5 năm thực thi Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ

Tác động khá toàn diện đến cơ cấu kinh tế Việt Nam

Bùng nổ thương mại song phương
  • Xuất khẩu của VN vào Hoa Kỳ đạt 7,8 tỷ USD, tăng gấp 8 lần
  • Đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào VN đạt 4 tỷ USD

Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực từ ngày 10-12-2001 đã tác động đến nền kinh tế VN như thế nào? VN cần phải lường đón những gì nhằm giảm thiểu những bất trắc cũng như tận dụng các lợi thế của tiến trình hội nhập? Đây là nội dung của hội thảo “Đánh giá tác động của 5 năm triển khai BTA tại VN” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp Dự án Hỗ trợ Thúc đẩy thương mại (Star – VN) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức vào ngày 18-7.

Bùng nổ thương mại song phương

Theo ông Lê Văn Bá, Phó Viện trưởng CIEM, phản ứng đáng kinh ngạc ngay trong năm đầu thực hiện BTA, đó là hàng hóa của VN xuất khẩu vào Hoa Kỳ đã tăng tới 128%, đến năm 2003 đã tăng tiếp 90%. Riêng hàng dệt may đã tăng 1.800% trong năm 2002 và 650% trong 6 tháng đầu năm 2003. Từ một thị trường tương đối nhỏ của hàng xuất khẩu VN, Mỹ đã vượt qua các nước khác và trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN. Sau 5 năm, kim ngạch 2 chiều Việt – Mỹ đã tăng hơn 8 lần, trong đó xuất khẩu của VN sang Hoa Kỳ từ 1 tỷ USD năm 2001 đã tăng lên 7,8 tỷ USD năm 2006. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ hiện chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu.

BTA đã góp phần làm thay đổi diện mạo các sản phẩm xuất khẩu của VN. Từ chỗ hàng xuất khẩu của VN chủ yếu là sản phẩm sơ chế thì sau 5 năm hàng tinh chế đã chiếm tới 75%, nổi bật nhất là đồ gỗ, máy xử lý số liệu, thiết bị viễn thông, hàng phục vụ du lịch, đồ nhựa, đồ chơi trẻ em…

TS James Riedel, Dự án STAR – VN nhận định, theo BTA, nghĩa vụ chính của phía Hoa Kỳ kể từ khi hiệp định có hiệu lực là phải trao cho VN Quy chế Thương mại bình thường/Quy chế tối huệ (NTR/MFN). Cụ thể, Hoa Kỳ phải cắt giảm thuế suất nhập khẩu trung bình đối với hàng nhập khẩu của VN vào Hoa Kỳ từ 40% xuống còn 4%, trong khi VN chỉ cắt giảm thuế suất đối với 261 hạng mục thuế quan. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường to lớn của Hoa Kỳ đã được mở rộng cho hàng hóa của VN.

BTA dẫn lối cho dòng chảy FDI vào VN

Có nhiều yếu tố góp phần làm cho VN trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đó là các cam kết sâu rộng và có tính ràng buộc của VN theo BTA và các hiệp định khác của WTO. Cụ thể, BTA đòi hỏi phải thực hiện căn bản về chính sách và thủ tục đầu tư. Khái niệm đầu tư đã được mổ rộng để bao quát hết mọi hình thức đầu tư của BTA, dỡ bỏ cơ chế định giá kép và các biện pháp có tính phân biệt đối xử… Năm 2006, VN đã thu hút tổng vốn FDI tới 12 tỷ USD, tăng 375%, dự kiến trong năm 2007, FDI có thể sẽ tăng lên tới gần 20 tỷ USD. Theo đó nhiều dự án “tỷ USD” đã đặt lên bàn của các cơ quan chức năng.

Riêng đầu tư từ Hoa Kỳ kể cả qua nước thứ 3 đạt khoảng 4 tỷ USD đối với các dự án đã đăng ký và 3,3 tỷ USD đối với các dự án đã thực hiện. Con số này đã đặt Hoa Kỳ vào hàng các nhà đầu tư lớn nhất ở VN.

Để đánh giá một cách toàn diện về tác động của BTA đối với môi trường đầu tư tại VN, năm 2006, Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã gửi 4.000 phiếu điều tra tới các nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả có hơn một nửa DN khẳng định, BTA đã tác động quan trọng tới quyết định đầu tư của họ tại VN, với lý do BTA là bước đệm cho, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn…

Nhưng đừng vội mừng!

Tại hội thảo khá nhiều ý kiến cho rằng, việc xuất khẩu vào Mỹ luôn trong tình trạng tăng trưởng “nóng” chỉ là hiện thực, hãy còn quá nhiều thách thức phía trước, nếu VN không vượt qua được thì điều chắc chắn, VN sẽ lọt cái bẫy vĩnh viễn của lao động giá rẻ! Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, thiếu thị trường này liệu tốc độ tăng trưởng GDP của VN có đạt được mức 8%-9%/năm?

TS Nguyễn Hồng Bảo – Khoa Kinh tế phát triển Đại học Kinh tế TPHCM cũng cho rằng, mặc dù đầu tư của Mỹ vào VN còn thấp nhưng lại là đầu tư thâm dụng vốn và công nghệ, còn xuất khẩu của VN là thâm dụng về lao động, điều này sẽ tạo thế áp đảo đối với hàng hóa xuất khẩu của VN trong tương lai. Mặt khác, VN chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, điều này không có lợi cho hàng hóa của VN khi xuất khẩu vào Mỹ.

Ông Steve Parker, Dự án Star VN cũng cảnh báo, việc xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ của VN cũng đang có nguy cơ bị kiện bán phá giá, để tránh thiệt hại, ngay từ bây giờ DNVN nên đa dạng sản phẩm và từng bước chuyển hướng thị trường xuất khẩu. “BTA chỉ mở cánh cửa đầu tiên cho VN trong tiến trình gia nhập kinh tế. Sử dụng nó như thế nào để đạt hiệu quả là tùy thuộc vào chính sách và năng lực của VN. Đổi mới và đổi mới không ngừng sẽ quyết định hướng phát triển của VN trong nền kinh tế toàn cầu” – ông Steve kết luận.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục