Sông Sài Gòn đang chết…

Ai “giết” sông Sài Gòn?
Sông Sài Gòn đang chết…

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp với Phân viện Khí tượng thủy văn và Môi trường phía Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa công bố kết quả nghiên cứu về tổng lượng chất thải trên hệ thống sông Sài Gòn. Theo đó, TPHCM và tỉnh Bình Dương có lượng chất thải ra sông Sài Gòn nhiều nhất. Điều này khiến cho nguồn nước ở đây có nguy cơ không thể tự làm sạch. Sông Sài Gòn đứng trước một cái chết được dự báo nếu như không có những biện pháp “cấp cứu” kịp thời.

Rác và lục bình tràn ngập một đoạn sông Sài Gòn (ảnh chụp 21-7). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Rác và lục bình tràn ngập một đoạn sông Sài Gòn (ảnh chụp 21-7). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ai “giết” sông Sài Gòn?

Theo khảo sát và tính toán của Phân viện Khí tượng thủy văn và Môi trường phía Nam, lượng nước thải từ các khu chế xuất - khu công nghiệp và cụm công nghiệp (KCX-KCN và CCN), khu dân cư xả vào lưu vực sông Sài Gòn trung bình khoảng 70.000 m³/ngày đêm. Nguồn nước thải này chưa được xử lý triệt để, đã và đang dẫn theo tải lượng lớn các chất ô nhiễm chảy vào sông Sài Gòn.

Kết quả phân tích cho thấy, trong 70.000m³ nước thải có khoảng 13,9 tấn TSS, 14,3 tấn COD, 6,8 tấn BOD, 1,9 tấn Nitơ tổng và 248kg Phốt pho tổng. Kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cũng khẳng định, từ năm 2000 đến nay, nồng độ các chất như pH, DO, BOD, COD, dầu có xu hướng tăng 1,1 - 2 lần/năm. Cá biệt, nồng độ Coliform tăng 3 - 71 lần/năm và càng về hạ lưu thì chất lượng nguồn nước càng xấu.

TS. Nguyễn Kỳ Phùng, Phó phân Viện trưởng Viện Khí tượng thủy văn và Môi trường phía Nam, cho biết 2 thủ phạm chính gây ô nhiễm sông Sài Gòn là nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu dân cư tập trung và nước thải công nghiệp từ các KCN-KCX tập trung, các CCN và tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở công nghiệp phân tán trong khu dân cư. Các loại nước thải này chưa được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả vào nguồn nước sông.

Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay trên tiểu lưu vực sông Sài Gòn có 27 KCX-KCN và CCN đang hoạt động (TPHCM: 11, Bình Dương: 16). Theo quy hoạch phát triển công nghiệp của các tỉnh-thành, đến năm 2020 cả tiểu lưu vực sông Sài Gòn có khoảng 39 KCX-KCN và CCN (TPHCM: 19, Bình Dương 20), nhưng đáng lo là các ngành nghề thu hút đầu tư vẫn chủ yếu là dệt nhuộm, may mặc, cơ khí, thực phẩm, giấy, gỗ, nhựa, hóa chất… Đây là những ngành sản xuất và tiêu thụ khá nhiều nước và thải ra lượng lớn nước thải có hàm lượng chất ô nhiễm cao.

Lưu vực sông Sài Gòn còn là nơi tiếp nhận lượng lớn nước thải sinh hoạt của hơn 6 triệu dân và tỷ lệ dân số đang tăng 2%-4%/năm. Dự báo đến năm 2020, tổng lượng chất thải trên sẽ tăng 4–5 lần, nguy cơ “giết” chết sông Sài Gòn.

Hành động ngăn chặn thảm họa

Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường, cho biết, để kiểm soát chất lượng nước thải trên sông Sài Gòn, hiện nay TPHCM đã lắp đặt 10 trạm quan trắc nước thải, tần suất lấy mẫu là 1 tháng/lần. Việc cần làm ngay là phải xây dựng hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải cho hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCX-KCN. Tỉnh Đồng Nai đã làm được điều này nên hạn chế được phần nào ô nhiễm. Tỉnh Bình Dương đang triển khai dự án. Còn tại TPHCM thì mới đang có kế hoạch.

Ước tính, nếu đầu tư 13 trạm quan trắc tự động tại TPHCM mất khoảng 15 tỷ đồng, nhưng nếu so với chi phí để bảo vệ chất lượng nước hệ thống sông Đồng Nai khoảng 1.000 tỷ đồng, thì không thấm vào đâu.

Theo TS Nguyễn Kỳ Phùng, kinh nghiệm quản lý hiệu quả chất lượng nước mặt sông tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại châu Âu, cho thấy nhà nước phải có chiến lược quản lý tài nguyên nước mặt. Chiến lược này phải được thực thi trên cơ sở khung quản lý chất lượng nước. Khung quản lý sẽ xác định rõ mô hình tốt nhất cho một hệ thống quản lý nước chuyên biệt, là quản lý theo lưu vực sông – một đơn vị về địa lý và thủy học tự nhiên, thay vì dựa trên ranh giới hành chính. Còn tại Việt Nam, cho đến nay chưa có một chiến lược tổng hợp và một kế hoạch hành động chung ở cấp quốc gia hay các vùng lưu vực.

Trong khi đó, nguồn nước mặt trên lưu vực sông Sài Gòn được xem là nguồn nước chủ yếu phục vụ các hoạt động kinh tế-xã hội (thủy điện, tưới tiêu, cấp nước, giao thông, du lịch và nuôi trồng thủy sản…) trên toàn lưu vực, nhưng chưa có kế hoạch bảo vệ hiệu quả.

Thực ra, Ban chỉ đạo bảo vệ hệ thống sông Đồng Nai đã được thành lập gần 2 năm qua, với mục đích bảo vệ hoạt động kinh tế-xã hội của cả 12 tỉnh-thành thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm trong tầm ảnh hưởng của hệ thống này, nhưng đến nay chưa có những hoạt động rõ nét nào để khởi động một chương trình hành động chung.

Ngay từ bây giờ, nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý phù hợp và hiệu quả, thì đến năm 2020, có nguy cơ tê liệt toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội của các tỉnh-thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do thiếu nguồn nước cấp, có thể trở thành hiện thực.

Chi Mai

Tin cùng chuyên mục