Gần 300 tấn rác thải bệnh viện được dùng để sản xuất... đồ gia dụng

Một vụ bán và sử dụng chất thải bệnh viện để sản xuất đồ gia dụng đặc biệt nguy hiểm ở Hà Nội vừa được Thanh tra và Cục Bảo vệ môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát hiện tại Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội). Theo tính toán sơ bộ, từ năm 2002 đến nay, riêng Bệnh viện Việt - Đức đã tuồn khoảng gần 300 tấn rác thải y tế bán ra ngoài cho tư thương để… sản xuất đồ gia dụng.

Vụ việc được lực lượng liên ngành phát hiện hồi giữa tháng 8 khi hai ô tô tải xuất phát từ Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) chở chất thải nguy hại chạy về hai khu dân cư. Địa điểm thứ nhất là khu tập thể ở ngõ 715 đường Hồng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm; còn địa điểm thứ hai là nhà bà Quý, ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Qua kiểm tra tại địa điểm thứ nhất, phát hiện 16 bao tải tập kết ở Chương Dương nặng khoảng 300 kg chứa đầy các bơm tiêm, vỏ lọ thuốc bằng thủy tinh, nhựa. Nhiều chiếc còn dính đầy máu. Ở địa điểm kiểm tra thứ hai, phát hiện 55 bao tải nặng gần 700 kg gồm vỏ thuốc bằng nhựa các loại, dây chuyền bằng nhựa, túi ni lông chứa bơm tiêm (nhiều chiếc còn chứa dung dịch màu đỏ, nghi là máu). Tất cả các chất thải bệnh viện trên đều đã qua sử dụng, chưa được khử trùng và diệt khuẩn.

Điều gây ngạc nhiên cho đoàn kiểm tra liên ngành là theo chủ nhân của hai lô hàng trên là bà Phạm Thị Vân và bà Triệu Thị Quý thì số rác thải này được mua từ Khoa chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội với giá khoảng 6.000 đồng/kg. Sau khi mua, hai bà nghiền nhỏ chất thải rồi bán cho một số cá nhân khác để… sản xuất đồ nhựa gia dụng! Theo tiết lộ của bà Quý thì việc mua bán này đã diễn ra từ năm 2002; còn theo ước tính của cơ quan hữu quan thì tổng số rác thải bệnh viện mà bà Quý đã mua của Khoa chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt - Đức có thể lên chừng… 300 tấn!

Làm việc với cơ quan chức năng, một số nhân viên của Khoa chống nhiễm khuẩn thừa nhận, thay vì đưa đi xử lý độc hại như quy định, họ đã bán rác thải y tế nguy hại nói trên cho bà Quý và bà Vân!

Theo nguồn tin của SGGP thì hiện nay, Cục Cảnh sát Môi trường, thuộc Bộ Công an đã vào cuộc để xử lý vụ việc đặc biệt nguy hiểm cho xã hội này. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy nhiều loại rác thải y tế nói trên không qua tái chế mà được bán thẳng cho tư thương làm đồ dùng sinh hoạt. Theo phân tích, ngay cả khi các tư nhân diệt khuẩn thì cũng không thể tránh được khả năng lây nhiễm bệnh cho những người sử dụng đồ gia dụng từ nguồn rác thải nói trên. Vì, vi trùng gây bệnh chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ từ 1.000 – 1.300 độ C. Trong khi, các lò tái chế bên ngoài thường chỉ đun nóng đến 300 độ C là có thể làm đồ dùng sinh hoạt như chậu, bát, rổ giá nhựa… Được biết, bên cạnh điều tra mở rộng vụ vi phạm tại Bệnh viện Việt - Đức, một số bệnh viện lớn khác ở Hà Nội cũng đang nằm trong tầm ngắm của các cơ quan bảo vệ môi trường.

Nam Quốc

Tin cùng chuyên mục