Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Bài 5: Đột phá nông nghiệp công nghệ cao

Cùng với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều năm qua, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa tại Đà Lạt đã tạo bước phát triển đột phá về năng suất và chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Rau, hoa Đà Lạt không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn vươn ra thị trường thế giới.
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Bài 5: Đột phá nông nghiệp công nghệ cao

Cùng với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều năm qua, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa tại Đà Lạt đã tạo bước phát triển đột phá về năng suất và chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Rau, hoa Đà Lạt không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn vươn ra thị trường thế giới.

  • Nông trại “bạc tỷ”

Từ hàng chục năm trước, Đà Lạt đã khẳng định được vị thế là vùng chuyên canh rau, hoa lớn nhất nước. Nhưng có lẽ dấu mốc quan trọng nhất, đánh dấu bước ngoặt của ngành sản xuất rau, hoa tại Đà Lạt, Lâm Đồng là vào năm 1994, khi Công ty TNHH Dalat Agrivina (Dalat Hasfarm) đến Đà Lạt đầu tư trồng hoa theo công nghệ cao để xuất khẩu. Khởi đầu với 2,5ha nhà kính, đến nay, Dalat Hasfarm đã phát triển trang trại 300ha, trong đó có 70ha nhà kính.

Tại trang trại hoa của công ty ở đường Nguyên Tử Lực, những lô nhà trồng hoa được đầu tư đồng bộ với giàn nhà kính hiện đại, có hệ thống điều khiển đáp ứng các yêu cầu về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, các khâu bón phân, tưới nước cũng được cài đặt tự động hoàn toàn. Qua gần 20 năm phát triển, Dalat Hasfarm đã trở thành doanh nghiệp trồng hoa số 1 Đông Nam Á cả về diện tích và sản lượng. Hiện công ty trồng trên 300 giống hoa cắt cành và hoa chậu, sản lượng hoa năm 2011 đạt 90 triệu cành, trong đó 65% xuất khẩu.

Thu hoạch hoa cúc tại làng hoa Thái Phiên.

Thu hoạch hoa cúc tại làng hoa Thái Phiên.

Về phía địa phương Lâm Đồng, ngay từ năm 2004, tỉnh đã triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao, coi đây là một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh. Qua các mô hình công nghệ cao đối với cây chè, cây rau, cây hoa, dâu tây cho thấy năng suất, chất lượng sản phẩm đều cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống, sản phẩm an toàn được thị trường chấp nhận với giá cao, tăng doanh thu trên một đơn vị diện tích. Sau gần chục năm triển khai, những mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao đang tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Sự đầu tư bài bản và lộ trình phát triển của các công ty nước ngoài, mà nhất là Dalat Hasfarm, đã có tác động tích cực, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân Đà Lạt. Những lô nhà kính của Hasfarm và kỹ thuật nghiêm ngặt trong trồng và chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch được coi là những hình mẫu rất thực tế ngay trên đồng ruộng Đà Lạt, Lâm Đồng. Những công nhân đầu tiên của Dalat Hasfarm cũng chính là những nông dân Đà Lạt cần cù chịu khó và có kinh nghiệm trồng rau hoa, giờ họ có thêm kỹ thuật và ý thức chấp hành kỷ luật lao động. Từ mô hình thực tế và tạo điều kiện của địa phương, nông dân Đà Lạt mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất rau, hoa.

Ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, đồng thời là chủ trang trại hoa Langbian Farm là một trong những người tiên phong ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Từ hàng chục năm trước, trang trại của ông đã có kỹ sư sinh học làm việc, đã nhập giống hoa từ nước ngoài, lên mạng để giao dịch, bán hàng. Hiện trang trại của gia đình ông có đến 30ha trồng hoa (trong đó 7ha nhà kính), có phòng nuôi cấy mô và đội ngũ lao động 70 người, trong đó có 15 kỹ sư sinh học, nông học.

