Mạng xã hội - từ ghiền đến nghiện

“Khoan! Chờ tao chạy lên nhà lấy điện thoại…”. Dù học cả ngày hay một buổi thì chiếc điện thoại gần như là vật bất ly thân của H.H. (sinh viên năm 3, ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM). Không kinh doanh online, cũng không có việc gấp để liên lạc, điện thoại với H.H. chỉ đơn giản là lướt mạng xã hội. 
Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TPHCM tập huấn chuyên đề “Ứng xử văn hóa mạng xã hội” dành cho học sinh
Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TPHCM tập huấn chuyên đề “Ứng xử văn hóa mạng xã hội” dành cho học sinh

Không thể tách rời

Câu chuyện của H.H. cũng không phải là duy nhất hay xa lạ gì khi điện thoại, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể tách rời của người trẻ. Khoảng 8 giờ tối, nhóm 3 bạn trẻ ghé quán cà phê trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1), trước khi gọi nước uống, câu hỏi đầu tiên, là: “Wifi quán là gì vậy?”.

Trong không gian nhỏ, chừng 20m2 trở lại, ghế ngồi san sát, 3 bạn trẻ ngồi cạnh nhưng mỗi người một thế giới riêng cùng chiếc điện thoại. Trước câu hỏi “Đi cà phê sao không nói chuyện với nhau cho vui thay vì lướt điện thoại?”, nhóm bạn trẻ tếu táo: “Tụi em ghiền điện thoại chị ơi”. 

Tệ hơn chuyện ghiền điện thoại, mạng xã hội mọi lúc mọi nơi, chính là trường hợp của N.L.T. học sinh lớp 7 (ngụ phường 5, quận 8) phải bỏ học vì “nghiện” mạng xã hội lẫn game online. Kinh tế gia đình khá ổn định, vừa học xong lớp 4, T. đã có điện thoại riêng, đến đầu năm lớp 7 thì đã 3 lần đổi điện thoại, cái sau xịn hơn cái trước. Thường xuyên trốn học, bài vở bỏ giữa chừng và bị giáo viên nhắc nhở liên tục về chuyện sử dụng điện thoại trong giờ học, T. quyết bỏ học. “Ở nhà cũng khuyên, cũng la rồi mà giờ nó ghiền điện thoại quá, không lẽ mang con ra đánh hoài”, ông N.V.C. (40 tuổi) ba của T. cho hay. 

Qua cuộc khảo sát nhỏ với đối tượng người trẻ tại TPHCM, nhiều bạn trẻ cho biết bản thân không thể thống kê được mỗi ngày sử dụng bao nhiêu thời gian cho mạng xã hội bởi gần như họ sử dụng liên tục. “Hỏi chi khó vậy trời, hỏi thời gian không lướt mạng đi, vậy cho dễ trả lời”, Nguyễn Thành Huân (SV ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM) nửa đùa nửa thật nói. Huân nói tiếp: “Nói chứ, cứ vài phút tôi lại lướt mạng một lần, trong giờ học cũng lướt, lúc mà dừng đèn đỏ chừng 30 giây trở lên là tranh thủ lướt. Lướt riết thành quen, thấy nó rung trong túi quần là lôi ra coi”.  

“Thánh” ngày càng nhiều

Vài năm trở lại đây, với sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội, thần tượng không chỉ là giới nghệ sĩ mà bất kỳ một ai cũng có thể nổi tiếng và trở thành thần tượng của người khác, chỉ cần sở hữu lượt theo dõi “khủng” trên mạng xã hội, với những hành động hay phát ngôn lố lăng càng thu hút nhiều hơn. Không cần phải quá tài năng hay có một nhan sắc xinh đẹp, câu chuyện nổi tiếng đôi khi là những công thức độc - lạ - dị hay những phát ngôn phản cảm, thậm chí là chửi thề như một câu cửa miệng để chứng minh độ chịu chơi và theo kịp “mốt” hiện đại. 

Nếu trước đây khái niệm “Thánh” chỉ dành cho những bậc cao nhân, tiền bối… thì hiện nay “Thánh tự phong” xuất hiện ngày càng nhiều như: “Thánh chửi”, “Thánh nổ”, “Thánh livestream”… Và việc bán hàng thay vì chào mời khách bằng lời lẽ ngọt ngào, lịch sự thì vừa livestream (phát trực tiếp lên mạng xã hội) sản phẩm vừa chửi thề lại thu hút đông đảo khách xem và mua hàng nhiều hơn. Chưa đầy 10 phút livestream, nhưng tài khoản P.V.T. (Norin.P) đã thu hút hơn 1.000 người xem. P.V.T. (23 tuổi, sống tại Hà Nội) được nhiều cư dân mạng phong là “Thánh chửi livestream”.

Vừa giới thiệu sản phẩm mới, T. liên tiếp văng tục và trả lời những bình luận của người xem bằng những từ ngữ hết sức thô tục. Càng về sau lượt người theo dõi livestream càng đông lên đến gần 2.900 người, đặc biệt khi khách xem và bình luận hỏi nhiều về sản phẩm mới, T. càng chửi thề gay gắt hơn. 

Các “Thánh” trên mạng xã hội dù xuất hiện như một trào lưu nhất thời, nhưng mỗi tài khoản này đều thu hút đông đảo lượt quan tâm, theo dõi của cộng đồng mạng. Dù chỉ là trào lưu lệch lạc, hay những chiêu trò bất chấp để nổi tiếng nhưng có lẽ những người tham gia mạng xã hội, nhất là giới trẻ cần phải xem lại cách nghe, cách xem của chính mình. Bởi trên nền tảng Facebook, YouTube… nổi tiếng được tính bằng lượt thích, chia sẻ, theo dõi, xem… thì sự tương tác của người xem sẽ vô tình giúp các “Thánh” này lộng hành hơn.

Một khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (Vietnam Program for Internet & Society - VPIS) - Đại học KHXH-NV - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho kết quả về thông tin trên mạng xã hội của người Việt: 

+Thông tin nói xấu, phỉ báng chiếm 61,7% 

+Thông tin vu khống, bịa đặt chiếm 46,6%

+Kỳ thị dân tộc 37,1%; kỳ thị giới tính 29,03%; kỳ thị khuyết tật 21,76%; kỳ thị tôn giáo 15,09%... 

Tin cùng chuyên mục