TPHCM: Nhiều dòng kênh… rác

TPHCM: Nhiều dòng kênh… rác

Nhiều kênh rạch tại TPHCM bị ô nhiễm ở mức báo động. Nguyên nhân, mỗi năm có hàng ngàn tấn rác thải vô cơ và hữu cơ được “tuồn” xuống những kênh rạch một cách vô tội vạ. Hậu quả không chỉ làm xấu mỹ quan đô thị, phá vỡ môi trường sinh thái còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.

Kênh rạch hấp hối… vì rác

TPHCM: Nhiều dòng kênh… rác ảnh 1

Rác ngập kín mặt kênh Nước Đen (ảnh chụp lúc 9 giờ sáng ngày 10-3 tại đoạn kênh cắt ngang đường Tân Kỳ Tân Quý, P. Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân)

Nhiều năm nay, rạch Ụ Cây (một nhánh kênh Tàu Hủ) chảy qua các phường 9, 10 và 11 (Q.8) ngập tràn trong rác. Bao bì ni lông, thực phẩm thừa, vỏ trái cây, nệm, chiếu… thậm chí xác chết động vật cũng được người dân sống hai bên con rạch vô tư vứt, đổ xuống lòng kênh.

Đặc biệt, mặt kênh phía phường 9 và 10 luôn bị phủ kín bởi “mặt rác”. “Trước giờ  dân sống ven rạch này đều đổ rác xuống lòng kênh, vẫn biết đổ rác xuống kênh sẽ gây hôi thối, ô nhiễm, nhưng kiểu làm đâu vứt đó của nhiều hộ dân ven rạch này đã  thành thói quen”, chị Trần Thị Trang  - một hộ dân có nhà sống trên con rạch cho biết một cách khá tự nhiên.

Dọc theo con rạch, rác luôn tồn đọng và ngày càng nhiều, không thể thoát ra ngoài theo kênh Tàu Hủ. Nguyên do là rạch Ụ Cây chỉ có đường thoát nước duy nhất là hai miệng cống nằm bên hông cầu Nguyễn Tri Phương nhưng đã bị rác và cây gỗ bịt kín. Hiện tại, rạch Ụ Cây đang bị ô nhiễm nặng và có nguy cơ bị xóa sổ vì rác.

Cùng gánh chịu nỗi khổ như rạch Ụ Cây, kênh Nước Đen dài khoảng 2km, nối từ phường Tân Thành qua phường Phú Thọ Hòa, Tân Quý (Q. Tân Phú) đến phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A (Q. Bình Tân) rồi hợp lưu với kênh 19-5 và kênh Tham Lương hiện đang được xem là tuyến kênh ô nhiễm bậc nhất ở TPHCM.

Ngoài chất thải và nước thải ô nhiễm từ các khu công nghiệp lân cận, cơ sở dệt nhuộm, vựa phế liệu… dòng kênh này phải “oằn mình” gánh chịu hàng trăm tấn rác thải mỗi năm từ một bộ phận người dân kém ý thức, vô tư vứt rác bừa bãi ra kênh.

Ngoài ra, còn có rất nhiều tuyến kênh rạch khác cũng đang trong cảnh hấp hối, từng ngày biến thành “kênh chết”. Kênh  Rạch Dừa từ đường Phan Huy Ích, chảy qua hai phường 7 và 17 (Q. Gò Vấp) đổ ra sông Vàm Thuật, “5 năm trước con kênh này còn rất trong sạch, cá tôm còn sống được. Vậy mà bây giờ, đến con người sống trên khô còn chịu không nổi nói gì đến tôm, cá”, bà Nguyễn Thị Nguyệt, một người dân sống bên đường số 4 nói đầy rác bức xúc.

Và phát sinh nhiều… dịch bệnh

Hiện tại, khu vực rạch Ụ Cây thuộc các phường 10 và 11 đã xuất hiện của nhiều loại dịch bệnh như dịch tả, sốt xuất huyết… Ông Trần Thọ Lương, ngụ nhà số 1/24 Tùng Thiện Vương, thấp thỏm: “Hôi thối riết rồi cũng quen, nhưng hiện nay ruồi, muỗi phát sinh dày đặc, ban ngày ăn cơm phải thả màn vì ruồi, về đêm muỗi xuất hiện đen nhà, nhiều trẻ em trong khu phố đã bị sốt xuất huyết”.

Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại khu vực nói trên, “Trạm Y tế phường 10 đã chuyển cho bà con trong tổ các loại thuốc xịt muỗi, lau nhà chống lây lan dịch, phát thuốc cho những gia đình có trẻ con mắc bệnh. Nhưng xem ra những biện pháp trên cũng không ngăn chặn nổi tình hình bệnh dịch hiện nay”, ông Trần Văn Khối – tổ trưởng tổ 5, phường 11.

Cùng với người dân thuộc các phường 9,10,11 (Q.8), cư dân sống dọc theo kênh Nước Đen (Q.Tân Phú và Bình Tân) cũng đang đối diện với nhiều bệnh dịch. Nguy hiểm nhất là dịch tả, nhiều hộ dân sống ven kênh ở phường Bình Hưng Hòa A, khu vực có đường Tân Kỳ Tân Quý cắt ngang cho biết như vậy. Ngoài ra, họ còn phải đối diện với căn bệnh nan y: ung thư, vì hầu hết cư dân ở đây đều dùng nước sinh hoạt từ nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm, luôn có mùi tanh.

TPHCM đang trong thời điểm bùng phát nhiều loại dịch bệnh: Tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, thủy đậu… Các dịch bệnh này thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm, do vậy người dân sống tại các khu vực ven kênh rạch bị ô nhiễm về nguồn nước, rác thải... rất nhiều khả năng bị nhiễm bệnh. Nên rất mong lãnh đạo các cấp, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh các biện pháp phòng trừ luồng dịch. Song song với đó, cần vạch ra những giải pháp trước mắt và lâu dài để cứu lấy những kênh, rạch hiện đang trước nguy cơ bị bức tử.

TUẤN VŨ (SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục