Gặp gỡ cuối tuần

NSƯT Như Quỳnh: “Vai diễn không phải là cuộc đời...”

NSƯT Như Quỳnh: “Vai diễn không phải là cuộc đời...”

Cặp mắt một mí, khi cười khiến cả gương mặt sáng bừng lên mà khi buồn thì sâu thẳm. Nét đằm thắm, duyên dáng ấy không hề phôi phai theo năm tháng. Khán giả nghĩ về chị là nghĩ về một gương mặt gắn liền với nền điện ảnh Việt Nam. Như Quỳnh như một cô lái đò cần mẫn trong dòng chảy chung ấy, thầm lặng nhưng đều đặn góp mặt bằng những vai diễn để lại nhiều xúc cảm đẹp trong lòng người xem…

NSƯT Như Quỳnh: “Vai diễn không phải là cuộc đời...” ảnh 1
Ảnh: HẠ CHINH

Thỉnh thoảng trên sóng truyền hình phát lại bộ phim “Đến hẹn lại lên”, một thế hệ khán giả Việt Nam lại ngơ ngẩn nhớ về vẻ đẹp thuần khiết của cô Nết – một Như Quỳnh ở tuổi mười tám, đôi mươi. Mới đó mà đã hơn hai chục năm, cô Nết ngày nào nay đã ở cái tuổi ngũ tuần.

Thay vào hình ảnh trẻ trung, tràn đầy sức sống của người thiếu nữ là hình ảnh của những bà mẹ với vẻ sâu lắng, với những chất chứa nội tâm – những thứ mà chỉ có sự trải nghiệm của cuộc sống mới có được.

Bộ phim Việt gần đây mà chị tham gia trong một vai thứ chính là “Chuyện của Pao”, vai mẹ già của chị đã làm xao động biết bao khán giả khi chạm tới ngõ ngách thầm kín trong tâm hồn của mỗi phụ nữ. Một người đàn bà nhẫn nhịn, chịu đựng, hy sinh gần cả cuộc đời cho chồng, cho con. Người phụ nữ đã sống như một chiếc bóng cho đến khi làm xong mọi bổn phận mới chịu bứt phá tìm hạnh phúc cho riêng mình…

Không chỉ phim trong nước, với lợi thế của một vóc dáng, gương mặt đậm nét Á Đông, diễn viên Như Quỳnh đã làm nên một bước ngoặt cho chính mình. Chị là một trong số ít những diễn viên được những đạo diễn nước ngoài chú ý mỗi khi đặt chân đến Việt Nam làm phim. Bộ phim nước ngoài đầu tiên mà chị tham gia là “Đông Dương” do đạo diễn Regine Wagnier thực hiện. Bộ phim đã đoạt giải Oscar.

Mặc dù chỉ xuất hiện trong ít phút nhưng dấn ấn về một gương mặt thuần Việt và nét diễn xuất đầy tính chuyên nghiệp đã khiến cho tên tuổi của Như Quỳnh trở thành bảo chứng của các đạo diễn ngoại. Chị liên tiếp được mời tham gia các phim “Bé Đa” (Hàn Quốc), “Ngọn tháp Hà Nội” (Đức), “Người thừa” (Pháp), “Xích lô” và “Mùa hè chiều thẳng đứng” (Việt kiều Pháp), “Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc Trung Hoa” (Trung Quốc)…

* Chị có lý giải được tại sao mình lại có sự may mắn đó?

* Tôi nghĩ nét Á Đông của tôi thì nhiều diễn viên khác cũng có, có lẽ tôi may mắn vì trông có vẻ hợp vai và lối diễn xuất của tôi hợp với sự mong đợi của những nhà làm phim đó.

* Nhưng nghe nói đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng dường như dành riêng cho chị một sự ưu ái đặc biệt?

