Những nghệ sĩ cách mạng đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam

Sách Họa sĩ khóa kháng chiến (tác giả Đào Mai Trang, Nhà Xuất bản Mỹ thuật ấn hành) dù vẫn còn vài thiếu sót, song đây vẫn là cuốn sách cần đọc, nhất là đối với những ai quan tâm đến mỹ thuật Việt. 
Quyển sách đã đề cập đến khóa mỹ thuật trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp năm 1950 do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký thành lập với tên gọi Trường Cao đẳng Mỹ thuật trung ương. Trường do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, gồm 22 học viên mới tuyển trong 2 kỳ thi cùng một số sinh viên cũ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương về làm bài tốt nghiệp hoặc học tiếp chương trình. 
Những nghệ sĩ cách mạng đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam ảnh 1
Thực ra khóa đầu của Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam được mở sau Cách mạng Tháng Tám nhưng chưa học được bao lâu thì toàn quốc kháng chiến, do vậy khóa mỹ thuật kháng chiến được coi như khóa đầu của Trường Mỹ thuật Việt Nam. Sau đó, từ cao đẳng lại chuyển sang Trường Mỹ thuật trung cấp. Trường Âm nhạc bị giải tán, Trường Mỹ thuật cũng trong tình trạng cần phải giải thể, khó tiếp tục duy trì do kinh phí nhà nước quá khó khăn. Để trường tồn tại, vợ ông Tô Ngọc Vân, bà Nguyễn Thị Hoàn, đã phải vét bán vàng tích trữ của gia đình để nuôi trường và nuôi sinh viên. 
Phát biểu với sinh viên trong ngày nhập học, hiệu trưởng Tô Ngọc Vân trả lời cho định đề chính ông đưa ra “học vẽ để làm gì”? Ông nói: “Có vay thì có trả. Nhận của nhân dân cơm áo, chúng ta trả lại nhân dân bằng hội họa. Bằng cách đem hội họa phụng sự nhân dân, làm đẹp cuộc đời của nhân dân, hướng dẫn để nâng cao trình độ thưởng thức hội họa của nhân dân. Đứng trên lập trường ấy, chúng ta ghi câu khẩu hiệu - Hội họa là một công tác/người vẽ là một cán bộ”.
Không phải vay mượn hay hình thức thuần túy, quan điểm của Tô Ngọc Vân được gây dựng từ chính những trải nghiệm của ông về sức mạnh của nhân dân khi tham gia kháng chiến: cảnh người dân bị giết chóc, cướp phá, hãm hiếp, đồng thời ông cũng chứng kiến sức sống mãnh liệt của họ đã cống hiến cho cuộc kháng chiến giành lại độc lập dân tộc. Quan điểm ấy rõ ràng đã xác định, mỹ thuật phải vững vàng trên 3 khía cạnh: phục vụ, giải trí và giáo dục thẩm mỹ cho nhân dân. 
Hoàn cảnh nghèo khó của kháng chiến, trường không có cơ sở vật chất riêng và tập trung như ngôi trường đúng nghĩa, mà có tính di động rất đặc biệt. Giảng viên, học sinh chia thành nhóm đi thực tế sáng tác rất nhiều, từ lao động sản xuất đến thực tế chiến đấu của quân dân. Giảng viên và học sinh khi thì về ở nhà dân, khi thì sơ tán, tất cả luôn trong tâm thế sẵn sàng di chuyển…
Thế nhưng, tất cả những khó khăn của ngoại cảnh không làm lay chuyển mong muốn kiên định và bản lĩnh nghệ sĩ của Tô Ngọc Vân, phải đào tạo được một số họa sĩ có tài, có bản lĩnh. Trên nền tảng kiến thức và nhận thức chắc chắn về nghề nghiệp cũng như phong cách, tất cả sinh viên của khóa học đều xác định rõ nhiệm vụ cách mạng trước mắt và nuôi dưỡng giấc mơ sáng tạo của người nghệ sĩ. 
Cùng với lớp họa sĩ, nghệ sĩ được đào tạo từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tham gia hoạt động cách mạng và kháng chiến cứu quốc, các họa sĩ khóa Kháng chiến thực sự là thành viên trong đội ngũ nghệ sĩ lần đầu tiên đưa nghệ thuật mỹ thuật phổ cập rộng rãi đến quần chúng nhân dân, nâng thẩm mỹ xã hội lên một tầng mới.
Một đóng góp to lớn nữa, họ cũng là thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của đất nước gây dựng được ý thức về vai trò của nghệ thuật trong cách mạng, ý nghĩa cách mạng và tinh thần phản kháng của nghệ thuật. Từ đây, nghệ thuật không chỉ là một phương cách để phản ánh tâm tư cá nhân, cứu cánh tinh thần cá nhân mà còn truyền tải một cách sống động và mạnh mẽ những tư tưởng và quan điểm cách mạng, những tiếng nói xã hội đến với tất cả mọi người. 
Những họa sĩ được đề cập trong tác phẩm, mỗi người một vẻ, đã làm nên diện mạo muôn sắc màu của Mỹ thuật Việt Nam Khóa kháng chiến. Nhiều người trong số họ đã ra đi, nhưng tác phẩm, tên tuổi và những đóng góp của họ với nền mỹ thuật Việt vẫn sống mãi… 

Tin cùng chuyên mục