Sông, kênh rạch ở TPHCM đang chết

Bài 1: Tắc nghẽn
Sông, kênh rạch ở TPHCM đang chết

Bài 1: Tắc nghẽn

Hệ thống sông, kênh rạch ở TPHCM đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao thông thủy, tiêu thoát nước nhằm hạn chế tình trạng ngập úng tại TP. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống sông, kênh rạch ở TPHCM đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử” do tác động của con người.

Nhà xây dựng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn qua quận Bình Thạnh. Ảnh: Thanh Tâm

Nhà xây dựng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn qua quận Bình Thạnh. Ảnh: Thanh Tâm

Mất chức năng giao thông thủy

Hệ thống sông, kênh rạch của TPHCM đang từng ngày bị bồi lắng bởi phù sa, rác thải. Trong khi đó, việc nạo vét khơi thông dòng chảy các tuyến sông, kênh rạch lại chưa được cơ quan chức năng quan tâm đầu tư đúng mức khiến luồng lạch bị “tắc nghẽn” ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy, cũng như việc tiêu thoát nước vào mùa mưa, gây tình trạng ngập úng.

Trên tuyến sông Vàm Thuật, rạch Bến Cát - Tham Lương tại một số đoạn gần cầu An Lộc (phường An Phú Đông, quận 12), cầu Bến Cát (phường Thới An, quận 12)… lòng sông đang bị bồi lắng do quá trình phù sa khiến giao thông thủy bị ách tắc hoặc tại khu vực cầu Tân Hóa, lòng sông cạn đến mức có thể... đi bộ qua sông. Tại những khu vực này, mỗi khi thủy triều xuống thấp chỉ có ghe xuồng cỡ nhỏ mới lưu thông được, còn các loại phương tiện thủy lớn gần như bị tê liệt.

Cụ thể, vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua, ca nô của Trạm Quản lý giao thông đường sông số 2 (thuộc Khu Đường sông TPHCM) vừa qua rạch Bến Cát, sông Trường Đai thuộc phường Thới An, quận 12 một đoạn đành phải quay trở lại do lòng sông bị bồi lắng không thể lưu thông.

Anh Thắng, nhân viên trạm tâm sự: “Tuyến sông Vàm Thuật hiện là một trong những tuyến bị bồi lắng nhiều đoạn khiến hoạt động giao thông thủy gặp nhiều khó khăn. Nếu tàu, ghe đi lại trên tuyến này, tài công không rành rất dễ bị mắc cạn giữa sông”.

Ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu Đường sông (thuộc Sở GTVT TPHCM), cho biết hiện nay trên địa bàn TP có khoảng gần 1.700km tuyến sông, kênh rạch (kể cả tuyến hàng hải thuộc Trung ương quản lý). Riêng tuyến kênh rạch dân sinh có khoảng 700km, trong đó 60% - 70% có chức năng giao thông thủy và tiêu thoát nước mưa cho TP lại không được đầu tư nạo vét, cải tạo.

Riêng tuyến rạch Tham Lương - Bến Cát, tuyến nối sông Tắc - sông Soài Rạp, rạch Gò Dưa… có nhiều đoạn bị bồi lắng tàu, thuyền không thể lưu thông được.

Theo nhiều người hoạt động trong lĩnh vực đường thủy, tình trạng bồi lắng sông, kênh rạch hiện nay ở TPHCM ngoài quá trình lắng phù sa tự nhiên, nguyên nhân chủ yếu do những người sống dọc hai bên bờ sông, kênh rạch, từ các tàu ghe xả rác vô tội vạ.

Trên tuyến kênh Đen (quận Bình Tân), Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6 và Bình Tân)… các loại rác thải, rác sinh hoạt, lục bình phủ kín cả mặt kênh. Việc rác thải sinh hoạt vứt thẳng xuống dòng sông, kênh rạch lâu ngày không được vớt sẽ lắng xuống đáy và tạo ra lực cản dòng chảy dẫn đến tình trạng bồi lắng và tắc nghẽn dòng chảy.

Do vậy, sông, kênh rạch đã không đảm nhận được nhiệm vụ thoát nước cho các khu dân cư, nhất là lúc mưa lớn. Đơn cử tại tuyến kênh Tân Hóa, do dòng kênh đầy rác nên mỗi khi mưa làm tuyến đường Hòa Bình (quận 11) ngập nặng.

Theo Phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM), hiện nay ước tính lượng rác thải sinh hoạt của người dân thải ra các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn TP mỗi ngày khoảng 200 tấn.

Ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu Đường sông, chia sẻ: “Tình trạng bồi lắng sông, kênh rạch là quy luật của tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề bồi lắng lòng sông, kênh rạch do yếu tố con người gây nên là đáng phải xem xét và giải quyết triệt để, nó làm mất chức năng tiêu thoát nước cho TP vào mùa mưa”.

Thiếu dự án nạo vét

Rác ngập kênh Tham Lương, quận Tân Bình. Ảnh: Thanh Tâm

Rác ngập kênh Tham Lương, quận Tân Bình. Ảnh: Thanh Tâm

Dù tình trạng bồi lắng lòng sông, kênh rạch để lại nhiều hậu quả khó lường nhưng hiện nay vấn đề đầu tư nạo vét chưa được quan tâm đúng mức. Theo Khu Đường sông (thuộc Sở GTVT TPHCM), đến nay trong số các dự án nạo vét sông, kênh, rạch mà khu đề xuất, TP chỉ ghi vốn đầu tư cho hai công trình, dự án chuyển tiếp của năm cũ (năm 2010), còn các dự án đầu tư xây dựng mới tạm thời TP chưa ghi vốn. Trong khi đó, một số dự án nạo vét lớn của TP lại đang thi công cầm chừng do vướng giải phóng mặt bằng và vốn. Điển hình, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 32km đi qua địa bàn 8 quận, huyện với nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, chống ngập úng kết hợp giao thông thủy cấp IV và V… đã được triển khai thi công và theo kế hoạch phải hoàn thành vào cuối năm 2010. Thế nhưng, công trình phải dừng lại vì vướng khâu giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM) cho biết: Trước đây, hàng năm UBND TP chi ngân sách và giao nhiệm vụ các quận, huyện thực hiện việc nạo vét, vớt rác trên các tuyến sông, kênh, rạch tình trạng tắc nghẽn, bồi lắng và ô nhiễm. Tuy nhiên, cách đây mấy năm khi UBND TP cắt nguồn kinh phí và giao cho UBND các quận, huyện tự làm việc này thì các quận, huyện bỏ ngỏ do không có kinh phí dẫn đến tình trạng rác thải tồn tại nhiều.

Đình Lý - Nguyễn Hoàng


Bài 2: Lấn chiếm tràn lan

Trong nhiều năm qua, tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn TPHCM diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Thế nhưng, việc xử lý các trường hợp vi phạm ở các địa phương gần như buông lỏng…

  • Cấm vẫn lấn

Năm 2004, UBND TPHCM ban hành Quyết định 150/2004/QĐ-UB về quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch. Trong đó, nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch và làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của các công trình xây dựng trên bờ sông, kênh, rạch.

Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi dọc tuyến sông Sài Gòn, sông Vàm Thuật, kênh Tân Hóa - Lò Gốm vào những ngày đầu tháng 6 vừa qua, tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch để xây dựng nhà cửa, hàng quán buôn bán vẫn còn diễn ra tràn lan.

Tại tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn từ hẻm 980 ngược ra Đại lộ Võ Văn Kiệt, thuộc phường 8, quận 6, dọc hai bên bờ kênh nhà dân lấn chiếm ra khỏi phạm vi ranh giới hành lang bảo vệ bờ kênh cả gần chục mét.

Tại khu vực gần cầu Phạm Văn Chí, một ngôi nhà cấp 4 vừa mới được sửa sang với hơn nửa chiều dài ngôi nhà nằm ra giữa dòng kênh. Tương tự, tại khu vực các tuyến rạch Văn Thánh (phường 22) và rạch Cầu Ông Ngữ, rạch Cầu Cống (phường 28, quận Bình Thạnh)… nhiều nhà dân xây dựng lấn chiếm rạch khiến bề rộng con rạch đã hẹp còn hẹp hơn.

Ngoài việc bị xây dựng công trình nhà ở lấn chiếm rạch, hiện nay trên các bờ sông, kênh, rạch ở TPHCM còn bị một số người dân chiếm dụng và “thương mại hóa” làm nơi buôn bán, kinh doanh. Khu vực bến Bạch Đằng, đoạn bờ sông Sài Gòn trên đường Trần Não ngay dưới chân cầu Sài Gòn, khu vực dọc kênh Thanh Đa… bị chiếm dụng dựng quán bán cà phê, nước giải khát nằm san sát nhau. Không chỉ chiếm dụng bờ sông để kinh doanh, nhiều hộ dân còn tự ý xây bờ kè dọc bờ sông để mở quán nhậu, nhà hàng...

Bên cạnh đó, dọc các tuyến sông, kênh, rạch tình trạng lấn chiếm hành lang để làm điểm tập kết cát, sỏi, kinh doanh vật liệu xây dựng diễn ra khá phổ biến. Tình trạng này tạo gia tải nặng, rất dễ làm sạt lở bờ sông, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân vào mùa mưa bão.

Nhà xây dựng lấn chiếm kênh và ghe thuyền đậu ngổn ngang trên Kênh Tẻ. Ảnh: Thanh Tâm

Nhà xây dựng lấn chiếm kênh và ghe thuyền đậu ngổn ngang trên Kênh Tẻ. Ảnh: Thanh Tâm

  • Buông lỏng quản lý

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, tính đến đầu tháng 4-2011, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 72 trường hợp vi phạm lấn chiếm sông, kênh, rạch và xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch. Trong đó có 33 trường hợp lấn chiếm sông, kênh, rạch; 39 vụ vi phạm xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch.

Đặc biệt, số vụ vi phạm lấn chiếm sông, kênh, rạch và xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch có chiều hướng tăng cao. Cụ thể, chỉ riêng từ đầu năm đến nay, đã phát sinh thêm 29 trường hợp vi phạm. Điều đáng nói, các trường hợp vi phạm đều được Sở Giao thông Vận tải gửi văn bản đến chính quyền địa phương đề nghị xử lý.

Tuy nhiên đến nay, một số địa phương vẫn chưa xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, thậm chí còn để phát sinh thêm nhiều trường hợp vi phạm mới. Vì vậy, nhằm giải quyết dứt điểm các trường hợp nêu trên, mới đây, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo UBND các quận, huyện có các trường hợp vi phạm, phải lập kế hoạch cụ thể chi tiết làm việc với từng trường hợp vi phạm để có biện pháp xử lý nghiêm. Từ đó ngăn ngừa các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch.

Ngoài ra, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện không cấp phép cho các trường hợp xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn.

Ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu Đường sông, lo ngại: “Nếu chính quyền các địa phương không kiên quyết, rất có thể trong tương lai quỹ đất hai bên bờ sông của thành phố sẽ không còn để trồng cây xanh, làm đẹp mỹ quan đô thị”. 

ĐÌNH LÝ - BÍCH NGÂN 

Tin cùng chuyên mục