Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa? - Bài 4: Hệ lụy ô nhiễm môi trường

Vùng ĐBSCL hiện có 20 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 3.645ha. Tuy nhiên đến nay, số KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung đưa vào hoạt động đếm trên đầu ngón tay. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa? - Bài 4: Hệ lụy ô nhiễm môi trường

Vùng ĐBSCL hiện có 20 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 3.645ha. Tuy nhiên đến nay, số KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung đưa vào hoạt động đếm trên đầu ngón tay. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

  • Thiếu tập trung... xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung

TP Cần Thơ hiện có 8 KCN tập trung với tổng diện tích 2.364ha, nằm cặp sông Hậu. Trong số này có 5 KCN sau nhiều năm hoạt động nhưng chỉ có KCN Thốt Nốt vừa được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, công suất giai đoạn 1 là 2.500m³/ngày đêm, giữa năm 2012 mới đi vào hoạt động. Đặc biệt, KCN Trà Nóc 1 và 2 quy mô gần 300ha cơ bản lấp đầy, sau 15 năm hoạt động vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Dù hơn 3 năm qua, TP Cần Thơ đã xúc tiến việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhưng vẫn còn trên giấy.

Theo đánh giá của Sở TN-MT TP Cần Thơ, chất lượng nguồn nước mặt trên sông Hậu bị ô nhiễm các chất hữu cơ vượt quy chuẩn cho phép và có chiều hướng gia tăng. Riêng chất lượng nước ở 12 kênh rạch trên địa bàn TP Cần Thơ bị ô nhiễm chất hữu cơ và Coliform đều vượt quy chuẩn cho phép hàng chục lần, có nơi hàm lượng Coliform vượt 181 lần, chủ yếu do nước thải của các doanh nghiệp ở KCN chưa đạt chuẩn thải ra sông rạch gây nên…

Vì không có nhà máy xử lý tập trung, nên sau khi xử lý bước 1 tại các doanh nghiệp trong KCN Trà Nóc, nước thải được xả thẳng ra môi trường.

Vì không có nhà máy xử lý tập trung, nên sau khi xử lý bước 1 tại các doanh nghiệp trong KCN Trà Nóc, nước thải được xả thẳng ra môi trường.

Trưởng ban quản lý KCN-KCX Cần Thơ Võ Thanh Hùng thừa nhận: Hiện có 34 doanh nghiệp ở KCN Trà Nóc 1 và 2, 6 doanh nghiệp ở KCN Thốt Nốt phát sinh nước thải. Qua kiểm tra 26 doanh nghiệp, chỉ có 11 doanh nghiệp xử lý nước thải tại chỗ đạt quy chuẩn loại B. Nước thải của 15 đơn vị còn lại có chỉ số môi trường vượt quy định. Đặc biệt, 3 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là nhiều năm qua nước thải của các doanh nghiệp qua xử lý đạt hay chưa đạt đều thải thẳng ra sông, rạch do các KCN chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân.

Báo cáo với đoàn giám sát về môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND TP Cần Thơ nhìn nhận: Nước thải từ KCN Trà Nóc 1 và 2 không được xử lý triệt để đang gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt, sức khỏe của cư dân lân cận và trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp cho cư dân TP Cần Thơ. Với tỷ lệ diện tích lấp đầy, hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, nguy cơ nguồn nước ở thượng nguồn sông Hậu của TP Cần Thơ ô nhiễm trầm trọng là không thể tránh khỏi nếu không kịp thời xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho KCN Trà Nóc 1 và 2.

Lãnh đạo Ban quản lý KCN-KCX Cần Thơ từng khẳng định: Mặt bằng đã chuẩn bị xong, trong quý 4-2011 sẽ khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho KCN Trà Nóc 1 và 2 công suất 12.000m³/ngày đêm với vốn đầu tư 200 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

  • Thủy điện lấn... nông nghiệp

Khác với các địa phương khác, tại Quảng Nam, đất nông nghiệp vốn đã rất ít ỏi ngày càng bị thu hẹp không chỉ bởi phát triển các KCN mà còn bởi hệ thống mạng lưới thủy điện được xây dựng dày đặc.

Đứng nhìn 3 sào ruộng của mình chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, ông Hồ Văn Hợp (thôn 5, xã Trà Bui, Bắc Trà My) chậc lưỡi: “Hồi cái thủy điện ni chưa tích nước, mỗi vụ tôi thu về gần 500kg lúa khô. Nhờ vậy, chẳng bao giờ sợ thiếu ăn. Còn chừ, mất đất coi như chiếc cần câu cơm đã gãy rồi, lo quá!”.

Ông Hợp có 4 sào đất lúa, thủy điện Sông Tranh 2 thi công đã thu hồi 2/3 diện tích này. Con đông, lại đang tuổi ăn học nên số tiền bồi thường cho ông cách đây mấy năm cứ thế vơi dần.

Theo ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, để phục vụ cho việc xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, năm 2006 Nhà nước thu hồi 60ha đất canh tác lúa nước của hàng trăm hộ dân xã Trà Bui, Trà Giác, Trà Đốc. Ông Phong nói: “Đất sản xuất mất đi, việc cải tạo lại chừng đó diện tích là chuyện không đơn giản. Gần đây, địa phương có chủ trương hỗ trợ 7 - 15 triệu đồng/ha cho nông dân đầu tư khai hoang lúa nước nhưng tiến độ diễn ra hết sức chậm chạp. Bởi ở đây địa hình phần lớn là đồi núi, bị chia cắt nhỏ”.

Khi dự án thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng, có đến 1.200 hộ dân với gần 7.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Công trình này đã làm ngập xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác và Trà Tân với số hộ trong vùng ảnh hưởng lên đến 1.196 hộ/6.329 nhân khẩu. Trong đó, số hộ phải di dời đến nơi ở mới là 834 hộ/4.369 nhân khẩu. Để nhường đất cho dự án thủy điện, hàng ngàn người dân không chỉ phải bỏ nhà cửa, vườn tược mà còn đau xót nhìn hàng ngàn hécta ruộng lúa nước khai hoang khổ cực trong hàng chục năm trời bị chìm sâu dưới 730 triệu m³ nước của hồ thủy điện Sông Tranh 2.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, trong 5 năm, từ 2006 đến 2010, bình quân tỷ lệ mất đất nông nghiệp hàng năm của tỉnh là 0,77% so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong khi mức mất đất nông nghiệp bình quân chung cả nước ở mức 0,4%/năm.

Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, đất sản xuất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng trên 8.000ha, trong đó lúa nước chiếm 2.511ha. Đây là con số rất lớn và ở mức “báo động đỏ” so với một địa phương vốn đất nông nghiệp còn eo hẹp như Quảng Nam. 

Trước tiên cần nhìn lại những kỳ tích ngành nông nghiệp Việt Nam đã tạo dựng. Tổng sản lượng gạo xuất khẩu trên thế giới năm 2010 đạt 30 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam đóng góp 7 triệu tấn, Thái Lan 8 triệu tấn, chiếm 50% thị trường gạo của toàn cầu. Thật sự, đây là con số áp đảo trong cuộc chiến giành thị phần lúa gạo. Không ít người đặt câu hỏi: Tại sao Thái Lan có 10 triệu ha đất trồng lúa nhưng chỉ đạt sản lượng 30 triệu tấn, Việt Nam với gần 4 triệu ha sản lượng vượt 40 triệu tấn (tất nhiên không thể so sánh về giá trị với Thái Lan)!

Các chuyên gia lúa gạo nhận định: Việt Nam đã làm đúng những gì mà tổ tiên tổng kết: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Kể từ năm 1975 đến 1995, diện tích lúa có nước tưới ở Việt Nam tăng gấp 3,7 lần, tốc độ tăng cao nhất ở Đông Nam Á trong cùng thời kỳ. Hiện nay, diện tích được tưới chiếm 85% diện tích canh tác lúa, 1,71 triệu ha được tiêu nước chủ động.

NHÓM PV

Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa?

- Bài 1: Đã mất bao nhiêu bờ xôi ruộng mật?

- Bài 2: Nỗi niềm nông dân mất đất

- Bài 3: Khi làng hóa phố

Tin cùng chuyên mục