Tìm giải pháp đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng trì trệ

Hôm qua 22-5, Quốc hội dành trọn ngày thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách. Tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, đình trệ, trong khi các giải pháp tháo gỡ triển khai chậm khiến nhiều đại biểu lo lắng. Các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để tăng tổng cầu, kích hoạt tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh lạm phát đã kiềm chế ở mức thấp.
Tìm giải pháp đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng trì trệ

Hôm qua 22-5, Quốc hội dành trọn ngày thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách. Tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, đình trệ, trong khi các giải pháp tháo gỡ triển khai chậm khiến nhiều đại biểu lo lắng. Các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để tăng tổng cầu, kích hoạt tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh lạm phát đã kiềm chế ở mức thấp.

        Kinh tế trì trệ, chính sách chậm trễ

Theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội chưa phân tích sâu về tình hình kinh tế Việt Nam. Có thể dễ dàng khái quát được nền kinh tế nước ta đang ở giai đoạn trì trệ nghiêm trọng. Trong nhiều năm từ đổi mới tới nay, giai đoạn trì trệ bị tác động của khu vực vào năm 1999, đến năm 2000 hồi phục. Động lực mạnh nhất lúc đó là sự ra đời Luật Doanh nghiệp. Giai đoạn hiện nay, suy giảm tăng trưởng kéo dài từ năm 2008 - 2003.

Nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay đều tăng trưởng 7% - 8% và chỉ tăng trưởng mức này mới đảm bảo mục tiêu giải quyết được các vấn đề xã hội. “Hiện nay, tăng trưởng hơn 5% là nguy cơ chứ không phải đơn giản chuyện nhìn vào quý này cao hơn quý kia là mừng” - đại biểu Trần Du Lịch nói.

Trong khi đó, đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) nhận định, từ năm 2012 đến nay Chính phủ đã có một số giải pháp để tháo gỡ các “điểm nghẽn” của nền kinh tế nhưng chưa có kết quả, giải quyết nợ xấu chưa khả quan; giải pháp thị trường bất động sản chưa đủ mạnh…

Đại biểu Phạm Quang Khải (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) là nợ xấu, hàng tồn kho hiện đều rất chậm. Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) bức xúc vì có nhiều vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm không được giải quyết trong báo cáo của Chính phủ, trong khi giải pháp cứ lặp đi lặp lại.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích: “Nông nghiệp được xác định là “trụ đỡ” của nền kinh tế nhưng không thấy chuyển biến, nhiều vấn đề trong phát triển nông nghiệp như “được mùa, rớt giá” kéo dài nhiều năm, khiến khó khăn dồn về phía nông dân. Báo cáo của Chính phủ không phân tích rõ nguyên nhân, địa chỉ trách nhiệm. Tôi thấy báo cáo trước Quốc hội như vậy là không ổn!”.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ.

Từ góc nhìn của người làm ngân hàng, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) phân tích: Hiện lãi suất không phải là rào cản tiếp cận vốn của DN. Vấn đề cốt lõi là sức mua của nền kinh tế vẫn kém, tồn kho lớn; năng lực tài chính và những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của DN vẫn chưa được giải quyết. Do đó, những DN kinh doanh tốt vẫn có tư tưởng hoạt động cầm chừng nên không vay; còn những DN muốn vay lại không có phương án kinh doanh khả thi.

        Tăng bội chi để kích thích tổng cầu

Để giải tỏa vướng mắc trên, theo đại biểu Phạm Huy Hùng, Chính phủ cần tập trung kích cầu đầu tư tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho và tạo niềm tin cho ngân hàng. Bởi “yếu kém của nền kinh tế là duy trì tăng trưởng nóng hàng năm, nên ảnh hưởng đến tăng trưởng bền vững”. Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN phải được đẩy mạnh hơn, nhanh hơn; đầu tư nhiều cho nông nghiệp - nông thôn. Quan trọng nhất hiện nay là lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, của người tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, lúc đó mới mong đạt được chỉ tiêu phát triển của năm 2013.

