Nhân lực cao cấp trong ngành tài chính - ngân hàng

Lương cao ngất nhưng vẫn thiếu người

Lương cao ngất nhưng vẫn thiếu người

Sự bùng nổ dịch vụ tài chính-ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian gần đây đang tạo ra lỗ hổng lớn về nhân sự của ngành này. Để tuyển mộ và thu hút nhân tài vào làm việc, các nhà tuyển dụng sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn lên đến hàng ngàn USD/tháng. Thế nhưng, cuộc đua “săn” quản trị viên cao cấp trong lĩnh vực này chẳng khác nào “đãi cát tìm vàng”.  

  • Đỏ mắt tìm người tà
Lương cao ngất nhưng vẫn thiếu người ảnh 1

Sinh viên ngân hàng tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của ngân hàng tại ngày hội nghề nghiệp sinh viên ngân hàng 2006.

Cách đây 5 năm, các chuyên gia về tài chính - ngân hàng ở TPHCM đã gióng hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng thiếu hụt nhân lực ngành tài chính ngân hàng sẽ rất lớn nếu VN không có sách lược đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân sự quản trị cao cấp cho lĩnh vực này.

Và cho đến bây giờ khi cơ hội vào WTO đang đến gần, lời cảnh báo ấy càng trở nên gay gắt. Gần đây, sự “trỗi dậy” của các ngân hàng, tổ chức đầu tư tài chính, tín dụng (chứng khoán, buôn bán bất động sản, bảo hiểm…) và các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ đang tạo ra cơn sốt tuyển mộ nhân sự trực tiếp lẫn gián tiếp trong ngành tài chính-ngân hàng.

Do các lò đào tạo không đủ sản phẩm “chất lượng cao” cung ứng cho thị trường lao động nên các nhà tuyển dụng phải đưa ra nhiều chiêu thức tuyển mộ, chiêu dụ người tài. Theo các công ty dịch vụ cung ứng nhân sự, chính cơn sốt cạnh tranh thu hút nhân tài này đang đẩy giá thuê quản trị viên cao cấp ngành tài chính-ngân hàng lên cao ngất. Giá “săn” một giám đốc tài chính, quản trị tài chính-ngân hàng cao cấp không dừng ở mức 2.000-3.000 USD như trước đây mà đã tăng vọt lên 5.000-7.000 USD/tháng.

Một chuyên viên phân tích tài chính bậc trung cũng dễ dàng kiếm được mức lương 1.000 USD/tháng. Trên thế giới hiện nay, nhân lực cao cấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng luôn “hot” vì nhu cầu lớn. Oâng Trương Minh Khai, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á cho rằng chẳng thà trả lương cao gấp nhiều lần cho một nhân viên giỏi, biết làm việc còn hơn là nhận nhiều người năng lực, nghiệp vụ ở tầm làng nhàng.

Với việc khuếch trương hoạt động, mở thêm nhiều chi nhánh tại TPHCM, Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank) cần tuyển thêm trên 200 nhân viên ở mọi vị trí công việc. Tương tự, nhiều ngân hàng cổ phần khác như Á Châu, Eximbank, Đông Á… đang có xu hướng mở rộng thị phần ra các tỉnh khác cũng đều có nhu cầu tuyển thêm giám đốc ngân hàng (C.F.O) cùng nhiều vị trí quản trị viên cao cấp, chuyên viên.

Thạc sĩ Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học - Kinh tế ứng dụng cho biết: “Trong khi nhu cầu tuyển dụng nhân sự của ngành tài chính ngân hàng tăng vọt thì nguồn đào tạo, cung ứng sinh viên chuyên ngành này không nhiều. Riêng địa bàn TPHCM, mỗi năm có gần 1.000 sinh viên tài chính-ngân hàng tốt nghiệp, trong đó chuyên ngành kế toán chiếm nhiều hơn”. 

  • Chạy nước rút... 

Trước thực tế khan hiếm nguồn nhân lực ngành tài chính-ngân hàng, nhiều nhà tuyển dụng đã thay đổi chiến thuật, chấp nhận tuyển sinh viên mới ra trường để tái đào tạo thay vì đi săn lùng người có kinh nghiệm.

Tại hội chợ nghề nghiệp dành cho sinh viên ngành ngân hàng được tổ chức lần đầu tiên tại ĐH Ngân hàng mới đây, ông Lê Đình Long, Tổng Giám đốc VIB Bank khẳng định rằng sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường sẽ là nguồn nhân sự dồi dào cung ứng cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, đòi hỏi sinh viên phải năng động, sáng tạo, tìm tòi nhiều giải pháp để trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Trong chương trình đào tạo nhân viên khởi nghiệp, VIB Bank sẽ tạo điều kiện cho sinh viên mới ra trường tiếp cận với công việc thực tế và huấn luyện họ kỹ năng làm việc hiệu quả.

Để tuyển chọn nhân tài, hàng năm Viện Nghiên cứu Tin học - Kinh tế ứng dụng TPHCM phối hợp với các nhà tuyển dụng tổ chức kỳ thi phân tích tài chính. Thế nhưng, số lượng sinh viên ngành tài chính-ngân hàng tham gia còn thấp và tỷ lệ lọt vào vòng chung kết rất ít. Nguyên nhân là do tiêu chuẩn cuộc thi đặt ra cao, đòi hỏi kỹ năng phân tích tài chính cụ thể trong khi đó sinh viên chỉ có kiến thức cơ bản, thiếu thực hành.

Để bổ khuyết nguồn nhân lực quản trị cao cấp trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, ngoài sự chủ động đào tạo nguồn của các đơn vị, tổ chức tài chính, tín dụng đòi hỏi nhà nước phải có đổi mới chương trình đào tạo tại các trường đại học và có chính sách hỗ trợ đào tạo quản trị viên trung cao cấp.

Sắp tới thị trường vốn ở VN sẽ phát triển rất mạnh, nếu chúng ta không chuẩn bị nguồn nhân lực đạt chuẩn, có kiến thức, kinh nghiệm hội nhập quốc tế thì rất khó xây dựng được nền tài chính tiền tệ lành mạnh, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.

KHÁNH BÌNH

 

Tin cùng chuyên mục