Miền Trung hạn giữa mùa lũ

Cũng hơn 40 năm qua, người dân miền Trung mới rơi vào cảnh thiếu nước vì hạn ngay giữa mùa mưa. Hồ chứa cạn kiệt, ruộng đồng khô cháy. Các đô thị lớn thiếu nước sinh hoạt… 

 

Hồ Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế) với dung tích chứa 9,6 triệu m³ khô cạn Ảnh: VĂN THẮNG
Hồ Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế) với dung tích chứa 9,6 triệu m³ khô cạn Ảnh: VĂN THẮNG

Đã nhiều ngày qua, người dân tại TP Đà Nẵng khốn khổ sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Người dân nháo nhào vì nguồn nước máy chảy rỉ rả không đủ cho các nhu cầu sinh hoạt. Nhiều gia đình phải mua nước đóng bình loại 20 lít về sinh hoạt. Nhiều khu vực, người dân phải chở áo quần đi cả chục cây số tìm nguồn nước tắm giặt. Tại các khu nhà trọ, công nhân, sinh viên… rơi vào khủng hoảng khi không có cả nước nấu ăn, sinh hoạt.

Sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn vượt gấp gần 20 lần, nhà máy nước Cầu Đỏ phải giảm công suất, khiến nguồn cung nước sinh hoạt cho 1 triệu dân TP Đà Nẵng bị thiếu trầm trọng. Đập An Trạch (Hòa Vang), nước từ thượng nguồn Vu Gia đổ về rất thấp nên các phương án dự phòng sản xuất nước sinh hoạt bị phá sản. Hai hồ chứa nước thủy lợi lớn là Hòa Trung và Đồng Nghệ cũng trơ đáy. Thượng nguồn sông Vu Gia, những hồ chứa thủy điện cũng tụt dưới mực nước chết dù đã giữa mùa mưa, khiến các nhà máy thủy điện cũng rơi vào khủng hoảng. 

Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương, cho biết, mặc dù đã vào mùa mưa nhưng lượng mưa trên lưu vực sông A Vương bị thiếu hụt nghiêm trọng, lưu lượng nước về hồ trung bình tháng 9 là 18,2m³/giây (tần suất 85 năm mới có 1 lần) và tháng 10 là 15m³/giây (tần suất 99 năm mới có 1 lần). Đây là 2 tháng có lưu lượng nước về hồ cực đoan so với chuỗi thủy văn quan trắc được kể từ năm 1977. 

Cũng theo ông Thế, vào cuối tháng 10, mực nước hồ chứa thủy điện A Vương là 339,1m, thấp hơn mực nước chết - mực nước cho phép vận hành nhà máy - gần 1m. So với các năm thì đây là thời kỳ kiệt nhất trong những năm qua. Vì vậy, có thời điểm, nhà máy thủy điện A Vương phải chạy máy dưới mực nước chết.

Trao đổi với PV SGGP, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết, thông thường vào thời điểm này, Quảng Nam phải đang giữa mùa mưa lũ nhưng đến nay không có lũ để đón nên mực nước các hồ rất thấp. “Đã mấy chục năm qua, năm nay mới xảy ra hiện tượng thiếu nước nghiêm trọng giữa mùa mưa như hiện nay. Vì vậy, ngành nông nghiệp Quảng Nam đang xây dựng các kịch bản đối phó với tình trạng thiếu nước…” - ông Đức cho biết. 

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mới xuất hiện một đợt mưa rào rải rác kể từ đầu mùa mưa năm 2018, mực nước của nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện tại đây đang thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ. Điều này không chỉ đặt ra cho các cấp, ngành về phương án ứng phó khô hạn giữa mùa mưa lũ chính vụ mà còn gây không ít khó khăn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và vận hành nhiều nhà máy thủy điện của địa phương này. Tại các vùng thấp trũng, thuộc các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền mọi năm thường bị ngập, kéo dài cả tháng nhưng năm nay ở đây chưa có cơn lũ nào mang phù sa về cho ruộng đồng. 

Lão nông Lê Công Thành, xã Quảng An, huyện huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nắng vẫn rát mặt, cánh đồng chỉ xâm xấp nước. “Mưa lũ ngoài việc bồi đắp phù sa còn diệt chuột bọ. Nay đã tháng 11 rồi mà lũ vẫn chưa xuất hiện” - ông Thành âu lo. 

Theo dự báo, tổng lượng mưa 3 tháng cuối năm 2018 ở Thừa Thiên - Huế thấp hơn trung bình nhiều năm, chỉ đạt 60%-80%. Còn 3 tháng đầu năm 2019, tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, lượng dòng chảy các sông tiếp tục thiếu hụt, chỉ đạt 40% - 60%.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi và 6 hồ thủy điện hầu hết đều khô cạn nước, một số hồ như Truồi, Hòa Mỹ, Khe Ngang, Mỹ Xuyên…dung tích hữu ích còn lại từ 20%-50%. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận định, với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, lượng mưa có xu hướng giảm gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất điện của các doanh nghiệp và cũng dễ xảy ra nguy cơ hạn hán trong mùa vụ sản xuất năm 2019 sắp tới.

NAM BỘ TRỞ LẠNH

Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia và các đài dự báo khí tượng khu vực, từ ngày 9 đến 18-11, hình thái thời tiết chủ đạo của khu vực Nam bộ là có mưa dông, riêng ngày 12 và 13-11 có mưa, mưa rào. Do ảnh hưởng khuếch tán của không khí lạnh từ miền Bắc nên nhiều nơi sẽ có sương mù xuất hiện, đêm và sáng trời se lạnh.
Tại miền Bắc, đợt không khí lạnh mới đã tràn về từ ngày 8-11 và nền nhiệt độ sẽ giảm trong các ngày tới, nhưng trời không mưa. Nhiệt độ giảm sâu nhất ở vùng núi phía Bắc là 15-18oC. Riêng các tỉnh ở Trung Trung bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to. Tại Nam bộ, mực nước sông Cửu Long và sông Sài Gòn vẫn đang lên theo kỳ triều cường và dự báo vẫn tiếp tục lên, đạt mức cao nhất vào ngày 8 và 9-11. Nhiều khu vực trũng thấp tại TPHCM, Vĩnh Long, Cần Thơ được cảnh báo bị ngập lụt.
VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục