Mạnh tay với tin nhắn rác

Bất chấp những biện pháp kiên quyết của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) thời gian qua, tin nhắn rác từ đủ loại dịch vụ: bất động sản, sim số đẹp, vay vốn ngân hàng… cho đến các tin nhắn dẫn dụ lừa đảo vẫn không ngừng tấn công các chủ thuê bao di động. Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ của các đơn vị trong việc ngăn chặn, phát tán tin nhắn rác diễn ra sáng 27-1, Sở TT-TT TPHCM nêu rõ phải mạnh tay với vấn nạn tin nhắn rác, bắt đầu từ việc “siết” chặt các doanh nghiệp viễn thông.
Mạnh tay với tin nhắn rác

Bất chấp những biện pháp kiên quyết của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) thời gian qua, tin nhắn rác từ đủ loại dịch vụ: bất động sản, sim số đẹp, vay vốn ngân hàng… cho đến các tin nhắn dẫn dụ lừa đảo vẫn không ngừng tấn công các chủ thuê bao di động. Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ của các đơn vị trong việc ngăn chặn, phát tán tin nhắn rác diễn ra sáng 27-1, Sở TT-TT TPHCM nêu rõ phải mạnh tay với vấn nạn tin nhắn rác, bắt đầu từ việc “siết” chặt các doanh nghiệp viễn thông.

“Đất nền, sổ đỏ” bủa vây

Mở điện thoại lên, anh T.V.H. (nhân viên văn phòng tại quận 1) chỉ ngay vào tin nhắn mời gọi mua đất nền mà anh vừa nhận cách đó chừng ít phút với nội dung: “Đất nền sổ đỏ ngay trung tâm Bến Lức, sát Bình Chánh, chỉ 210 triệu đồng/nền, hạ tầng hoàn thiện, dân cư đông, trả chậm 12 tháng, không lãi suất, có xe đưa đón. LH: 0913899…”.

Theo anh H., mỗi ngày điện thoại của anh nhận không dưới 10 tin nhắn rác nội dung mời chào mua bất động sản, mở bán chung cư, sở hữu căn hộ tiện ích ở khu đô thị cao cấp, biệt thự hướng biển… Vào lúc cao điểm, cứ khoảng chục phút, lại nhận được một tin nhắn quảng cáo. Điều đáng nói, tin nhắn rác “tấn công” miệt mài bất kể ngày đêm, cuối tuần hay ngày lễ.

Tin nhắn “đất nền, sổ đỏ” làm phiền các thuê bao di động.

Trong số hàng chục thuê bao MobiFone mà chúng tôi hỏi thăm, họ cho biết cũng bị “dội bom” tin nhắn rác trong khoảng thời gian từ cuối giờ chiều cho đến nửa đêm. Tin rác này được gửi hàng loạt từ các số thuê bao 11 số có đầu 0122, 0121, 0128… kèm theo đó là số thuê bao 10 số hoặc các đầu số dịch vụ 1900 để người dùng có thể liên lạc lại. Qua tìm hiểu, không ít các đầu số dịch vụ kể trên là các đầu số lừa đảo, chờ người dùng liên lạc lại để trừ tiền.

Theo ông Bùi Việt Dương, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông (Sở TT-TT TPHCM), tin nhắn rác phát tán từ 3 nguồn: các nhà mạng (Telco) phát tán tin nhắn rác quảng cáo dạng flash, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn (CP) gửi tin nhắn quảng cáo dịch vụ. Còn đối tác thứ ba (SubCP) thì quảng cáo tràn lan về đủ nội dung, từ mê tín dị đoan, khiêu dâm cho đến lừa đảo. Trong đó, các SubCP chính là đối tượng khó kiểm soát nhất.

“Qua thanh tra, phát hiện nhiều trường hợp SubCP sử dụng phần mềm kết nối với khe sim, phát tán cả ngàn tin nhắn rác trong 1 giờ. Có nơi tồn trữ từ 6.000 - 7.000 sim, chờ phát tán tin nhắn rác…”, ông Bùi Việt Dương dẫn chứng.

Siết từ nhà mạng

Trước tình hình tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo… bùng phát trở lại, cuối tháng 12-2014, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son đã ký ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phải xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa trong nội dung tin nhắn. Để phục vụ cho hệ thống hoạt động hiệu quả, nhà mạng cũng phải chủ động thống kê, thu thập các từ khóa thường xuyên xuất hiện trong tin nhắn rác và cập nhật cho hệ thống.

Tuy nhiên, trả lời lãnh đạo Sở TT-TT TPHCM tại cuộc họp, hiện chỉ mới có VinaPhone xây dựng được hệ thống kỹ thuật này. Nhờ đó, năm 2014 VinaPhone đã khóa gần 700.000 đầu số rác và 78 tổng đài dịch vụ vi phạm. Trong khi hai nhà mạng lớn khác là MobiFone và Viettel vẫn “loay hoay” tìm lời giải. Đối với các doanh nghiệp CP sở hữu các đầu số 1088, 1080, 1900… Chỉ thị 82 yêu cầu doanh nghiệp phải có thông báo giá cước đến người dùng và không tính phí trong thời gian này. Tuy nhiên, Sở TT-TT TPHCM cũng khẳng định ngay các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn loại dịch vụ này như FPT, SPT, VTN, Viettel vẫn chưa thực hiện.

Theo ông Bùi Việt Dương, chặn tin nhắn rác không khó. Bằng các biện pháp kỹ thuật, các nhà mạng hoàn toàn biết được đầu số nào đang phát tán tin nhắn với tần suất cao để chặn lại. Phát hiện đầu số hay doanh nghiệp nào sai thì cắt hợp đồng ngay. Nhà mạng phải nhận trách nhiệm, chứ không thể đổ lỗi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Song song đó, ông Dương cũng yêu cầu nhà mạng phải nhắn tin đến các thuê bao di động của mình cảnh báo tình trạng tin nhắn rác và tin nhắn lừa đảo.

Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, khẳng định: Trước ngày 4-2, các nhà mạng phải ký cam kết với sở về việc thiết lập hệ thống kỹ thuật và minh bạch hóa cước phí dịch vụ. Nhà mạng nào không thực hiện đúng cam kết, sở sẽ tiến hành thanh tra và xử lý mạnh tay.

Thống kê của Bkav chỉ ra rằng, trong năm 2014, 90% người dùng thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, gần gấp đôi con số của năm 2013. Thanh tra Bộ TT-TT cho biết, trong năm 2014 đã xử phạt 20 doanh nghiệp vì hành vi phát tán tin nhắn rác có nội dung lừa đảo, lôi kéo người khác chơi cờ bạc, tin nhắn có nội dung mê tín dị đoan. Các doanh nghiệp như Vietnet, VNN Media, Smart Media phải nộp phạt hàng trăm triệu đồng vì hành vi phát tán tin nhắn rác, cung cấp, trao đổi, truyền thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề.

Tường Hân

Tin cùng chuyên mục