“Nếu như có một thời đồng bằng Bắc bộ phấn đấu những cánh đồng lúa 50 triệu đồng/ha thì ở Đà Lạt doanh thu từ trồng hoa đạt hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng, vì vốn đầu tư cho 1ha cũng từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Ở đây, hiệu quả thậm chí không tính trên hécta, trên sào mà tính bằng mét vuông”

Ông TRẦN HUY ĐƯỜNG, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt

Theo ông Đường, sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đang là hướng đi của nhiều nông dân Đà Lạt. Với cây rau, việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ làm tăng năng suất mà còn tạo được dòng sản phẩm sạch. Điển hình trong việc đi đầu sản xuất theo hướng này là hợp tác xã Xuân Hương.

Theo Chủ nhiệm hợp tác xã Trần Đức Quang, từ năm 1995, xã viên của hợp tác xã đã sản xuất rau theo chương trình kiểm soát dịch hại tổng hợp, rồi sản xuất theo hướng GAP để tạo sản phẩm rau sạch, giá trị cao. Hiện đơn vị đang sản xuất hàng chục loại rau (giống hoàn toàn nhập ngoại), doanh thu đạt 1 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Đặc biệt, sản phẩm xà lách đạt doanh thu 2,5 tỷ đồng/ha/năm.

Những nông trại đầu tư bài bản và cho doanh thu tiền tỷ trên mỗi hécta như vậy ở Đà Lạt không còn hiếm. Có thể điểm qua một số trang trại như trang trại rau an toàn Phong Thúy, Công ty TNHH liên doanh Organik Đà Lạt, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, vườn địa lan Anh Quỳnh, vườn lan Sang Còi…

  • Chinh phục thị trường

Nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng chính là con đường bền vững nhất cho sản phẩm rau, hoa Đà Lạt. Ở các công ty nước ngoài, vấn đề phát triển sản xuất luôn đi liền với những hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm, Dalat Hasfarm xuất khẩu hàng chục triệu cành hoa sang các thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia… Đúng thời gian, đúng số lượng và bảo đảm chất lượng và vì vậy không có hàng dư thừa, không có chuyện “được mùa mất giá” như vẫn thấy ở nhiều nơi. Một số doanh nghiệp khác như Công ty Bonnie farm, Công ty Rừng hoa Đà Lạt cũng đều có thị trường ổn định nhờ bảo đảm chất lượng và đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Xuất hiện chưa lâu nhưng Công ty TNHH Dalat GAP nổi lên như là một đơn vị tiêu biểu trong vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty Dalat GAP, một khi doanh nghiệp và nông dân làm chủ được công nghệ để làm ra sản phẩm chất lượng, hợp thị hiếu người tiêu dùng thì không phải lo chuyện đầu ra. Trường hợp Dalat GAP đó là sản phẩm cà chua ghép cho trái đủ độ cứng để xuất khẩu, ớt ngọt quả dài và hàng chục giống rau xà lách chất lượng cao.

Hiện mỗi năm, Dalat GAP sản xuất khoảng 350 tấn rau, quả; trong đó, 200 tấn ớt ngọt xuất khẩu sang Nhật Bản, còn lại tiêu thụ nội địa theo giá hợp đồng ổn định… Sản phẩm rau, quả sạch của các đơn vị khác tại Đà Lạt cũng tìm được thị trường khá ổn định thông qua các nhà phân phối uy tín như Co.opMart, Metro và xuất khẩu sang một số nước như Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Australia, các nước EU.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có gần 11.000ha canh tác ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 7.200ha rau, trên 2.500ha hoa. Việc ứng dụng công nghệ cao đem lại giá trị sản xuất cao hơn nhiều so với canh tác truyền thống, trong đó sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 400 triệu đồng/ha/năm (gấp 2 lần so với mức bình quân chung), hoa cao cấp đạt bình quân 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm (gấp 1,6 lần so bình quân chung). Toàn tỉnh có 7 đơn vị sản xuất ra được chứng nhận GlobalGAP, 10 tổ chức, cá nhân được chứng nhận VietGAP, 1 đơn vị sản xuất rau hữu cơ và 55 tổ chức, cá nhân sản xuất rau an toàn.

NAM VIÊN – BÌNH NGUYÊN

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững

- Bài 1: Nâng cao vị thế hạt gạo Việt Nam

- Bài 2: Cánh đồng mẫu lớn - Mô hình mới cần nhân rộng

- Bài 3: Liên kết 4 nhà - Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

- Bài 4: Đất đỏ sinh “hạt vàng”

Tin cùng chuyên mục