Kết quả thanh tra ngành hải quan: Nợ đọng và sai phạm hơn 6.500 tỷ đồng

Lập kỷ lục về... sai phạm

Tại cuộc họp báo chiều 28-5, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết, mới đây cơ quan này đã báo cáo Thủ tướng về những sai phạm phát hiện được và biện pháp xử lý, chấn chỉnh sau khi kết thúc thanh tra tại ngành hải quan. Theo thông tin ban đầu, tổng số nợ đọng thuế và sai phạm về kinh tế tại ngành hải quan lên tới hơn 6.500 tỷ đồng.

Lập kỷ lục về... sai phạm

Với số tiền sai phạm hơn 1.700 tỷ đồng cùng với hàng không, ngân hàng, bưu chính - viễn thông… ngành hải quan đã đi vào “lịch sử” của ngành thanh tra khi đây là lĩnh vực có sai phạm rất lớn. Số tiền sai phạm nói trên được phát hiện qua ba cuộc thanh tra tại Cục Hải quan Hà Nội, Cục Hải quan TPHCM và Tổng cục Hải quan do Thanh tra Chính phủ tiến hành.

Tính đến giữa năm 2007, số nợ thuế quá hạn, nợ thuế diện cưỡng chế của ngành hải quan lên tới hơn 4.800 tỷ đồng. Trong số này, thuế nợ chuyên thu chiếm hơn 2.600 tỷ đồng, nợ chờ… được xóa cũng lên tới hơn nửa ngàn tỷ đồng. Điều đáng quan ngại là nợ lớn như vậy nhưng ngành hải quan đã chậm giải quyết, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước. Số liệu nợ thuế cập nhật không kịp thời, phản ánh thiếu chính xác. Thậm chí, Cục Hải quan Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu để thất lạc hồ sơ và tờ khai hải quan nhưng Tổng cục Hải quan không có biện pháp xử lý kịp thời!

Dù đã quy định rõ trong Luật và có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng nhưng Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan vẫn hướng dẫn, cho phép làm thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp diện bị cưỡng chế, không được làm thủ tục hải quan, là tăng số nợ quá hạn. Đây là những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu hoặc gia công cho nước ngoài. Điều đó đã khiến có 42 doanh nghiệp nợ thuế tạm thu quá hạn gần 490 tỷ đồng.

Có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Kết thúc thanh tra Cục Hải quan Hà Nội và TPHCM, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, qua giám định ban đầu có gần 400 mẫu xuất xứ hàng hóa (C/O, mẫu E do Trung Quốc cấp) là giả. Theo chứng chỉ này, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ được miễn, giảm thuế nhập khẩu. Kết quả thanh tra Tổng cục Hải quan mới đây cho thấy, từ đầu năm 2006 đến cuối tháng 10-2007, tại 20 Cục Hải quan đã có hơn 17.600 C/O, mẫu E với tổng giá trị tính thuế gần 300 triệu USD. Qua đó, Cục Hải quan đã hoàn thuế cho các đơn vị nhập khẩu của C/O mẫu E 61,5 tỷ đồng. Khả năng các C/O, mẫu E nói trên bị làm giả là rất cao, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sai phạm liên quan đến nội dung này sang Cơ quan điều tra tra Bộ Công an để làm rõ. 

Thất thu nửa ngàn tỷ đồng vì quản lý kiểu... thủ công!

Kết quả thanh tra cũng cho thấy, cách quản lý, áp mã thuế kiểu thủ công của Tổng cục Hải quan đã gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng. Theo văn bản quy định của Bộ Tài chính và Tổ chức Hải quan thế giới thì mặt hàng “vỏ tút, vỏ bao” thuốc lá nhập khẩu có thuế suất 30%. Tuy nhiên, khi thực hiện, Bộ Tài chính lại chỉ đạo áp mực thuế suất 10%. Việc làm sai trái này, theo Thanh tra Chính phủ đã gây thất thu cho ngân sách hơn 290 tỷ đồng. Tương tự, việp áp mã thuế từ mã có thuế suất 30% xuống 0% (do thứ trưởng  Bộ Tài chính Trương Chí Trung phê chuẩn theo đề nghị của Vụ chính sách thuế) đã làm giảm thu ngân sách nhà nước hơn 80 tỷ đồng. Tổng cộng, số tiền bị thiệt hại do chỉ đạo, hướng dẫn áp mã thuế, phân loại hàng hóa sai quy định đã gây thiệt hại hơn 530 tỷ đồng. 

Như vậy, tổng số tiền sai phạm, thất thoát qua thanh tra ngành hải quan lên tới hơn 1.700 tỷ đồng, trong đó có khoản thuế đã thu hơn 640 tỷ đồng nhưng các Cục hải quan đã tự ý giữ lại, chưa nộp ngân sách! Trước hàng loạt sai phạm trên, ngoài xử lý về tài chính, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm, xử lý trách nhiệm lãnh đạo Bộ Tài chính,  Tổng cục Hải quan cùng các tập thể, cá nhân khác có liên quan.

Nam Quốc

Chuyển hồ sơ sai phạm trong xuất khẩu than
tại Quảng Ninh sang cơ quan điều tra

Tại cuộc họp báo chiều 28-5, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản cho biết, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra tại Cục Hải quan Quảng Ninh liên quan đến hoạt động xuất khẩu than. Qua đó, phát hiện có ba lỗi: thứ nhất, thủ tục xuất khẩu than không đúng quy định, đặc biệt là việc giải quyết cho xuất khẩu lượng than lớn không chứng minh được nguồn gốc; thứ hai, giá bán than xuất khẩu do doanh nghiệp khai thấp hơn thực tế, thậm chí doanh nghiệp không đưa chi phí vận chuyển vào giá thành; thứ ba, để xảy ra sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Quảng Ninh và 4 doanh nghiệp xuất khẩu than. Trong khi đó, Quyền vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, việc Hải quan cho xuất khẩu hơn 2,6 triệu tấn than tận thu trong thời gian ngắn với giá thành thấp, nguồn gốc không rõ ràng là dấu hiệu bất thường. Chính vì vậy, toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến những dấu hiệu không bình thường nói trên cũng như vấn đề thuế than xuất khẩu đã được chuyển sang cơ quan điều tra Bộ Công an đã làm rõ.

Tin cùng chuyên mục