới nhằm hỗ trợ các nước nghèo dự kiến khoảng 130 tỷ USD. Dự báo nguồn vốn ODA cung cấp cho VN khoảng từ 19 đến 21 tỷ USD trong giai đoạn 2006-2010. Con số này bao gồm nguồn vốn ký kết mới khoảng từ 12-15 tỷ USD và nguồn vốn ODA giải ngân khoảng 11-12 tỷ USD.

THÚY HẢI

Giám đốc WB tại VN, ông Klaus Rohland:
Tăng cường sự giám sát của công chúng

ODA là nguồn vốn quan trọng đối với một nước phát triển như VN, nhưng chỉ có tác dụng bổ sung, làm chất xúc tác cho quá trình phát triển, chứ không thể thay thế được nguồn lực nội tại của VN.

Chính phủ VN thời gian qua đã có những động thái rất kiên quyết để chống tham nhũng và tiêu cực, không chỉ là vụ PMU 18 mà còn nhiều vụ khác. Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực đó và trông chờ kết quả điều tra. Kết quả điều tra vụ PMU 18 không chỉ thay đổi cấu trúc lâu nay của ban quản lý này, mà còn tác động đến các thể chế, chính sách sàng lọc, đánh giá cán bộ ở VN, đồng thời sẽ đề cao vai trò giám sát của công chúng trong các dự án thực hiện từ nguồn vốn ODA. 

Tin cùng chuyên mục