Cơ sở giảm lãi suất

Liên tục trong hai ngày 18 và 19-12, Chính phủ đã làm việc với 2 TP lớn về các giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản. Xoay quanh câu chuyện này còn có nhiều điều để bàn, tuy nhiên, nhìn từ góc độ chỉ đạo giảm lãi suất trong vài ngày tới của Chính phủ thì khả năng này liệu có khả thi không?
Cơ sở giảm lãi suất

Liên tục trong hai ngày 18 và 19-12, Chính phủ đã làm việc với 2 TP lớn về các giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản. Xoay quanh câu chuyện này còn có nhiều điều để bàn, tuy nhiên, nhìn từ góc độ chỉ đạo giảm lãi suất trong vài ngày tới của Chính phủ thì khả năng này liệu có khả thi không?

Lãi suất ngân hàng giảm giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất. Ảnh: KIM NGÂN

Lãi suất ngân hàng giảm giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất. Ảnh: KIM NGÂN

Trong kinh tế học, nền tảng của lãi suất được điều hành theo chỉ báo của lạm phát trong nền kinh tế, tuy nhiên lạm phát ở đây được đo lường dựa trên kỳ vọng lạm phát trong nền kinh tế chứ không phải dựa vào mức lạm phát đã xảy ra. Đa phần các quốc gia đều phải hình thành cách tính kỳ vọng lạm phát này, ở VN việc tính toán kỳ vọng lạm phát chưa chính thức chỉ dựa vào những thông tin quá khứ về mức lạm phát đã diễn ra, những tiềm ẩn hiện tại để đưa ra nhận định chủ quan về mức lạm phát kỳ vọng trong những tháng tới.

Qua đó, khi lập luận kỳ vọng lạm phát giảm thì đương nhiên chính sách lãi suất sẽ phải điều hành giảm. Chính vì vậy, với quyết tâm của chính phủ trong nỗ lực kìm chế lạm phát ở mức 7% trong năm 2013 thì việc giảm lãi suất hiện tại là chuyện đơn giản.

Tuy nhiên, lại có quan điểm cho rằng lãi suất thực dương, nghĩa là mức lãi suất đã điều chỉnh lạm phát. Quan điểm này không được các ngân hàng trung ương (NHTƯ) trên thế giới hướng đến vì đơn giản điều hành chính sách tiền tệ phải hướng đến mức lạm phát mục tiêu mà NHTƯ đó kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó có những thời điểm mức lãi suất thực âm gây ra nhiều tranh luận thiệt lại cho người gửi tiền…

Nếu chúng ta xem hoạt động gửi tiền cũng là hoạt động đầu tư nhưng bao khoản đầu tư khác chỉ có điều mức động rủi ro thấp hơn. Nếu là khoản đầu tư thì khả năng lãi lỗ cũng là chuyện bình thường. Một doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh sau một năm thu được mức sinh lời 5%-7% hoặc thậm chí bị lỗ nặng trong khi lạm phát trong nền kinh tế ở mức 7% vậy thì người gửi tiền an toàn nhận được lãi suất 9% năm có phải công bằng? Như vậy, từ vấn đề đơn giản trên, quan điểm điều hành lãi suất nên hướng đến lạm phát mục tiêu và khi Chính phủ đưa ra mức lạm phát mục tiêu là 7% thì cơ sở giảm lãi suất trở nên bền vững.

Khi dựa trên mức lạm phát mục tiêu, ngân hàng nhà nước (NHNN) thông qua công cụ mức lãi suất cơ bản để điều hành nền kinh tế. Nghĩa là NHNN cho các ngân hàng thương mại (NHTM) vay với mức lãi suất này. Chúng ta thường thấy các NHTƯ trên thế giới thường công bố mức lãi suất này như Fed là 0,25%, ECB là 0,75%... Tuy nhiên, mức lãi suất cơ bản của VN không được hiểu theo cách này, nói cách khác, ở VN không tồn tại tính hiệu lực của mức lãi suất cơ bản dù nó được NHNN đưa ra hiện nay là 9%.

Một trong những nhược điểm lớn nhất của hệ thống ngân hàng VN hiện nay là hoạt động ủy thác đầu tư. Các NHTM ủy thác vốn đầu tư để thực hiện mục đích đầu tư hơn là dẫn vốn vào nền kinh tế như là một trung gian tài chính. Đây là một lỗ hổng rất lớn mà nếu NHNN bơm vốn cho các NHTM bao nhiêu cũng không đủ. Nguy cơ của hoạt động này đã được Ủy ban Giám sát tài chính nêu ra, báo cáo của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cũng đề cập trong bản giải trình. Chính vì vậy, vào tháng 10-2012, NHNN đã công bố bản dự thảo “Thông tư quy định hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của tổ chức tín dụng…”.

Do đó, nếu NHNN điều hành theo công cụ lãi suất cơ bản thì họ phải thực hiện bơm vốn vào hệ thống theo mức lãi suất công bố. Tuy nhiên, bơm bao nhiêu cho đủ khi mà các NHTM nhận vốn này chỉ dùng ủy thác đầu tư đổ vốn vào các tài sản đầu cơ như tỷ giá, vàng, chứng khoán và bất động sản như thời gian qua gây bất ổn kinh tế và đẩy lạm phát gia tăng. Hiện tại thông tư này vẫn chưa được ban hành nên việc bơm tiền từ 100.000 - 150.000 tỷ đồng như lời của Thủ tướng để giảm lãi suất và cứu thị trường bất động sản sẽ có khả năng làm bùng phát lạm phát khi dòng chảy của tiền này chưa được giám sát.

Như vậy, nếu NHNN chưa ban hành thông tư trên thì việc giảm lãi suất chỉ có thể thực hiện như thời gian qua đó là quy định trần lãi suất tiền gửi mới từ 9% giảm xuống 8% hay một mức nào đó. Bằng việc giảm trần lãi suất này NHNN mong muốn các NHTM giảm lãi suất cho vay. Thế nhưng thực tế thời gian qua chúng ta cũng đã chứng kiến, các NHTM không làm điều này để rồi NHNN phải quy định trần lãi suất cho vay cho 4 đối tượng ưu tiên bằng Thông tư 14/2012/TT-NHNN, ban hành ngày 4-5-2012 hiện nay là 13%, tính theo lãi suất cơ bản và các đối tượng khác được NHNN kêu gọi giảm lãi suất xuống 15%. Tính hiệu quả của những quy định hành chính và phong trào đẩy các doanh nghiệp kêu than về lãi suất cao.

Như vậy, nếu muốn giảm lãi suất chỉ còn việc giảm trần lãi suất huy động và giảm lãi suất cơ bản đi kèm với lời kêu gọi giảm lãi suất các đối tượng khác chứ không thể thông qua công cụ thị trường từ việc điều tiết lượng tiền bơm vào hệ thống của NHNN. Giải pháp này được ví như người gửi tiền giảm lợi ích để chia sẻ cho doanh nghiệp, tuy nhiên các NHTM là trung gian hưởng được nguồn lợi này vì họ chậm đưa ra mức lãi suất cho vay thấp với nhiều lập luận trong khi chỉ trả lãi suất tiền gửi thấp.

Nếu chủ trương giảm lãi suất được thực hiện, chính phủ và NHNN cần phải tiến hành đồng bộ các mức lãi suất khác trong nền kinh tế để việc giảm lãi suất đưa dòng vốn vào nền kinh tế. Trước hết, mức lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) hiện tại còn ở mức cao, những lô trái phiếu đang được đấu thầu đang có mức lãi suất trên 9%. Sẽ phi lý khi lãi suất tiền gửi quy định 8% mà TPCP ở mức 9%, các NHTM chỉ có việc huy động tiền và mua TPCP để hưởng chênh lệch 1% mà không cần thiết bơm vốn vào nền kinh tế. Chính vì vậy, nhằm chuẩn bị cho chủ trương giảm lãi suất thì tín hiệu đầu tiên cần sớm giảm lãi suất TPCP.

Một trong những điều kiện khác đi liền với chủ trương giảm lãi suất đó là mức lãi suất tái chiết khấu. Không thể để mức lãi suất tái chiết khấu thấp hơn lãi suất của TPCP. Hiện nay lãi mức lãi suất tái chiết khấu 8% thấp hơn lãi suất TPCP không nhiều nên có thể chấp nhận được. Nếu mức lãi suất tái chiết khấu thấp hơn lãi suất TPCP thì các NHTM sẽ mua trái phiếu để tái chiết khấu trở lại NHNN để hưởng chênh lệch mà không cần thiết đưa vốn vào nền kinh tế.

Do đó, để vốn đưa được vào nền kinh tế không chỉ giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay mà cần thực hiện đồng bộ với các mức lãi suất khác. Trên cơ sở đó kỳ vọng vào tính hiệu quả của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng

TS Lê Đạt Chí (Trường Đại học Kinh tế TPHCM)

Tin cùng chuyên mục