Mở cửa khu vực ngân hàng “hậu” WTO

Cuộc chiến trên “sân nhà”

Sự kiện kết thúc đàm phán song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đã khẳng định gần như chắc chắn việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối năm nay. Đối với ngành ngân hàng, theo Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy, đây sẽ là động lực để tăng tốc cạnh tranh, tránh thua thiệt ngay trên “sân nhà”.
Cuộc chiến trên “sân nhà”

Sự kiện kết thúc đàm phán song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đã khẳng định gần như chắc chắn việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối năm nay. Đối với ngành ngân hàng, theo Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy, đây sẽ là động lực để tăng tốc cạnh tranh, tránh thua thiệt ngay trên “sân nhà”.

  • Mở cửa ngân hàng: tăng sức ép cạnh tranh

Cuộc chiến trên “sân nhà” ảnh 1

Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy

Với những thỏa thuận đã đạt được, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, các nhà cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ sẽ vào thị trường Việt Nam dễ dàng hơn và sẽ được hưởng quy chế đãi ngộ quốc gia trên nhiều lĩnh vực.

Hiện tại, Việt Nam cho phép các ngân hàng nước ngoài nắm giữ mức cổ phần tối đa là 49%; các ngân hàng nước ngoài được phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam, nhưng các công ty chứng khoán nước ngoài chỉ được phép thành lập văn phòng đại diện tại đây.

Còn theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thì kể từ ngày 1-4-2007, các ngân hàng Hoa Kỳ và các ngân hàng nước ngoài khác sẽ được phép thành lập chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, được nhận tiền gửi bằng VND không giới hạn từ các pháp nhân, đồng thời phát hành thẻ tín dụng.

Cũng như các pháp nhân Việt Nam, các chi nhánh và văn phòng đại diện này sẽ được hưởng chế độ đối xử không phân biệt (đãi ngộ quốc gia) ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Trong khi đó, lẽ ra theo Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, phải sau năm 2010, các ngân hàng Hoa Kỳ mới được phép thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Thống đốc Lê Đức Thúy bình luận: “Với việc gia nhập WTO, chúng ta phải chấp nhận mở cửa hơn nữa các dịch vụ ngân hàng. Các ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng dưới nhiều hình thức khác nhau sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc xâm nhập thị trường Việt Nam. Và như vậy, sức ép cạnh tranh đối với các ngân hàng nội địa cũng tăng lên”. Tuy nhiên, ông khẳng định đây sẽ là động lực để ngành ngân hàng Việt Nam phát triển vững hơn, nhanh hơn.

  • Làm gì để không thua trên “sân nhà”?

Đương nhiên, nói đến hội nhập, ai cũng biết là sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức. Vấn đề là phải nhìn nhận một cách tỉnh táo về những cơ hội và thách thức đó.

Điểm đáng lo ngại nhất hiện nay là ngân hàng Việt Nam có xuất phát điểm thấp về trình độ phát triển thị trường, yếu về tiềm lực vốn, công nghệ, tổ chức lạc hậu, trình độ quản lý thấp. Tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước hiện mới đạt trên 21.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng mới xấp xỉ 55% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trên 80% của các nước trong khu vực.

Bình quân, mức vốn tự có của các ngân hàng thương mại nhà nước khoảng từ 200 đến 250 triệu USD, chỉ bằng một ngân hàng cỡ trung bình trong khu vực, còn các ngân hàng cổ phần có mức vốn điều lệ bình quân chỉ khoảng từ 200 đến 300 tỷ đồng. Trong khi điểm mạnh của các ngân hàng nước ngoài là dịch vụ, thì ngân hàng trong nước vẫn chủ yếu là hoạt động tín dụng.

Chính vì thế, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng tín dụng của các ngân hàng để tiếp cận theo các tiêu chuẩn quốc tế chính là bài toán được Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Trong Đề án phát triển ngành ngân hàng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây cũng là một vấn đề trọng tâm.

Cụ thể, theo Thống đốc Lê Đức Thúy, sẽ thực hiện những giải pháp trực tiếp như bổ sung thêm vốn, nhằm nâng vốn tự có ngân hàng thương mại nhà nước lên theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo nâng chỉ số vốn tự có trên tổng tài sản có rủi ro từ mức khoảng 3%-4% hiện nay, lên trên 8% trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chủ trương phát triển một số ngân hàng thương mại Việt Nam theo mô hình tập đoàn kinh tế đa năng (ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, môi giới và kinh doanh chứng khoán, quản lý tài sản...).

Riêng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, Thống đốc Lê Đức Thúy cho rằng, cần chủ động chọn thời điểm và hình thức tăng vốn trên cơ sở minh bạch thông tin hoạt động và kết quả kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và an toàn trong kinh doanh để đẩy nhanh tiến độ tham gia niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, có thể cạnh tranh với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi mở cửa dịch vụ ngân hàng.

NGUYÊN QUÂN

Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy:
Sẽ sáp nhập ngân hàng nhỏ, yếu kém


Với việc gia nhập WTO, bức tranh toàn cảnh về sở hữu ngân hàng sẽ có những thay đổi căn bản với việc các tổ chức tài chính nước ngoài sẽ có thể từng bước nắm giữ cổ phần của các ngân hàng Việt Nam. Những ngân hàng yếu kém, quy mô nhỏ sẽ phải sáp nhập.

Đặc biệt, việc xuất hiện các ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ làm thay đổi mạnh cơ cấu thị phần tiền tệ. Trước mắt, chúng ta sẽ gỡ bỏ dần các hạn chế về tỷ lệ tham gia cổ phần của các định chế tài chính nước ngoài theo những cam kết quốc tế. Sau đó, cần nới lỏng các quy định về việc khống chế tỷ lệ tham gia góp vốn, dịch vụ, giá trị giao dịch của các ngân hàng nước ngoài... 

Tin cùng chuyên mục