Ông già xe ôm


Xuống xe bus, người đàn ông chắc hơn 70 tuổi chạy bộ lúp xúp theo tôi: Chú! Chú đi xe không? Thấy bộ dạng ông ta hom hem, hơi tội nghiệp nên tôi dừng lại. Đi đến chỗ A, ông lấy bao nhiêu tiền? Chú cho tôi năm chục ngàn!
Ông già xe ôm
 Một thoáng ngần ngừ vì bình thường đi Grab chỉ có hai chục ngàn đồng. Thấy tôi ngần ngừ, ông ta vội nói: Chú đi giúp tôi, kiếm dĩa cơm, sáng giờ chưa ăn gì cả! 
Tặc lưỡi, thôi đi cho ông già, kể như làm phước! Sau khi thấy tôi gật đầu, ông già quay lại lấy xe. Ông đã già, cái xe còn muốn già hơn ông. Tôi có cảm giác ngồi lên cái xe như ngồi trên cái gì lung lay sắp gãy. Đã vậy mắt ông kém, chạy xe rề rà, thiếu điều tôi muốn bảo ông ra ngồi phía sau để tôi lái xe cho yên tâm. 
Chạy được một đoạn, ông mới hỏi tôi ở nhà đoạn nào. Ông tỏ ra rất rành khu vực tôi mới về ở. Hỏi ông nhà ở chỗ nào sao rành vậy? Tự dưng ông im lặng không nói gì. Đến gần khu nhà tôi ở, bỗng nhiên ông dừng ở xa và nói tôi thông cảm đi bộ một đoạn. Đưa tiền cho ông già, tôi chẳng hiểu lý do gì ông tỏ thái độ kỳ lạ vậy.
Một người hàng xóm chạy ngang thấy tôi đi bộ liền chở đi một đoạn. Người chở giúp hỏi: Anh mới đi xe ôm về hả? Mà anh dám leo lên xe cho ổng chở kể cũng gan! 
- Thấy ông ấy năn nỉ quá, vả lại thấy tội nghiệp nên đi giúp ông đấy mà!
- Bây giờ thấy ông ấy tội nghiệp, chứ trước đây, cỡ anh em mình, ông ấy không thèm ngó!
Sẵn đà, người hàng xóm kể cho nghe chuyện ông Bảy xe ôm. Hồi đó ông cũng ở xóm này. Mới đầu vợ chồng cũng làm nông. Nhờ có đất nhiều, siêng lao động nên cuộc sống ông bà cũng khá. Sốt đất đô thị, ông bán miếng đất ở mặt tiền đường được một số tiền lớn. Kể từ dạo đó, ông coi hàng xóm bằng nửa con mắt. Sẵn tiền trong tay, sáng ông ăn sáng ở những quán sang trọng, chiều nhậu ở nhà hàng, tối cặp kè với gái bia ôm. Vợ con ông ở nhà can ngăn, ông càng làm tới, đánh vợ, chửi con. Chịu không nổi, vợ ông đưa đơn ly dị. 
Quả thật, sau khi ly hôn, chia đôi tài sản, ông đâm đầu vào ăn chơi, bao hẳn một cô gái bán bia ôm trẻ hơn cả con ông. Ông mua nhà riêng sống chung bồ nhí và hỉ hả, chê cười đám trai trẻ ăn chơi thua ông già 70 tuổi. 
Một thời gian sau, tiền hết vì cả ông và bồ nhí đều phá. Bán căn nhà to, mua căn nhà nhỏ, rồi bán căn nhà nhỏ mua nhà nhỏ hơn… Cuối cùng, ăn chơi đến núi cũng lở, tiền kho cũng hết. Chỉ mới vài năm, ông trở nên lam lũ như xưa, không việc làm, ông phải chạy xe ôm; còn cô vợ nhỏ quay lại nghề cũ, bán bia ôm. Hai người bây giờ không còn căn nhà nào nữa, đành sống ở phòng trọ. Tiền ai nấy xài, cơm ai nấy ăn. 
Cám cảnh cha già bệnh tật, sống nghèo khổ, mấy đứa con cũng dấm dúi cho ông chút đỉnh tiền, nhưng chẳng đứa nào rước ông về nuôi những ngày tháng cuối của cuộc đời. Âu cũng là quả báo cho ông, khi có tiền thì gái gú, bỏ mặc vợ con, già, bệnh tật muốn quay về, con nào nhìn. 
Nghe kể chuyện, nghĩ đến chuyện ít bữa nữa, ông già yếu không chạy xe nổi, chắc cô vợ nhỏ đuổi ông ra khỏi nhà trọ, còn cô ta lại cặp với người đàn ông khác. Người hàng xóm còn nói: Mai mốt anh coi, thế nào cô vợ nhỏ cũng bỏ ông Bảy. Lúc đó không biết bà Bảy có mở lòng để ông ta trở về không nữa. Lúc có tiền thì không biết giữ, sống phóng túng, quên tình nghĩa vợ chồng, cha con… rồi mai mốt cũng ăn năn, hối lỗi nhưng muộn rồi anh à! 

Tin cùng chuyên mục