“Mỏ vàng” kinh doanh trực tuyến

Một quốc gia có dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng Internet cao đã và đang là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp, trong đó có giới trẻ chuyên và không chuyên bước vào kinh doanh. 
Trang bán hàng trực tuyến “Chợ dâu của Viên” được nhiều khách hàng ghé thăm
Trang bán hàng trực tuyến “Chợ dâu của Viên” được nhiều khách hàng ghé thăm
Thời gian gần đây, thị trường đã chứng kiến những cú “lội ngược dòng” của hàng loạt bạn trẻ từ bỏ giấc mơ Mỹ, Pháp để về nước lập nghiệp; đồng thời cũng ghi nhận sự bứt phá của không ít thanh niên, sinh viên tay ngang bán hàng trực tuyến với những sản phẩm “nhà làm”, “mẹ trồng”…  

Đa dạng vườn nhà

Xuất phát từ mối lo ngại thực phẩm không an toàn, nhiều gia đình đã chủ động nhờ người thân ở quê, chủ yếu là cha mẹ, gửi ngược lên TPHCM các sản phẩm rau quả, thịt gà, vịt… sẵn có ở nhà. “Rau củ, thịt cá ở quê gửi lên dùng cho gia đình là chính, chỉ khi nào nhiều quá tôi mới để bớt cho hàng xóm. Thấy được nhu cầu thực tế của người mua, tôi cũng tranh thủ lấy thêm hàng từ gia đình, gom sản phẩm của họ hàng để bán giúp, kinh doanh cho vui nhưng cũng để có thêm thu nhập”, anh Vũ (ngụ tại chung cư Hưng Ngân, quận 12), một chủ Facebook bán hàng online, chia sẻ. Mặc dù vừa làm, vừa chơi nhưng sau khi trừ hết chi phí, anh Vũ cũng có thêm 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Lướt một trang bán hàng trực tuyến chuyên về trái cây nhà trồng, không thuốc trừ sâu, hóa chất kích chín của chị Ngọc, bạn bè quen thuộc đều choáng về độ “phủ sóng”, từ sầu riêng, bơ sáp Đắk Lắk, Đắk Nông cho tới dâu tây chín mọng xuất xứ Đà Lạt (Lâm Đồng). Bước vào mùa mưa, cửa hàng trực tuyến này còn có thêm nấm mối. Mùa nào thức nấy, những người bạn, đồng nghiệp thân quen của chị dễ dàng chọn lựa các loại trái cây quen thuộc, đúng thương hiệu, không bị nhầm (bơ sáp thành bơ nước, sầu riêng chín cây với sầu riêng kích chín bằng hóa chất…). Do sản phẩm đặc thù, hàng tuyển nên giá cũng nhỉnh hơn so với mặt bằng trái cây bình thường, nhưng khách mua vẫn ào ào.

Theo chị Nguyễn Mai Lan (ngụ tại quận Phú Nhuận), thời buổi công nghiệp bận rộn, không có nhiều thời gian rảnh ghé chợ, nên nhờ người quen giới thiệu các điểm bán uy tín qua mạng rồi ghé vô chọn. Nhìn chung, nhiều điểm bán hàng có chất lượng ổn định, tin tưởng được. “Khách hàng rất sành ăn, khéo chọn. Do vậy, kiểu làm ăn chụp giựt, lường gạt chắc chắn không thể duy trì lâu. Đa phần khách tới mua ủng hộ dâu tây của cửa hàng mình đều là bạn bè, người thân quen giới thiệu. Cứ thế tiếng lành đồn xa, khách đặt mua đông dần”, một bạn trẻ là chủ cửa hàng trực tuyến có tên Chợ dâu của Viên, tâm sự.

Sàng lọc gay gắt

Trong cuộc đua kinh doanh trên mạng hiện nay đang diễn ra những cuộc chiến âm thầm giành thị phần, khách hàng muôn hình vạn trạng. Do vậy, người trong cuộc cũng phải căng mình để liên tục nâng chất sản phẩm cũng như cải tiến trang bán hàng, tăng tính hấp dẫn của sản phẩm để thu hút khách. Người mua thường xuyên cập nhật được giá cả, ngày giờ giao hàng, bình luận về chất lượng sản phẩm tới người bán. 

Anh Mai Văn Tiến, người chuyên kết nối, cung cấp trái cây đặc sản Đắk Lắk, Đắk Nông cho bạn bè bán hàng trực tuyến tại TPHCM nhận định, kinh doanh qua mạng tiết giảm được rất nhiều chi phí như mặt bằng, nhân công lao động, nhưng phải cạnh tranh gay gắt với các cửa hàng khác cùng lĩnh vực. Theo đó, để có được những đơn hàng với lượng khách ổn định, doanh thu tốt, chủ cửa hàng phụ thuộc nhiều vào những người bạn thân thiết, quen biết. Tất nhiên, chất lượng sản phẩm và thái độ phục vụ là những yếu tố cực kỳ quan trọng, không thể bỏ qua. Do vậy, đã làm kinh doanh là phải lập trình thái độ làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc. Anh Tiến thừa nhận, đã có một số người đề nghị anh hợp tác, cung cấp trái cây đặc sản trực tuyến số lượng lớn, giá thu mua cao hơn so với các cửa hàng khác nhưng pha trộn hàng kiểu 50-50 (50% hàng thật, ví dụ 1kg bơ sáp có 50% bơ sáp thật, còn lại là bơ nước), nên anh từ chối thẳng vì kinh doanh kiểu đó sẽ không bền.  

Cách đây ít ngày, tại buổi chia sẻ về khởi nghiệp với các bạn trẻ, ông Jimmy Phạm, sáng lập và điều hành Koto (chương trình đào tạo kỹ năng sống, tiếng Anh cho thanh thiếu niên khó khăn, mồ côi), nhấn mạnh đến yếu tố kiên trì, tin tưởng vào chính bản thân trong quá trình khởi nghiệp. “Việc kinh doanh cũng như trồng cây, phải chờ đến ngày ra quả”, ông Jimmy Phạm nói. Với những người trẻ kinh doanh trực tuyến, cũng cần phải có sự kiên trì, trung thực và chuyên nghiệp, để giữ được lượng khách bền vững. Trong tình hình kinh doanh trực tuyến “trăm hoa đua nở” như hiện nay, nếu thật sự không cạnh tranh bằng giá, cách thức kinh doanh và đặc biệt là chất lượng, các bạn trẻ sẽ sớm bị đẩy khỏi con đường mà mình đã chọn.

Tin cùng chuyên mục