Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Không phải Chính phủ muốn độc quyền ngành điện

Bên hành lang Quốc hội chiều 23-7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi về những khó khăn khi thực hiện quy hoạch điện lưới quốc gia 2011-2020 cũng như một số vấn đề liên quan đến việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho người dân và doanh nghiệp giai đoạn tới.

Bên hành lang Quốc hội chiều 23-7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi về những khó khăn khi thực hiện quy hoạch điện lưới quốc gia 2011-2020 cũng như một số vấn đề liên quan đến việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho người dân và doanh nghiệp giai đoạn tới. Phó Thủ tướng cho biết:

Việc thực hiện quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (tổng sơ đồ điện 7), gặp nhiều khó khăn hơn tổng sơ đồ điện 6, trong đó khó nhất là việc huy động vốn. Trong và ngoài nước đều khó khăn nên việc huy động vốn khó. Do vậy, việc đảm bảo 5.000MW/năm là vấn đề hết sức nan giải, nên phải có giải pháp để thực hiện tổng sơ đồ này và giải pháp để huy động vốn.

° PV: Còn về lộ trình giảm dần độc quyền nhà nước trong ngành điện mà Chính phủ đã đề ra, thưa đồng chí?

°  Phó Thủ tướng HOÀNG TRUNG HẢI: Không phải do Chính phủ muốn duy trì độc quyềân mà vấn đề ở chỗ giảm dần độc quyền của nhà nước thì phải tăng yếu tố thị trường. Khả năng tham gia vào thị trường phải lớn thì lúc ấy mới giảm được vai trò nhà nước. Cái gì thị trường không làm được, tư nhân không làm được thì nhà nước phải làm. Giờ muốn rút vai trò nhà nước đi thì phải khẳng định được thể chế đã đầy đủ và tư nhân cũng sẵn sàng. Trong khi đó, tư nhân chỉ sẵn sàng khi cơ chế giá chịu được. Chỉ khi tư nhân tham gia nhà nước mới dần giảm đi, chứ bây giờ nhà nước rút luôn lấy ai cung cấp điện.

° Có ý kiến cho rằng thị trường điện như hiện nay xuất phát một phần do nguyên nhân chậm thực hiện Tổng sơ đồ điện 6?

° Chậm tiến độ các dự án có rất nhiều nguyên nhân. Ở đây có nguyên nhân thiếu vốn. Như tôi nói, việc thực hiện tổng sơ đồ điện 7 không hề dễ dàng hơn, kể cả thị trường trong nước và nước ngoài. Muốn tiến độ về vốn bảo đảm thì mình còn phải năng động hơn nữa, căn cơ hơn nữa.
Mặt khác về giá cả. Vừa rồi chúng ta đưa ra được cơ chế điều chỉnh giá và việc này sẽ tạo điều kiện cho việc có thể thu hút vốn tốt hơn.

Mặc dù giá mới cải cách được 1 bước nhưng cũng là hướng mở ra để các nhà đầu tư sẵn sàng. Nói đúng ra các nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng bỏ vốn đầu tư. Vấn đề nữa là xem xét để cải cách các khâu của dự án. Thực tế các khâu của quy trình đầu tư xây dựng cơ bản cho đến nay cũng không có những vướng mắc lớn. Tiếp đó là cơ chế tạo điều kiện cho dự án làm nhanh hơn. Hiện nay một số chủ đầu tư năng lực vẫn yếu, cả trong khâu chuẩn bị dự án lẫn triển khai thực hiện.

°  Để các dự án điện sớm được thực hiện cần tháo gỡ khâu nào, thưa đồng chí?

°  Khó khăn lớn nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng. Do vậy, đòi hỏi Chính phủ, địa phương cũng như chủ đầu tư phải đưa ra cơ chế phù hợp để giải quyết. Trong việc này, đa số chậm ở khâu chuẩn bị các khu tái định cư cho dân. Thực tế Chính phủ cũng có quy định cho phép chủ đầu tư ứng vốn cho địa phương để làm công tác quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư sớm hơn. Khi thực hiện Tổng sơ đồ điện 6 cũng chưa bao giờ chúng ta đáp ứng được nhu cầu phát triển hàng năm khoảng 3.780MW.

Tình trạng thiếu điện cứ kéo dài như vậy nên khi giải quyết cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cho đến giai đoạn này khi đã nâng công suất lên thì thách thức đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện lại càng lớn hơn nữa, đòi hỏi tất cả các cơ quan, bộ ngành và địa phương phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện. Vì ai cũng hiểu rằng không có điện là sẽ không làm được gì cả.

LÂM NGUYÊN ghi

Tin cùng chuyên mục