* Tôi tham gia 2 bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng là “Xích lô” và “Mùa hè chiều thẳng đứng” và trong cả hai bộ phim ấy tôi đều được giao những vai diễn cá tính và có nhiều đất để diễn. Trong “Xích lô”, tôi vào vai một phụ nữ lạnh lùng, tàn nhẫn. Ẩn sâu bên trong con người của bà ta là một cuộc đời chìm nổi, bất hạnh. Đạo diễn đã yêu cầu tôi phải lột tả cho ra một nhân vật ác nhưng vẻ dữ dằn, bạo lực không lộ ra trên gương mặt…

Với “Mùa hè chiều thẳng đứng”, nhân vật cô chị cả của tôi lại là một người đàn bà khát khao hạnh phúc, một người có những ham muốn và muốn bứt phá… Trần Anh Hùng là một đạo diễn rất yêu Hà Nội, anh đặc biệt ưu ái những người phụ nữ Hà Nội. Cái cách anh làm phim, những góc máy và khuôn hình đã cho khán giả thấy điều đó. Có lẽ cái chất phụ nữ Hà Nội trong tôi đã khiến anh có cảm tình đặc biệt chăng?

* Làm phim với những đạo diễn nước ngoài chị nhận thấy có gì khác biệt?

* Điều tôi cảm thấy hài lòng nhất khi được làm phim với những đạo diễn nước ngoài đó là họ rất tôn trọng sự sáng tạo của diễn viên. Trong lúc làm phim, diễn viên có thể trao đổi cùng đạo diễn để tìm ra một cách lý giải tốt nhất cho nhân vật. Họ có thể quay đi quay lại 1 cảnh rất nhiều lần cho đến khi hài lòng mới thôi.

* Điện ảnh Việt Nam đang có những bước tiến, chị nghĩ gì về một thế hệ những nhà làm phim trẻ hiện nay?

* Ở tuổi tôi có lẽ làm phim với những đạo diễn trẻ không mấy phù hợp. Các bạn chưa quan tâm đến những nhân vật phụ nữ ở lứa tuổi 50. Thực sự mà nói, phải ở vào tuổi đó đời sống nội tâm của người phụ nữ mới có nhiều màu sắc. Tôi nghĩ viết và làm phim về những người phụ nữ ở lứa tuổi này sẽ rất thú vị. Tiếc là ở mảng này điện ảnh VN vẫn còn chưa khai thác hết.

* Còn diễn viên trẻ thì sao?

* Diễn viên trẻ hiện nay có rất nhiều cơ hội đến đến với điện ảnh. Tuy nhiên, phần đông các bạn lại tham gia bên lĩnh vực truyền hình. Chỉ khi nào đóng phim điện ảnh, bạn mới có thể trở thành một diễn viên chuyên nghiệp. Phim truyền hình thời gian thực hiện nhanh vì vậy nhân vật ít được chăm chút, cảm xúc của nhân vật cũng rất hạn chế, diễn viên nhiều khi không thuộc thoại… Đóng quá nhiều phim truyền hình, diễn viên dễ mắc căn bệnh diễn hời hợt. Phim điện ảnh đòi hỏi sự chuẩn bị về vai diễn lâu hơn…

* Đóng nhiều loại nhân vật, nhất là những nhân vật phụ nữ đầy cá tính, khám phá những ngõ ngách trong tâm hồn của người phụ nữ, chị có bao giờ liên hệ tới bản thân?

* Người phụ nữ nào cũng thế, ẩn sâu bên trong là cả trời bão tố. Cũng có nhiều lúc tôi muốn chạy theo sự phiêu lưu, muốn được thay đổi, phá phách nhưng tôi luôn xác định đó chỉ là hư vô, là khoảnh khắc nhất thời. Chưa chắc đạt được nó đã là hạnh phúc, và chưa chắc sự thay đổi đó đã hơn những gì mà mình đang có. Người phụ nữ luôn bị lung lay giữa cái thực và sự lãng mạn. Nhưng với những người phụ nữ Việt Nam thì gia đình luôn là nền tảng và hạnh phúc gia đình là thứ không dễ gì đánh đổi. Vai diễn chỉ là vai diễn còn cuộc đời thực hoàn toàn khác hẳn… 

Hà Giang

Tin cùng chuyên mục