Nghiêm túc xem lại cách tính lương tối thiểu

Ngay sau khi đăng loạt bài “Chung tay bình ổn quan hệ lao động”, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Với vai trò là người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về lao động tại điểm nóng thường xuyên diễn ra tranh chấp lao động trong thời gian qua, ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA), đã có những phân tích và đề xuất từ thực tế về chính sách tiền lương hiện hành.
Nghiêm túc xem lại cách tính lương tối thiểu

Ngay sau khi đăng loạt bài “Chung tay bình ổn quan hệ lao động”, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Với vai trò là người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về lao động tại điểm nóng thường xuyên diễn ra tranh chấp lao động trong thời gian qua, ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA), đã có những phân tích và đề xuất từ thực tế về chính sách tiền lương hiện hành.

  • Lương tối thiểu phải là luật

Trong khi Bộ LĐTB-XH đang đề xuất mức tăng lương tối thiểu cho vùng 1 là 1,9 triệu đồng/người/tháng, Chính phủ cũng có Quyết định 471/QĐ-TTg, Bộ Tài chính cũng ban hành thông tư hướng dẫn về việc thực hiện trợ cấp khó khăn cho người lao động có thu nhập từ 2,2 triệu đồng/tháng trở xuống. Như vậy, nếu đề xuất của Bộ LĐTB-XH được phê chuẩn thì vô hình trung chính chúng ta đã thừa nhận mức lương tối thiểu sắp được điều chỉnh là theo đuôi thực tế. Bởi người lao động sau khi được nâng lương vẫn thuộc diện cần trợ cấp khó khăn (?!).

Trong bối cảnh nước ta hiện nay, cần khẳng định việc quy định mức lương tối thiểu là rất quan trọng và cần thiết. Trên lý thuyết, tiền công, tiền lương là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, với mặt bằng chung, đặc điểm chung của phần đông lao động phổ thông Việt Nam là chưa qua đào tạo, trình độ, tay nghề chưa có hoặc ở mức rất thấp nên khả năng thương lượng để đạt được thỏa thuận về đồng lương với ông chủ là khó khả thi, bất kể trình độ của cán bộ công đoàn như thế nào.

Đó là chưa kể khi năng lực và tay nghề người lao động Việt Nam còn thấp, trường hợp các ông chủ, các hiệp hội nước ngoài bắt tay nhau để “dìm giá” lao động bằng cách thống nhất trả lương thật thấp, người lao động Việt Nam sẽ không có nhiều cơ hội để lựa chọn. Trong hoàn cảnh đó, sự ra đời của quy định về mức lương tối thiểu là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền lợi tối thiểu của người lao động.

Từ lâu, các nhà làm luật Việt Nam cũng như các nhà quản lý về lao động nước ta vẫn giữ quan điểm: Lương tối thiểu do Nhà nước quy định là mức sàn, còn lại thì khuyến khích doanh nghiệp trả lương cao hơn mức sàn cho công nhân. Thế nhưng, đó là mong muốn duy ý chí.

Thực tế, với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lương tối thiểu là luật và họ chỉ làm đúng luật. Trong số các doanh nghiệp nằm trong KCX-KCN, hiếm khi có doanh nghiệp nào trả lương cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu mà Nhà nước quy định khi xây dựng thang bảng lương.

Đồng lương thấp khiến nhiều người lao động phải đắn đo khi đi chợ. Ảnh: MAI HƯƠNG

Đồng lương thấp khiến nhiều người lao động phải đắn đo khi đi chợ. Ảnh: MAI HƯƠNG

Lương tối thiểu cũng là cơ sở, là căn cứ để các doanh nghiệp ký hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài. Đặt trường hợp doanh nghiệp không trả thêm bất kỳ khoản phụ cấp nào ngoài tiền lương thì doanh nghiệp cũng không vi phạm pháp luật. Khi đó, việc quy định mức lương tối thiểu chỉ ở “mức sàn”, đồng thời “khuyến khích” doanh nghiệp trả thêm là một quan điểm rất nguy hiểm, làm ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Với doanh nghiệp nước ngoài, luật là luật chứ không mang tính chất khuyến khích. Việc khuyến khích này càng nguy hiểm hơn nếu phát huy tác dụng. Chẳng hạn như khi một doanh nghiệp hưởng ứng đúng tinh thần được “khuyến khích” là trả lương cao hơn, lập tức các doanh nghiệp khác sẽ xảy ra đình công để đòi được tăng lương như vậy. Hậu quả là luôn luôn có một cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp và áp lực đình công, lãn công luôn hiện hữu, nuôi dưỡng một ngòi nổ bất ổn định.

  • Cần tính lương tối thiểu dựa trên “CPI của người lao động”

Nhìn lại thời gian qua, có thể thấy, mức tăng lương tối thiểu mà Bộ LĐTB-XH đề xuất được xây dựng dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Để tính được mức độ biến động của giá tiêu dùng, một danh mục các loại hàng hóa và dịch vụ phổ biến tiêu dùng của người dân được chọn làm đại diện và được thu thập giá hàng tháng. Danh mục này được gọi là “rổ hàng hóa”.

Tổng số mặt hàng trong “rổ” trên dưới 500 mặt hàng và được bổ sung cho phù hợp với thực tế nền kinh tế, trong đó có nhiều mặt hàng cao cấp. Có thể thấy, có rất nhiều thứ trong “rổ hàng hóa” không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến đời sống người lao động. Đó là các mặt hàng cao cấp, những dịch vụ tiện ích xa xỉ.

Thứ ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống của họ là lương thực, thực phẩm; phí đi lại, học hành, nuôi con. Những “hàng hóa” đó hiện tăng rất cao, hơn hẳn mức tăng trung bình của cả “rổ” hàng. Cho nên, việc tính mức tăng lương tối thiểu cho người lao động dựa trên CPI chung của cả nước là một điều thiệt thòi cho người lao động.

Theo thống kê của BCH công đoàn một công ty trong KCX, cơ sở để công đoàn đề xuất ban giám đốc tăng lương cho công nhân là giá gạo đã tăng 25%, giá cá tăng 40%, rau tăng 34%, thịt tăng 50%, chi phí nuôi con, học hành tăng 40%... Thiết nghĩ đó mới đúng là CPI của người lao động.

Tiền lương tối thiểu tăng là để đảm bảo cho người lao động một mức sống cơ bản tối thiểu, do vậy, cần được tính đúng dựa trên mức tăng của những hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp nhất và nhiều nhất đến đời sống của họ. Có vậy, tiền lương mới thoát khỏi tình trạng luôn theo đuôi thực tế, lạc hậu so với thực tế.

Không đánh tráo khái niệm điều chỉnh lương với tăng lương

Nhiều doanh nghiệp luôn lập lờ, đánh tráo khái niệm giữa điều chỉnh lương và tăng lương, dẫn đến việc người lao động đình công triền miên. Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu khi có lạm phát, trượt giá xảy ra nhằm đảm bảo mức sống cho người lao động không đổi. Nghĩa là thực tế, dù số tiền mà người lao động nhận được có tăng lên nhưng trị giá của tổng số tiền đó vẫn như cũ vì có trượt giá.

Tuy nhiên, mỗi khi Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu, các doanh nghiệp tuyên bố là đã tăng lương đồng loạt cho tất cả công nhân, dẫn đến việc công nhân mới vào làm hay công nhân làm mười mấy năm cũng có mức lương như nhau. Doanh nghiệp đã cố tình quên rằng đúng ra họ phải áp dụng mức lương mới vào thang bảng lương đã được xây dựng để tạo ra sự khác biệt giữa lương của công nhân cũ và công nhân mới. Việc nâng lương theo bậc mới đúng nghĩa là tăng lương và tạo ra giá trị mới.

MAI HƯƠNG (ghi)

- Thông tin liên quan:

>> Chung tay bình ổn quan hệ lao động

- Bài 1: Bất cập từ chính sách tiền lương

Tin cùng chuyên mục