Về giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị không nên quá quan tâm tới tỷ lệ tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp… là bao nhiêu mà phải vực nền kinh tế bứt ra khỏi tình trạng trì trệ. Không nên “lưu luyến” kế hoạch 5 năm mà phải xây dựng chương trình 3 năm 2013 - 2015 để phục hồi kinh tế. Về chính sách tài khóa, có thể xem lại bội chi để nới lỏng chính sách này. Tăng trái phiếu ít nhất để trả nợ đầu tư xây dự án cơ bản cho DN, sẽ tạo luân chuyển về vốn nhằm tăng sức tổng cầu bằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa. Mặt khác, cần lựa chọn một số lĩnh vực để xử lý cho tốt, chẳng hạn như tái cơ cấu DN nhà nước, nếu bán được cứ bán để có thêm nguồn lực cho ngân sách. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tỏ ra nghi ngờ: “Mục tiêu đặt ra là tăng trưởng tín dụng 12%, nhưng báo cáo của Chính phủ không thấy nói vì sao đến nay tăng trưởng thấp, giải pháp để tháo gỡ là gì? Chính phủ phải phân tích cho Quốc hội rõ hơn vì sao DN khó khăn vẫn không tiếp cận được vốn, dòng tiền đang chảy về đâu?”.

Nhìn từ một góc độ khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, lạm phát vừa qua giảm không căn cơ, chỉ xuất phát từ chủ trương mang tính chất tình thế. Lạm phát thấp là do nền kinh tế trì trệ, suy thoái. Nay nếu tập trung kích cầu tràn lan, không hiệu quả thì lạm phát có khả năng quay trở lại. Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nhận xét năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 lạm phát thấp hơn dự kiến là do Chính phủ đã “dùng thuốc quá liều lượng”! Điều này làm ảnh hưởng đến tăng trưởng, tạo ra tâm lý thị trường tiêu cực, nhà đầu tư co cụm, không dám bỏ vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Giữ quan điểm cần xem lạm phát thấp là cơ hội để tăng tổng cầu, đại biểu Trần Du Lịch trấn an lâu nay trong điều hành vĩ mô, nguy cơ tái lạm phát luôn được quan tâm, vì lạm phát cao ở Việt Nam có nguyên nhân từ cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, ông Lịch khẳng định với sự suy giảm tổng cầu như hiện nay thì khả năng lạm phát cao trở lại là không thể. Đây cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế mà ông có dịp trao đổi. Lạm phát thấp trong những tháng đầu năm được giới chuyên gia xem là cơ hội để điều hòa nới lỏng chính sách phục hồi tăng trưởng.

        Đề nghị bỏ thương hiệu vàng miếng quốc gia

Vấn đề quản lý kinh doanh vàng cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận hôm qua. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cho rằng cách quản lý vàng thời gian qua khiến người dân thấy thiệt nhiều hơn “chứ chưa thấy cái được”. Đại biểu Ánh cũng đặt câu hỏi về việc chênh lệch giá giữa 2 thương hiệu vàng phi SJC và SJC lên tới 3 triệu đồng/lượng, trong khi chi phí chuyển đổi chỉ khoảng 1 triệu đồng/lượng. Vậy mức chênh lệch này ai hưởng?

Theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM), Nghị định 24 của Chính phủ có nhiều điểm tích cực nhưng việc thực hiện của NHNN dường như vượt ra ngoài khuôn khổ của nghị định. Đại biểu Thúy cho rằng việc độc quyền thương hiệu vàng miếng khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nên cần sớm xem xét bỏ thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC. Đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị không nên để ngân hàng độc quyền mà nên mở rộng: “Quốc hội đã có nghị quyết cố gắng giá vàng trong nước và thế giới tiếp cận nhau. Thế nhưng đến nay vẫn chênh nhau rất xa”. Đại biểu Trần Du Lịch cũng nhất trí không cần thiết phải có một thương hiệu vàng quốc gia mà để thị trường lựa chọn. Nhà nước chỉ quản lý về chất lượng chứ không quản lý thương hiệu.

BẢO MINH - LÂM NGUYÊN - BẢO VÂN

Tin cùng chuyên mục