Môi trường một số xã nông thôn mới tại TPHCM bị đe dọa

Hàng loạt những hộ dân sinh sống tại các xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn)… đang chịu cảnh sống chung với môi trường ô nhiễm. Tình trạng xả thải của các nhà máy, xí nghiệp; xả phân heo của các hộ dân… diễn ra thường xuyên. Thậm chí có một số cơ sở tư nhân đã bị phạt nhưng vẫn tái phạm. Vấn đề đặt ra, đến khi nào người dân các xã trên sẽ được sống trong môi trường trong lành?

Tái phạm  triền miên

Theo thống kê của UBND xã Tân Nhựt, hiện trên địa bàn xã có 201 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động. Bao gồm nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như sản xuất nhang truyền thống; sản xuất đồ gia dụng (tủ, bàn, giường…)… Thực tế cho thấy, KCN Lê Minh Xuân là thủ phạm chính chứ không phải các cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Tân Nhựt.

Nhiều hộ dân nuôi cá tại xã Tân Nhựt bức xúc do một số tuyến kênh nội đồng bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến năng suất thu hoạch ảnh hưởng nặng nề. Ông Nguyễn Văn Mách, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nhựt cũng khẳng định điều này. Bà Nguyễn Thị Hà trú tại tổ 22, ấp 2, xã Tân Nhựt phản ánh thỉnh thoảng, mùi nước sông bị ô nhiễm bốc lên nồng nặc.

Trao đổi về tình trạng ô nhiễm kéo dài tại địa phương, ông Trần Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt cho rằng: “Xã chúng tôi nằm ở cuối nguồn. Do vậy, hầu hết nước thải của các KCN như: Lê Minh Xuân; cánh Bắc huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi; ngay cả KCN thuộc tỉnh Tây Ninh đều đổ về kênh C (chảy qua Tân Nhựt)”.

Tương tự tình trạng trên, người dân xã Xuân Thới Thượng cũng sống trong cảnh “bịt mũi, nín thở” khi gió thổi. Đó là hậu quả của nhiều hộ nuôi heo tràn lan, thiếu quy hoạch. Mặc dù được xã đầu tư các hầm biogas tự hoại, nhưng nhiều hộ chăn nuôi heo vẫn xả nước thải, phân… ra kênh. Bằng chứng, tuyến kênh chạy qua ấp 1 (nhiều hộ nuôi tới hàng trăm con) có màu xanh đậm, hôi nồng. “Vào mùa nóng bức, khí trời u ám, mùi hôi càng đáng sợ. Người dân nơi đây gọi ấp này là làng heo” - chị Lê Thị Liên, người dân xã Xuân Thới Thượng chia sẻ.

Trong thời gian qua, chính quyền xã Xuân Thới Thượng liên tục vận động những hộ dân gây ô nhiễm (chăn nuôi heo, làm ngành nghề truyền thống như: xay xát phế liệu, nghiền nylon…) có biện pháp bảo vệ môi trường. Thậm chí kiến nghị cấp trên xử phạt nhưng sau đó đâu lại vào đó. Trong tháng 10-2011, Công ty Tài Tài chuyên sản xuất bánh kẹo bị UBND TPHCM xử phạt 45 triệu đồng, nhưng nay vẫn ngang nhiên xả thải gây ô nhiễm. Hoặc hàng chục hộ nuôi heo tại ấp 1 vẫn xả phân heo ra môi trường…

Chờ xử lý?

Người dân kêu ca, báo chí lên tiếng nhưng sau đó mọi việc lại… lặng im. Nỗi khổ này có lẽ không chỉ của người dân, mà ngay cả các cấp chính quyền cũng… bối rối. Bởi lẽ, không ít lần người dân gửi đơn khiếu nại lên xã, xã tiếp nhận. Các phương án giảm thiểu ô nhiễm được đưa ra như vận động cơ sở kinh doanh, hộ chăn nuôi cá thể… có trách nhiệm với môi trường sống chung của cộng đồng. Nặng hơn, các xã đã kiến nghị lên huyện, TP xử phạt thật nặng các cơ sở đen.

“Cơ bản, các cơ sở nhỏ lẻ này đều hoạt động theo quy mô hộ gia đình. Họ làm từ nhiều đời nay, nếu vận động di dời, không dễ chút nào. Có chăng, chúng tôi sẽ hướng dẫn họ chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, nhưng phải có thời gian” - ông Nguyễn Trọng Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn nhận định.

Hầu hết các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn ấp 1 (nơi tập trung lượng heo nhiều nhất) Xuân Thới Thượng đều là dân tạm trú tại địa phương. Họ chỉ tới thuê mặt bằng để làm ăn, sinh sống. Do vậy theo ông Nguyễn Trọng Bằng các đối tượng này cần có lộ trình di dời. Ít ra, cũng phải để họ ở tạm đến hết hợp đồng. Nếu chây lì, nhiều lần thì buộc phải dùng biện pháp cưỡng chế.

Đối với khu vực cuối nguồn như xã Tân Nhựt, tình trạng khắc phục ô nhiễm các dòng kênh, nhất là kênh C, đang là vấn đề nan giải. “Nên chăng TPHCM cần tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh tay các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Đồng thời tiến hành lắp đặt các trạm quan trắc đo nồng độ ô nhiễm nước, giúp bà con đỡ khổ” - ông Trần Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt kiến nghị.

Cơ quan chức năng cần có biện pháp thiết thực, hiệu quả để bảo vệ môi trường các xã nông thôn mới nói trên. Qua đó góp phần cải thiện môi trường sống, nâng cao hiệu quả sản xuất.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục