Nghiên cứu tiếp hình thức thi hành án tử hình

Ngày 19-4, phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc. Trong ngày họp cuối, UBTVQH đã cho ý kiến chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự và dự thảo Luật Trọng tài thương mại. Đây là hai dự luật dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Ngày 19-4, phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc. Trong ngày họp cuối, UBTVQH đã cho ý kiến chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự và dự thảo Luật Trọng tài thương mại. Đây là hai dự luật dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên đề nghị trình Quốc hội hai phương án để xem xét, quyết định. Theo đó, phương án 1 thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định. Để có thời gian chuẩn bị, luật quy định việc áp dụng hình thức thi hành án bằng tiêm thuốc độc được thực hiện sau một năm kể từ ngày luật có hiệu lực.

Trong thời gian chưa áp dụng hình thức tiêm thuốc độc, việc thi hành án tử hình vẫn được thực hiện bằng hình thức xử bắn theo quy định hiện hành. Phương án 2 vẫn là thi hành án tử hình bằng xử bắn. Ý kiến phát biểu tại phiên họp của các thành viên UBTVQH về vấn đề này còn khác nhau.

Cung cấp thêm thông tin, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cho rằng, tiêm thuốc độc cũng “không hề đơn giản”. Ông Tiệm ủng hộ phương án mà Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận gợi ý là giao cho Chính phủ chuẩn bị điều kiện, bao giờ đầy đủ thì chuyển từ hình thức xử bắn sang tiêm thuốc độc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận, chưa thay đổi hình thức xử bắn tại dự luật lần này, mà cứ tích cực chuẩn bị, đến khi có đủ điều kiện thực hiện hình thức tiêm thuốc độc thì sẽ đề nghị Quốc hội sửa riêng quy định về hình thức thi hành án tử hình. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền cho người khiếu nại và việc giải quyết khiếu nại phù hợp với đặc thù của công tác thi hành án hình sự, UBTVQH thống nhất điều chỉnh kéo dài thời hiệu khiếu nại từ 15 lên 30 ngày.

Bàn về dự án Luật Trọng tài thương mại, đa số ý kiến trong UBTVQH thống nhất với thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại giới hạn trong phạm vi các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 và các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại, các trường hợp được một số luật khác (như Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán…) đã quy định.

A.Phương

Tin cùng chuyên mục