Khi công nhân rời phố

Mới đây, tôi thật bất ngờ khi một số anh em đồng hương đang làm công nhân ở các nhà máy xí nghiệp tại TPHCM kéo nhau về Bình Dương làm việc. Khi được hỏi, tất cả đều có cùng lý giải: “Điều kiện sống trên đó tốt hơn”.

Sống ở TPHCM chật vật quá. Lương hai vợ chồng làm công nhân mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng (đã tính cả tăng ca) trong khi tiền nhà, tiền điện, tiền ăn, gửi con và các chi phí sinh hoạt ở TP quá đắt đỏ. Về Bình Dương cũng với mức thu nhập đó, cuộc sống phần nào đỡ chật vật hơn.

Khác với trước đây khi đa số thanh niên nông thôn bỏ quê vào TP mưu sinh chỉ vì không sống được với ruộng đồng, gần đây đã xuất hiện xu hướng ngược lại. Lý do chính là cuộc sống ở thành thị ngày càng quá đắt đỏ đối với người lao động.

Không chỉ lao động phổ thông mà gần đây nhiều trí thức cũng đã rời TPHCM về Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu làm việc. Bởi theo họ, ở TPHCM, cơ hội tìm một chỗ ở ổn định là rất khó. Trong khi đó, với trình độ và mức thu nhập ở các tỉnh, họ có nhiều cơ hội hơn trong việc mua đất, mua nhà. Một số khác lại chọn về quê vì ở quê giờ đây cũng đã có khu công nghiệp…

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM thừa nhận: “Lao động rời quê vì mong có cuộc sống tốt hơn ở quê nhà. Khi không đạt được điều kiện đó, buộc họ phải tìm nơi khác phù hợp hơn”.

Đối với người lao động, yếu tố quan trọng nhất vẫn là thu nhập. Khi tiền lương không đủ trang trải tối thiểu cho cuộc sống, họ buộc lòng rời công việc để tìm nơi khác phù hợp hơn. Đây là tiếng chuông cảnh báo về sự thiếu hụt lao động tại TPHCM vốn đã gay gắt và sẽ còn trầm trọng hơn trong thời gian tới. Đó cũng là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp để có chính sách phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp với đặc điểm từng địa phương nhằm đảm bảo các nhu cầu tối thiểu cho người lao động.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục