Vụ Công ty Vedan: 23 triệu đồng tiền phạt cho hơn 10 năm xả thải “vô tư”

Vụ Công ty Vedan: 23 triệu đồng tiền phạt cho hơn 10 năm xả thải “vô tư”

Chiều 16-9, sau khi trao đổi với đại diện Sở TN-MT và ông Hoàng Văn Thống, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai, một số PV báo chí lại tiếp tục gặp ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai để tìm câu trả lời thỏa đáng cho những thắc mắc của dư luận xung quanh vụ vi phạm môi trường nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Vedan.

Nước từ dưới đùn lên tại 1 cống xả bên cạnh bờ rào của Công ty Vedan. (Ảnh chụp vào ngày 16-9).

Nước từ dưới đùn lên tại 1 cống xả bên cạnh bờ rào của Công ty Vedan. (Ảnh chụp vào ngày 16-9).

Được đề nghị tặng bằng khen vì... di dời điểm gây ô nhiễm

Một trong những vấn đề bức xúc dư luận đã được đặt ra là vì sao năm 2004 Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai lại đề xuất UBND tỉnh này tặng bằng khen cho Công ty Vedan về thành tích bảo vệ môi trường. Trả lời báo chí, ông Hoàng Văn Thống khẳng định: Vào thời điểm đó, đó là đề xuất hợp lý. Nguyên nhân cụ thể được ông nêu ra là: Sau một thời gian gây ô nhiễm trầm trọng, Vedan đã có nhiều nỗ lực trong xử lý môi trường như bồi thường thiệt hại cho người dân, có năm lên đến gần 20 tỷ đồng; chuyển đổi hệ thống khí thải từ chạy bằng dầu sang chạy bằng gas.

Trước đó, Vedan sử dụng khoai mì tươi nên nước thải nhiều hơn và mức độ ô nhiễm cũng cao hơn, nhưng sau đó đã chuyển việc xây dựng những nhà máy xử lý ban đầu sang các địa phương khác như Bình Thuận, Bình Phước… nên đã giảm 70% mức độ ô nhiễm. Ngoài ra, mỗi năm công ty còn đầu tư 20-30 tỷ đồng cho việc khắc phục ô nhiễm môi trường…

Câu trả lời khó thuyết phục ở chỗ, rõ ràng việc Vedan xây dựng nhà máy tại các địa phương khác chẳng qua là di dời ô nhiễm từ nơi này qua nơi khác (!). Xung quanh ý kiến này, ông Thống cho rằng, việc công ty xây dựng một số nhà máy xử lý nguyên liệu tại các địa phương khác đã góp phần giảm áp lực ô nhiễm cho sông Thị Vải, còn có gây ô nhiễm tại nơi mới hay không thì địa phương nơi đó có trách nhiệm kiểm tra xử lý.

Cũng theo ông, trên bình diện cả nước, Bộ TN-MT quản lý việc này vì chính bộ cấp phép cho việc xây dựng các nhà máy đó. Trên thực tế, theo thông tin mà chúng tôi nắm được, tại những nhà máy vệ tinh của Vedan mới xây ở 2 tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, tình trạng ô nhiễm cũng diễn ra khá trầm trọng và đang là vấn đề bức xúc của người dân và chính quyền nơi đó.

Lấy nước nhiều, thải ra ít...

Mặc dù được xem là tác nhân chính “đầu độc” sông Thị Vải bao nhiêu năm nay, thế nhưng đầu năm 2008 Công ty Vedan đã được Bộ TN-MT cấp phép xả thải với lưu lượng trên 5.000m³/ngày,đêm. Theo hồ sơ cấp phép xả thải của Vedan thì đơn vị này đã gần như đạt mọi yêu cầu theo quy định từ thủ tục, tiêu chuẩn nguồn nước xả thải…

Tuy nhiên, trong bản nhận xét của ông Phan Văn Hết, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai với tư cách thành viên Hội đồng xét duyệt cấp phép xả thải có đặt ra một số vấn đề như: Vì sao lượng nước đưa vào phục vụ sản xuất là 28.000m³/ngày, đêm, nhưng lưu lượng nước xả thải chỉ là 5.179m³/ngày đêm; nước thải làm mát có một số chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép; kết quả kiểm tra nước thải năm 2006 cho thấy chất lượng nước thải tại các điểm xả thải của công ty có các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép… và yêu cầu công ty có giải trình về những vấn đề trên.

