“Làm xiếc” tiền nhà nước

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu AVG (AVG) đã chỉ rõ những vi phạm rất nghiêm trọng của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT). 

Trong “thương vụ” này, một số lãnh đạo Bộ TT-TT và vụ, cục chức năng của bộ đã bỏ qua nhiều quy định về pháp lý, phớt lờ những cảnh báo để phê duyệt các quyết định liên quan tới mua bán cổ phần của AVG.

Dư luận bức xúc nhất là việc mặc dù hoạt động của AVG rất bê bết nhưng doanh nghiệp lại được thẩm định giá trị cao, căn cứ hoàn toàn giả định mơ hồ, thiếu thực tế. Giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31-3-2015 chỉ là 1.983 tỷ đồng, so với giá mua 95% cổ phần AVG là hơn 8.889 tỷ đồng, cho thấy, nguy cơ hiện hữu, thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.000 tỷ đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, sau “thương vụ” mua bán này, AVG tiếp tục được phù phép biến lỗ thành lãi để che mắt cơ quan thanh tra, kiểm tra. Những phù phép này rõ ràng không thể thực hiện thành công nếu không có sự chỉ đạo từ phía những cán bộ có quyền lực nhằm che giấu vi phạm. Khoản tiền đầu tư mua cổ phần AVG về bản chất là tiền Nhà nước đã bị “nhập nhèm” tại nhiều khâu, nhiều đoạn. Nếu “thương vụ” AVG thành công thì sao? Nếu như vậy, một khoản tiền lớn của Nhà nước sẽ mất đi; thêm những con số ngàn tỷ đồng thất thoát do tiêu cực.

Với hàng loạt những siêu dự án ngàn tỷ đồng đắp chiếu hay những đại án kinh tế được đem ra xét xử thời gian qua cho thấy, tiền thuế người dân đang bị “làm xiếc” để tìm cách “rút ruột”, chi tiêu một cách vô tội vạ của nhiều quan chức trong bộ máy. Họ lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước để trục lợi. Điều này xuất phát từ tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn.

Nguyên nhân của thực trạng trên có vấn đề về thể chế. Thể chế chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn không ít vướng mắc, bất cập, là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn Nhà nước, công tác cán bộ. Khi phát sinh tham nhũng thì phần lớn tài sản đã bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Thể chế, pháp luật hiện hành quy định về thu hồi tài sản tham nhũng, kê khai minh bạch thu nhập, tài sản của người có chức vụ quyền hạn thiếu cơ chế rõ ràng để áp dụng. Do đó, rất cần hoàn thiện thể chế, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình ra Quốc hội vừa qua cũng đã chỉ ra một thực tế là có rất nhiều dự án đội vốn lớn so với dự toán ban đầu từ vài ngàn tỷ đồng đến cả chục ngàn tỷ đồng. Chưa thể kết luận những dự án đó có tiêu cực hay không nhưng có thể khẳng định, hầu bao ngân sách chắc chắn sẽ bị co lại và nguồn vốn chi cho các công trình, dự án cấp bách khác sẽ bị ảnh hưởng. Rõ ràng, không thể để tồn tại mãi căn bệnh trầm kha là quá dễ dãi trong quy trình thẩm định, lập dự án theo kiểu “vẽ bé xé to”.

Tại nghị trường Quốc hội đang diễn ra, nhiều ĐB đã phấn khởi khi thời gian qua Đảng, Nhà nước đã quyết liệt trong việc xử lý các sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm. Nhưng ĐB cũng mong thời gian tới Đảng, Nhà nước cần kiên quyết xử lý các cán bộ có sai phạm, trước hết có thể tạm đình chỉ những cán bộ lãnh đạo thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong sử dụng ngân sách... Nếu không thay đổi được thì những đồng tiền thuế của người dân, có lẽ sẽ vẫn tiếp tục bị “làm xiếc”.

Tin cùng chuyên mục