Truyền hình trả tiền... bạo vì tiền

Chuyện lùm xùm bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh (EPL) mùa 2013 – 2016 và có thêm một số đơn vị viễn thông lớn chuẩn bị gia nhập đội ngũ truyền hình trả tiền, đang khiến cho “mặt trận” truyền hình trả tiền lại sục sôi trong những ngày qua.
Truyền hình trả tiền... bạo vì tiền

Chuyện lùm xùm bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh (EPL) mùa 2013 – 2016 và có thêm một số đơn vị viễn thông lớn chuẩn bị gia nhập đội ngũ truyền hình trả tiền, đang khiến cho “mặt trận” truyền hình trả tiền lại sục sôi trong những ngày qua.

  • Tranh nhau gói độc quyền

Giải bóng đá ngoại hạng Anh luôn là chương trình được khán giả Việt Nam chờ đón. Vì thế, đây cũng là chương trình mà nhiều đơn vị kinh doanh truyền hình nói chung, truyền hình trả tiền nói riêng cố công mua bản quyền cho bằng được. Có lẽ cũng chính vì điều này mà giá bản quyền này tăng mỗi mùa đến chóng mặt. Các năm trước đó, VTV là đơn vị mua giải để phát sóng trên truyền hình quảng bá. Vài năm lại đây, K+ mua để phát độc quyền. Có thông tin, giá bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh mùa 2013-2016 đã được Canal Plus (công ty mẹ của Canal Overseas - công ty nắm 49% trong liên doanh VSTV - K+) mua với giá 40 triệu USD.

Trước đó, Bộ TT-TT có văn bản gửi VTV và VTC yêu cầu thành lập ban điều hành đàm phán và do Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì. Phía K+ cũng không khẳng định mình đã mua bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh và trong cuộc họp ban điều hành đàm phán mua bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh mùa giải 2013 - 2016 vừa qua đã thống nhất những điểm chính: “Đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam sử dụng quyền phủ quyết của đơn vị nắm 51% trong liên doanh VSTV (K+) để tránh việc đối tác Cannal Plus chuyển độc quyền khai thác bản quyền bóng đá Anh cho K+ ép người xem Việt Nam phải trả mức giá cao cho đối tác nước ngoài, đi ngược lại với thỏa thuận của các đơn vị truyền hình Việt Nam bao gồm cả Đài Truyền hình Việt Nam và chỉ đạo của Bộ TT-TT. Nếu không thương lượng hợp lý, tất cả các đài truyền hình và các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam sẽ cùng cam kết không mua bản quyền bóng đá Anh mùa giải 2013 - 2016”. Nếu có sự đồng lòng, thống nhất như vậy, hy vọng chuyện mua bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh sẽ được giải quyết ổn thỏa, hợp lòng các đài truyền hình.

Mạng truyền hình trả tiền đang phát triển và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ.

Mạng truyền hình trả tiền đang phát triển và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ.

  • “Vừa làm đường vừa sản xuất xe”

Một số đơn vị viễn thông lớn đã gửi hồ sơ lên Bộ TT-TT xin được ra truyền hình cáp từ đầu năm 2012. Được biết, các đơn vị viễn thông lớn này đã được cấp phép truyền hình công nghệ số (IPTV) từ lâu.

Theo ông Phan Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc SCTV: “IPTV là một công nghệ tiên tiến, có tốc độ phát triển thuê bao nhanh nhất trên thế giới vì công nghệ này có nhiều ưu điểm nổi trội hơn các công nghệ truyền hình cáp analog. Đặc biệt, IPTV là công nghệ truyền hình không biên giới, có thể chạy trên đa hạ tầng truyền dẫn (Wifi, 3G, Broadband Internet - ADSL, FTTH, DOCSIS, EoC), phù hợp với nhiều loại thiết bị thu xem khác nhau như Smart Phone, máy tính bảng, Smart TV, TV, PC, laptop. Những tính năng vượt trội này vốn là mơ ước của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Nhưng tiếc thay, những đơn vị viễn thông lớn đang có sẵn lợi thế về hạ tầng truyền dẫn hiện đại, tiên tiến lại muốn đầu tư làm truyền hình cáp analog, vậy có phải là một điều nghịch lý, đi ngược lại xu hướng phát triển truyền hình của thế giới, khu vực và lộ trình số hóa của Chính phủ; gây thiệt hại lớn cho nguồn lực của xã hội, của đất nước và nhân dân với việc đầu tư hệ thống công nghệ truyền hình cáp analog lạc hậu?”.

Nói về việc có nên cấp phép cho đơn vị viễn thông kinh doanh truyền hình trả tiền hay không, một người có thâm niên trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, bày tỏ: “Vấn đề không ở chỗ cấp hay không cấp mà quan trọng là mục tiêu cấp để làm gì (tránh độc quyền, tạo sự cạnh tranh lành mạnh…). Truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã có một quá trình phát triển, khi chưa có chính sách đặc thù. Nay khi sắp xếp lại, các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên tính đến quyền lợi hợp pháp của những đơn vị đang làm”.

Lãnh đạo một nhà mạng cho rằng, nên tách bạch đơn vị cung cấp nội dung và đơn vị cung cấp hạ tầng truyền dẫn: “Nếu anh có hạ tầng truyền dẫn tốt, anh cứ kinh doanh truyền dẫn; cung cấp nội dung là việc của các đơn vị truyền hình. Giống như anh làm đường, làm xong đường muốn sản xuất luôn các loại phương tiện chạy trên con đường ấy; như thế là không chuyên nghiệp”.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến năm 2020, Việt Nam hoàn toàn xóa bỏ công nghệ analog để theo kịp xu thế chung của thế giới. Vậy có nên cấp thêm dịch vụ truyền hình trả tiền công nghệ analog cho các đơn vị viễn thông? 

HUỲNH TÀI

Tin cùng chuyên mục