Mặc dù Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai Lê Viết Hưng đã chỉ đạo các chuyên viên tìm xem Vedan có bản giải trình về những vấn đề mà ông Hết đặt ra chưa, nhưng đến cuối giờ chiều ngày 16-9, ông Lê Viết Hưng vẫn chưa biết có bản giải trình hay không. Ông Hưng cho biết, theo quy định lượng nước xả thải phải bằng ít nhất 80% so với lượng nước đưa vào phục vụ sản xuất, trong khi tại Công ty Vedan, lượng nước đưa vào đến 28.000m³ nhưng lượng nước xả thải lại chỉ có 5.000m³. Đây là điều khó hiểu. Trước đây, do nghi ngờ Công ty Vedan lén lút xả thải nên cơ quan chức năng tỉnh đã từng thuê người nhái lặn xuống tìm ống xả dưới sông nhưng không phát hiện được điều gì bất thường (?).

Để giải đáp những thắc mắc về sự bất hợp lý giữa lượng nước vào và thải ra của Công ty Vedan, chúng tôi đã khảo sát một vòng xung quanh nhà máy và phát hiện khá nhiều ống cống được thải trực tiếp từ nhà máy ra hệ thống thoát nước tự nhiên xung quanh công ty. Hầu hết các miệng cống xả này đều được cỏ che lấp khá kín, thậm chí cho cống nằm sâu dưới nước và chỉ được phát hiện khi thấy nước xả đùn từ dưới lên. Liệu có mối liên hệ nào giữa sự bất hợp lý về lượng nước vào và thải ra với hệ thống cống ngầm của công ty này và liệu còn có hệ thống thống nào khác nữa không…?

Có hay không sự bao che?

Trả lời cho câu hỏi có sự bao che hay làm ngơ trước những vi phạm của Công ty Vedan hay không, ông Lê Viết Hưng khẳng định: Không có chuyện bao che. Tuy nhiên, theo ông, Vedan là một trong những doanh nghiệp lớn đầu tiên đầu tư vào Đồng Nai, từ khi tỉnh còn chưa có bộ phận chức năng bảo vệ môi trường. Khi đó Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung đang kêu gọi đầu tư nước ngoài và chúng ta cũng chưa đặt nặng vấn đề môi trường(!). Vấn đề này chỉ mới được quan tâm thời gian gần đây. Ngoài ra, báo cáo tác động môi trường của đơn vị này do Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt nên vai trò của địa phương cũng hạn chế.

Qua hành vi xây dựng 2 hệ thống xả nước thải của Vedan, ông Hưng đề nghị xem xét lại quy trình nghiệm thu công trình này vì từ trước đến nay, việc nghiệm thu chủ yếu lấy mẫu nước thải đem đi xét nghiệm và đưa ra kết luận chứ không kiểm tra kết cấu xây dựng. Một vấn đề nữa cũng được ông Hưng đặt ra là quy trình lấy mẫu kiểm tra. Với cơ quan thanh tra cấp sở, thậm chí cấp bộ, muốn lấy mẫu phải thông báo trước cho đơn vị chứ không được lấy mẫu đột xuất, mà khi đã thông báo thì doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để vận hành hệ thống xử lý nước thải…

Vedan đã bị xử phạt bao nhiêu lần? Ông Hưng cho biết trung bình mỗi năm có từ 3 đến 4 cuộc kiểm tra, qua đó Công ty Vedan bị phạt 4 lần với số tiền 23 triệu đồng. Lần bị phạt gần đây nhất vào năm 2006 với mức phạt cao nhất chỉ là 9 triệu đồng.

Một số tiền phạt quá nhỏ so với những thiệt hại không gì có thể bù đắp được cho môi trường. Lỗi này do đâu và do ai? Phải chăng chỉ do quy trình xử lý vi phạm của ta còn quá lỏng lẻo?  

CHIẾN DŨNG

Tin cùng chuyên mục