Năm 2018, đã xử lý gần 43.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp

Trong năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 108.374 đơn sở hữu công nghiệp các loại, tăng 5,9% so với năm 2017.  
Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: TB
Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: TB

Ngày 22-1, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Tọa đàm công tác thông tin, truyền thông về SHTT nhằm đánh giá những kết quả đạt được của năm 2018 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2019.

Tại đây, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho biết, trong năm 2018, Cục SHTT đã tiếp nhận 108.374 đơn sở hữu công nghiệp các loại (tăng 5,9% so với năm 2017), bao gồm: 63.617 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,1% so với năm 2017) và 44.757 đơn khác.

Cục SHTT đã xử lý được 79.634 đơn các loại, trong đó có 42.867 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 9,2% so với năm 2017) và  36.776 đơn/yêu cầu các loại khác; đồng thời cấp văn bằng bảo hộ cho cho 29.040 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 2,6% so với năm 2017).

Về tình hình bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho các đặc sản, tính đến 31-12-2018, Việt Nam đã bảo hộ 69 CDĐL quốc gia và 6 CDĐL của nước ngoài. Trong hơn 10 năm qua, số CDĐL quốc gia được bảo hộ đã tăng 3,5 lần. Đến nay đã có 34 tỉnh/thành phố đã có CDĐL được bảo hộ, 11 tỉnh/thành phố có từ 2 CDĐL trở lên, đó là: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Tiền Giang, Bình Thuận, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang, Quảng Nam.
Về cơ cấu sản phẩm được bảo hộ CDĐL, có 47% sản phẩm là trái cây, 23% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% là thủy sản, 8% là gạo, còn lại là các sản phẩm khác. Có 05 sản phẩm không phải là thực phẩm được bảo hộ là: nón lá Huế, thuốc lào Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo, cói Nga Sơn và hoa mai vàng Yên Tử. Đa phần các sản phẩm được bảo hộ CDĐL của Việt Nam là các sản phẩm tươi sống và nguyên liệu như: hạt cà phê, quế vỏ, hoa hồi... 

Ông Đinh Hữu Phí cho biết, quá trình bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư nguồn lực của các địa phương. Đồng thời, CDĐL cũng đã tác động rõ ràng đến nhận thức của doanh nghiệp, người dân về danh tiếng, giá trị của các sản phẩm được bảo hộ. Về cơ bản, CDĐL đã tác động đến giá trị của sản phẩm, giá bán của các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ đều có xu hướng tăng, như: cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%; nước mắm Phú Quốc tăng 30-50%; chuối ngự Đại Hoàng tăng 100-130%; bưởi Phúc Trạch tăng 10-15%;... 

Về tình hình cấp các bằng bảo hộ và nhãn hiệu chứng nhận, đến 31-12-2018, số lượng văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể (NHTT) là 981 và Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) là 293 được cấp cho các đặc sản địa phương. Sau khi văn bằng bảo hộ dược cấp, giá trị của các sản phẩm, đặc biệt là của các sản phẩm nông nghiệp đều được tăng lên, thể hiện ở giá bán trên thị trường của một số sản phẩm và hiệu quả khi sử dụng các nhãn hiệu. Như các sản phẩm: gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn - Hải Dương; su su Sa Pa – Lào Cai; cá thát lát Hậu Giang; gà đồi Yên Thế - Bắc Giang; hoa địa lan Đà Lạt – Lâm Đồng;…

Theo kế hoạch, trong năm 2019, Cục SHTT dự kiến đăng ký 10 CDĐL cho các đặc sản địa phương. Ngoài ra, 39 CDĐL của Việt Nam đã được Liên minh châu Âu đồng ý bảo hộ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực. Việt Nam hiện đã đang ký thành công 4 chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài (03 tại Thái Lan và 01 tại EU). Cục SHTT đang phối hợp tích cực với Cục Chế biến thực phẩm Nhật Bản để đăng ký thành công 03 CDĐL của Việt Nam tại Nhật Bản.

Tin cùng chuyên mục