Doanh nghiệp TPHCM hiện đại hóa quy trình sản xuất, chăn nuôi

Doanh nghiệp TPHCM hiện đại hóa quy trình sản xuất, chăn nuôi

Đầu tư tạo nguồn hàng theo mô hình hiện đại để chủ động nguồn thực phẩm cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của hơn 10 triệu người dân là một trong những chương trình trọng điểm của TPHCM đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Đây cũng là cơ sở để TPHCM thực hiện chiến lược bình ổn giá hàng thiết yếu quanh năm.

        Nhất quán từ chủ trương đến chính sách

Để đảm bảo ổn định nguồn cung cho chương trình bình ổn thị trường một cách căn cơ, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay từ năm 2009, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp cùng xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình tạo nguồn hàng thiết yếu và bình ổn thị trường đến năm 2015. Đến năm 2012, thành phố tiếp tục ban hành Quyết định về kế hoạch chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm bình ổn thị trường đến năm 2015 và định hướng đến 2020 nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư tạo nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, giảm chi phí, giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cung ứng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Trang trại nuôi gia cầm Ba Huân tại tỉnh Bình Dương cung cấp trứng phục vụ chương trình bình ổn giá thị trường tại TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Trang trại nuôi gia cầm Ba Huân tại tỉnh Bình Dương cung cấp trứng phục vụ chương trình bình ổn giá thị trường tại TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Bên cạnh đó, thành phố cũng kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ DN triển khai thực hiện các đề án: Phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; Chương trình kích cầu theo Quyết định số 33 của UBND TPHCM; Đề án xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” nhằm giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi, đảm bảo an toàn dịch bệnh và xây dựng thương hiệu cho DN…

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, mục đích của các dự án nêu trên nhằm hỗ trợ cho DN trong chương trình tạo nguồn thực phẩm, chủ động đảm bảo cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó tập trung cho các mặt hàng thịt heo, thịt bò, trứng, gia cầm. Đây là cơ sở để các DN liên kết, khai thác đất đai, vốn, kỹ thuật, lao động, tạo ra sản phẩm với giá thành phù hợp tham gia bình ổn thị trường. Đồng thời, tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại, nâng cao năng suất, giảm giá thành, giảm ô nhiễm môi trường và kiểm soát được dịch bệnh. Điều quan trọng nhất, muốn bình ổn thị trường chúng ta không thể điều hành bằng mệnh lệnh suông mà phải có trong tay một đội ngũ DN mạnh, chủ động được nguồn hàng cung ứng cho thị trường thành phố.

        Hướng đến mô hình chăn nuôi quy mô lớn

Từ những chủ trương kịp thời, đúng đắn, phù hợp với xu hướng, nhu cầu thực tiễn, các DN trong Chương trình bình ổn thị trường đã mạnh dạn tổ chức đầu tư cho công tác tạo nguồn hàng. Với thế mạnh về sản xuất con giống, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi) đã tổ chức đầu tư mở rộng, phát triển thêm 6 điểm chăn nuôi, nâng năng lực sản xuất, cung ứng cho chương trình và DN ngoài chương trình 55.000 con heo giống. Hàng năm, Sargi cung ứng cho thị trường 5.300 tấn heo thịt. Riêng số heo giống bán cho các nhà chăn nuôi sẽ sản sinh ra khoảng 256.000 con heo thịt, tương đương với 23.000 tấn thịt. Đối với gia cầm, bước vào năm 2013, Sargi tổ chức chăn nuôi với tổng đàn gà giống nhập gồm 13.000 con mái và 2.000 con trống để sản xuất 100.000 gà con, riêng trại gà Củ Chi 1 sẽ phát triển 543.000 con, cung ứng cho thị trường 750.000 con thương phẩm 1 ngày tuổi. Đáng lưu ý, tại hầu hết các xí nghiệp chăn nuôi của Sargi đều được đầu tư rất bài bản. Cụ thể như Xí nghiệp chăn nuôi Đồng Hiệp (Củ Chi) đã được hiện đại hóa, khép kín quy trình theo công nghệ chăn nuôi của Đan Mạch.

Lực lượng Thanh niên xung phong triển khai thực hiện đầu tư chuồng trại chăn nuôi gia súc hướng tới tiêu chuẩn VietGap ở cả 4 cấp: đàn hạt nhân, đàn nhân giống, đàn cha mẹ và đàn thương phẩm lên đến 88.000 con. Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) ngoài hoạt động chăn nuôi tại Xí nghiệp Chăn nuôi Gò Sao, công ty đã mở rộng liên kết với các đơn vị như Công ty CP Việt Pháp ProConco, các hợp tác xã chăn nuôi Tài Đức, Văn Toàn… sản xuất 200.000 con heo thương phẩm để cung ứng cho chương trình bình ổn thị trường.

Đối với các DN chuyên cung ứng sản phẩm thịt gia cầm như Công ty TNHH Phạm Tôn đã tổ chức chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGap. Bà Tôn Thanh Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Phạm Tôn cho biết, trong số 8 trang trại, có 3 trang trại được công nhận quy trình chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGap, số còn lại sẽ được đầu tư đúng mức để chăn nuôi theo quy trình. Hiện mỗi trại của Công ty TNHH Phạm Tôn có từ 5 - 7 chuồng, mỗi chuồng nuôi từ 13.000 - 15.000 con gà. Trung bình mỗi năm 1 chuồng nuôi được khoảng 5 lứa (đối với gà công nghiệp). Ngoài các trang trại tại Đồng Nai, Công ty TNHH Phạm Tôn còn có các trang trại nuôi vịt và gà ta tại Long An với khả năng cung ứng từ 50.000 - 60.000 con vịt/tháng và 40.000 con gà ta/tháng.

Để đáp ứng nhu cầu cuối năm cũng như vào dịp Tết Nguyên đán, Công ty TNHH Phạm Tôn dự kiến sẽ tăng tổng đàn lên 800.000 con, riêng gà ta 100.000 con. Hiện Công ty TNHH Phạm Tôn đã khép kín toàn bộ quy trình sản xuất và cung ứng hàng hóa cho chương trình bình ổn giá của TP. Để có được nguồn con giống ổn định, công ty cũng đã đầu tư một trang trại chuyên sản xuất con giống ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Về thức ăn, công ty đặt cho các nhà sản xuất chuyên nghiệp như HUER (Hà Lan) và CP (Thái Lan) sản xuất theo công thức riêng của Công ty TNHH Phạm Tôn. Nhờ vậy, công ty đã tiết giảm tối đa các chi phí, hiện đại hóa dây chuyền giết mổ để ổn định giá thành sản phẩm ở mức thấp nhất. Sản phẩm của công ty hiện chiếm khoảng 1/3 thị phần tiêu thụ tại TP.

Trên thực tế, việc triển khai sản xuất và chăn nuôi theo mô hình hiện đại đã và đang tạo sự lan tỏa trong cộng đồng DN, cho dù sản lượng hàng hóa mới chỉ chiếm một phần so với tổng lượng hàng hóa lưu chuyển cũng như nhu cầu tiêu dùng trong dân. Nhưng chính từ sự chủ động, sáng tạo và cách tổ chức sản xuất ngày càng bài bản, chuyên nghiệp nên trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, các DN bình ổn thị trường vẫn tiếp tục phát triển, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội.

NGUYÊN PHƯƠNG - THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục