Khó khăn bảo vệ nguồn nước ngầm

Khai thác nước ngầm quá mức sẽ khiến cho hạ tầng sụt lún trên diện rộng. Nguồn nước ngầm còn lại cũng sẽ bị ô nhiễm xâm nhập. Thực trạng này đã và đang xảy ra tại TPHCM và được nhiều chuyên gia môi trường cảnh báo từ lâu. Thế nhưng, những giải pháp cấp thiết nhằm bảo vệ nguồn nước này vẫn chưa được triển khai hiệu quả.
Khó khăn bảo vệ nguồn nước ngầm

Khai thác nước ngầm quá mức sẽ khiến cho hạ tầng sụt lún trên diện rộng. Nguồn nước ngầm còn lại cũng sẽ bị ô nhiễm xâm nhập. Thực trạng này đã và đang xảy ra tại TPHCM và được nhiều chuyên gia môi trường cảnh báo từ lâu. Thế nhưng, những giải pháp cấp thiết nhằm bảo vệ nguồn nước này vẫn chưa được triển khai hiệu quả.

Lún hạ tầng

Thực trạng khai thác nước ngầm tại TPHCM đã và đang khiến mực nước dưới đất tiếp tục giảm nhanh chóng. Hiện mực nước ngầm đo đạc được ở độ sâu -34,5m tại quận 12, -26,85m tại huyện Bình Chánh và -19,63m đến -21,5m tại huyện Hóc Môn... Tại các trạm có điểm khai thác nước ngầm với lưu lượng lớn như Công ty Cấp nước quận 6, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Phước Kiểng, Lê Minh Xuân... đã xuất hiện hiện tượng trồi các ống nước khoảng 22cm. Thậm chí, tại khu vực quận Bình Tân, Thủ Đức, tình trạng sụt lún hạ tầng gây sập nhà dân cũng đã từng xảy ra. Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM cũng cho biết thêm, việc lún hạ tầng đang diễn ra khá nghiêm trọng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân và Tân Tạo, có nơi sụt lún từ 0,3m - 0,5m gây hư hỏng nặng cho hệ thống nhà xưởng, đường nội bộ và hệ thống cấp thoát nước của khu.

Không dừng lại đó, ông Nguyễn Thanh Hùng, Viện Môi trường và Tài nguyên, cho biết, kết quả nghiên cứu từ năm 2009 đến nay cho thấy, toàn thành phố không còn khu vực nào có nguồn nước ngọt sạch. Nồng độ các chất ô xy hóa, vi sinh, kim loại nặng, chất thải rắn lơ lửng… luôn vượt tiêu chuẩn loại B từ vài lần đến vài chục lần. Đáng lo ngại hơn, tình trạng khai thác nước ngầm nhưng thiếu sự quản lý, kiểm soát đã và đang tạo cơ hội cho nguồn nước ô nhiễm xâm nhập sâu vào trong hệ thống nước ngầm trên địa bàn thành phố. Kết quả quan trắc chất lượng nước ngầm của thành phố do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cho thấy, toàn bộ nguồn nước ngầm tầng nông (cách mặt đất khoảng 50m) đều có dấu hiệu ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản và tài nguyên nước, Sở TN-MT khẳng định, hiện trung bình mỗi ngày có hơn 600.000m³ nước ngầm bị mất đi. Tuy nhiên, đây chỉ là con số dựa trên những doanh nghiệp có đăng ký xin phép khai thác. Còn số doanh nghiệp đang khai thác nhưng không xin phép và số hộ gia đình tự ý khoan giếng nước ngầm rất nhiều nhưng không có cơ sở nào để thống kê.

Khó khăn bảo vệ nguồn nước ngầm ảnh 1

Rác tập kết tại công viên Hòa Bình, quận 5, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Loay hoay tìm giải pháp

Theo ông Phan Văn Tuyến, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, việc cấp thiết bảo vệ nguồn nước ngầm là phải giảm ngay lượng nước khai thác từ 660.000m3/ngày đêm hiện nay xuống còn 100.000m3/ngày đêm vào năm 2015. Theo đó, phải khoanh vùng cấm khai thác nước dưới đất chiếm diện tích 195km2, bằng 10% diện tích phân bố của các tầng chứa nước, phân bố ở các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11 và một phần huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, ý kiến này đã vấp phải không ít quan ngại từ phía các đơn vị đang thực hiện khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm tại những khu vực này.

Đại diện Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, hiện trung tâm có 6 trạm tại Nhà Bè và 7 trạm tại Bình Tân đang khai thác nguồn nước ngầm và cung cấp cho khoảng 36.000 hộ dân. Nếu ngay bây giờ lấy lý do là khai thác nước ngầm gây ra sụt lún hạ tầng nên không cho khai thác nữa thì người dân lấy nước đâu sử dụng.

Tương tự, đại diện công ty đầu tư hạ tầng KCN Tân Bình cũng cho biết thêm, hệ thống cấp nước của thành phố mặc dù đã cấp đến đầu KCN Tân Bình nhưng không đủ áp lực để dẫn đến các doanh nghiệp trong khu. Chính vì thế, công ty vẫn phải khai thác nước ngầm để cung cấp thêm. Vậy nếu áp dụng biện pháp những khu vực nào đã có nước cấp thì cấm khai thác nước ngầm, thực sự chưa phù hợp thực tế.

Ý kiến nhiều quận huyện cho rằng, vấn đề lún hạ tầng do khai thác nước ngầm chỉ là một trong số rất nhiều nguyên nhân khác. Tốc độ bê tông hóa quá nhanh, quá nhiều đã làm tăng trọng lực lên nền đất, đồng thời làm giảm lượng nước mặt bổ cập cho nguồn nước ngầm cũng là nguyên nhân khiến cho sự biến dạng mặt đất diễn ra nhanh chóng thời gian qua. Tuy nhiên, không phải vì lý do trên mà cho rằng việc hạn chế khai thác nước ngầm là không cần thiết. Chỉ có điều, cần nhận thức rõ hạn chế, cấm khai thác nước ngầm là vấn đề đụng đến an sinh xã hội và cuộc sống của hàng triệu hộ dân trên địa bàn thành phố, nhất là khi hệ thống cấp nước chưa hoàn thiện, chưa thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Do đó, để cải thiện thực trạng suy giảm nguồn nước ngầm, việc trước tiên là cần phải hoàn thiện hệ thống cấp nước đủ về số lượng và áp lực cấp. Kế đến, xác định rõ nguyên nhân suy thoái nguồn nước ngầm và tính phương án tăng lượng nước mặt bổ cập cho nguồn nước ngầm. Cuối cùng mới là hạn chế và cấm khai thác.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục