Người trẻ làm báo

Người trẻ làm báo ngày nay có nhiều thế mạnh. Đó là đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Nhiều nhà báo trẻ giỏi ngoại ngữ, thành thạo công nghệ thông tin… Điều kiện làm việc, tác nghiệp, phương tiện hành nghề ngày càng khá hơn so với trước.

Nói về vai trò của báo chí và tư cách người làm báo, Bác Hồ cho rằng: Báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Làm tốt tư cách chiến sĩ cách mạng, trách nhiệm xã hội - nghĩa vụ công dân, người làm báo, nhất là nhà báo trẻ, sẽ góp phần tìm lại giá trị cốt lõi - tính cách mạng, tính tiên phong, khẳng định vai trò báo chí trong giai đoạn mới. 

Chắc rằng hầu hết những người làm báo đều thấu hiểu đặc điểm nghề nghiệp của mình, một nghề vừa vinh quang, vừa gian khó. Vinh quang bởi nó mang sứ mệnh lớn với nhân dân, tác động lớn đến xã hội. Còn gian khó, thậm chí hiểm nguy, bởi công việc đòi hỏi phải theo sát cuộc sống, điểm nóng, thời cuộc, nhiều thách thức và cũng nhiều cám dỗ. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, mới vừa chia sẻ cùng các nhà báo: Chưa bao giờ người làm báo có điều kiện cống hiến cho sự phát triển của đất nước và thành phố như hiện nay. Nhưng đồng thời cũng chưa bao giờ có những thách thức như thế này với người làm báo chân chính. Đồng chí bày tỏ sự mong muốn, báo chí phải đi đầu trong phát huy sáng tạo của người dân, đồng thời thúc đẩy chính quyền làm tốt hơn công việc của mình cho sự phát triển.

Trong xã hội hiện đại, nghề nào cũng chịu áp lực, nghề báo chịu áp lực nhiều hơn bởi sản phẩm phải đảm bảo chất lượng và mang tính thời sự. Để có sản phẩm báo chí hay, đúng và nhanh, người làm nghề báo không chỉ có kiến thức, tầm nhìn, giỏi nghiệp vụ, mà phải có cái tâm trong sáng, biết vì lợi ích đất nước, nhân dân. Đạo đức người làm báo không chỉ giới hạn về phẩm chất, lối sống cá nhân, mối quan hệ với đồng nghiệp, con người trong phạm vi hẹp, mà được xem xét trong mối liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam chiều ngày 19-6-2019 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Dù viết khen hay chê thì cũng phải vì cộng đồng, vì đất nước, không được để xói mòn niềm tin xã hội. Báo chí cần đi đầu trong những vấn đề mới của đất nước, khơi gợi khát vọng dân tộc thịnh vượng, hùng cường trong thời kỳ mới.

Người trẻ làm báo ngày nay có nhiều thế mạnh. Đó là đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Nhiều nhà báo trẻ giỏi ngoại ngữ, thành thạo công nghệ thông tin… Điều kiện làm việc, tác nghiệp, phương tiện hành nghề ngày càng khá hơn so với trước.

Mặt hạn chế là chưa đủ thời gian trải nghiệm xã hội, thiếu vốn sống, thiếu thực tiễn. Việc xử lý, sàng lọc thông tin nhiều chiều, trên mạng xã hội và trong thực tế có khi gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng, chiều sâu của bài viết. Đó là chưa kể đến “bệnh hành chính”, xu hướng “thương mại hóa” báo chí cũng đã ảnh hưởng đến nghề báo, đến cách hành nghề của phóng viên. Phóng viên nhiều khi chỉ đến dự hội nghị, hội thảo, lễ lạt, sao chép tài liệu, ít đi thực tế, thực hiện phỏng vấn qua điện thoại… Mặc dù được lưu ý nhiều nhưng trên mặt báo vẫn còn nhiều những tin bài kiểu giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục, nặng phản ánh tiêu cực, nhẹ việc nêu gương tốt, gây tâm lý băn khoăn, lo lắng.
Một trong những vấn đề đáng lo hiện nay mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đề cập là không ít cơ quan báo chí chưa phát huy được lợi thế của mình trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin, có trường hợp để mạng xã hội chi phối hay chạy theo thông tin mạng xã hội. Cũng như có tình trạng “hai mặt” trong một số người làm báo, khi cùng một vấn đề nhưng viết báo thì thể hiện nội dung định hướng, song khi viết trên mạng xã hội thì ngược lại.

Để khắc phục hạn chế, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới, nhà báo trẻ cần nâng cao kiến thức mọi mặt, nhất là kiến thức chính trị, luật pháp, sâu sát thực tiễn để phát hiện vấn đề của cuộc sống, con người, không ngừng rèn luyện về nghiệp vụ để viết những tin bài chất lượng, không chỉ là báo chí phản ánh mà còn đề xuất kiến nghị tâm huyết, theo hướng báo chí giải pháp. Làm báo với thái độ cẩn trọng, chịu trách nhiệm với xã hội từng chữ, từng câu, từng tin bài… sẽ đưa đến công chúng sản phẩm báo chí có độ tin cậy cao, có ích cho con người, tạo thêm niềm tin cho người dân, thúc đẩy công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xã hội luôn trân trọng và tìm kiếm những bài viết sắc sảo, có sự phân tích nhạy bén mà người cầm bút có tầm nhìn, sự trung thực, thái độ công tâm, khách quan, cả ý tưởng, ước vọng và tấm lòng cao đẹp của chính người cầm bút. Trong đó, viết nhân tố mới, tấm gương đẹp cần có sự chăm chút hơn, công phu hơn, đồng cảm hơn như lời khuyên của Antonov: Muốn độc giả yêu nhân vật một lần thì người viết phải yêu tới 5 lần.

Báo chí phải là dòng chảy đầy sinh khí cuộc sống của nhân dân, cần phản ánh nhiều hơn nữa cái mới, cái thật, cái đúng, cái đẹp của dòng chảy ấy. Điều đó tùy thuộc rất lớn vào tâm, tầm của người làm báo. Gắn bó với cuộc sống và những đòi hỏi chính đáng của nhân dân, ngòi bút của nhà báo sẽ thêm cứng cỏi, người làm báo sẽ có bước trưởng thành nhanh hơn và toàn diện hơn.

Yêu cầu đặt ra cho nhà báo khá toàn diện, từ kiến thức đến khả năng làm nghề và đạo đức lý tưởng nghề nghiệp… Có lẽ không ai sinh ra đã là một nhà báo, muốn thành nhà báo phải học, phải rèn cả đời.

Tin cùng chuyên mục