Ông Thích Quảng Độ đã lấy oán báo ân như thế nào?

Ông Thích Quảng Độ đã lấy oán báo ân như thế nào?

Những ngày qua, dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt là đông đảo giới tăng ni, phật tử liên tiếp có ý kiến phản đối lời nói và việc làm của ông Thích Quảng Độ khi kêu gọi mọi người “bất tuân dân sự, biểu tình tại nhà suốt tháng kể từ ngày Quốc tế Lao động 1-5…”. Nhiều người tự hỏi, ông Thích Quảng Độ là ai và đại diện cho tổ chức nào khi ra lời kêu gọi mang tính kích động, gây mất ổn định xã hội trong mùa Phật đản Phật lịch 2553?

Ông ta tên thật là Đặng Thúc Tuệ, sinh năm 1927 tại Thái Bình. Với pháp danh Thích Quảng Độ, ngay từ những ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Thích Quảng Độ đã ký “Thông tư số 002” nhằm mục đích “hiệu triệu tăng ni chống lại chính quyền cách mạng” dù cho trước đó, máu của phật tử đã đổ xuống rất nhiều cho nền độc lập của dân tộc. Phật tử Việt Nam chưa ai quên hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức vị quốc thiêu thân.

Ông Thích Quảng Độ lại tiếp tục gây mất ổn định xã hội .
Ông Thích Quảng Độ lại tiếp tục gây mất ổn định xã hội .

Và cũng chưa ai quên những hành động của ông Thích Quảng Độ, cùng những lời “hối hận” trong đơn viết tay của ông: “Chính bản thân tôi mỗi khi nghĩ lại cũng phải hoảng sợ và ân hận. Tôi không thể tưởng tượng trong một trạng thái ý thức bình thường và tỉnh táo, tôi lại có thể dùng những lời lẽ như thế được… Tuy nhiên, với truyền thống nhân ái của dân tộc và chính sách khoan hồng độ lượng của cách mạng đối với người có tội mà đã biết ăn năn hối cải, tôi thành khẩn xin chính quyền cách mạng lượng xét để tôi còn có cơ hội hối cải, học tập và rèn luyện hầu trở thành người công dân xứng đáng của nước CHXHCN Việt Nam. Ký tên. Ngày 21-7-1977”.

Như thế, những tưởng ông Thích Quảng Độ đã hướng thiện, vậy mà năm 1993, nhân danh cái gọi là Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (GHPGVNTN), ông ta đã công khai chống lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), tổ chức duy nhất của Phật giáo Việt Nam. Năm 1994, ông Thích Quảng Độ tiếp tục kích động một số người căng băng rôn khẩu hiệu mang danh GHPGVNTN để vi phạm pháp luật. Ông ta đã bị tuyên phạt 5 năm tù giam.

Trong thời gian này, ông Thích Quảng Độ lại tiếp tục “hối hận” bằng một lời cam kết: “Tôi xin cam kết vĩnh viễn chấm dứt mọi hành động vi phạm pháp luật. Nếu sau này không giữ đúng lời cam kết trên đây thì tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi sẽ tìm một nơi yên tĩnh xa thành phố để dành hết thời giờ và năng lực để hoàn thành bộ “Phật quang đại từ điển” mà tôi đang làm dang dở… Đó là nguyện vọng tha thiết nhất trong cuối cuộc đời tu hành của tôi”. Nhận thấy sự ăn năn của ông Thích Quảng Độ, dịp Quốc khánh 2-9-1998, nhà nước Việt Nam đã đặc xá cho ông ta.

Ngay trong ngày vui đặc xá, Thích Quảng Độ viết: “Trong thời gian ở trại, tôi được đối xử thật tử tế và được cấp dưỡng 10.000 đồng một ngày; ốm đau được phát thuốc đầy đủ và tiền gia đình gửi vào được nhận đầy đủ. Sau khi ra trại, tôi còn nhận lại tiền lưu ký chín triệu một trăm linh một nghìn đồng”.

Trở về với cuộc sống tu hành chưa được bao lâu, ông Thích Quảng Độ lại bắt đầu móc nối các tổ chức cực đoan lưu vong ở hải ngoại để dùng “oán trả ơn” bằng cách thông tin vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, không cho tự do tôn giáo và tổ chức nhân sự cho cái gọi là Đại hội GHPGVNTN và ông ta… giữ luôn chức vụ “Viện trưởng Viện Hóa đạo”. Và cứ như thế, ảo tưởng về quyền lực chính trị trong tôn giáo, giấc mộng đi ngược lại nguyện vọng của hàng triệu phật tử chân chính đã khiến ông Thích Quảng Độ trở thành một người chuyên lấy oán báo ân, đi ngược lại giáo lý nhà Phật!

Và lần này, ông lại nhân danh người con Phật, khoác áo tu hành ra lời kêu gọi: “Bất tuân dân sự”, “Biểu tình tại gia”. Đạo lý làm người ở đâu khi cả thế giới đang tập trung mọi nguồn lực để chống suy thoái kinh tế đang tác động mạnh đến từng người, từng gia đình, thì ông lại kêu gọi: “Công nhân không đến xưởng, nông dân không ra đồng, tiểu thương không đến chợ…”.

Phải chăng, lời kêu gọi này của ông Thích Quảng Độ là muốn thêm nhiều gia đình phải lâm vào hoàn cảnh nghèo khó, túng quẫn; nền kinh tế đất nước đi xuống? Thêm nữa, ông Thích Quảng Độ kêu gọi: “Học sinh – sinh viên không đến trường”. Ông Thích Quảng Độ là ai và ông đang sống ở xã hội nào khi xúi giục trẻ em bỏ học, sinh viên rời giảng đường?...

Hành động của ông Thích Quảng Độ và những kẻ thân tín của ông trước thềm Đại lễ Phật đản Phật lịch 2553 càng làm cho dư luận xã hội thấy rõ được hoạt động chính trị chống phá đất nước dưới chiêu bản đòi phục hồi GHPGVNTN – một tổ chức tôn giáo đã không còn tồn tại gần 30 năm qua. Phải chăng, ông Thích Quảng Độ muốn lợi dụng tôn giáo để phá hoại mùa Phật đản Phật lịch 2553 và chia rẽ khối đoàn kết, hòa hợp của Phật giáo Việt Nam?

Cũng cần phải nói thêm, trong lời nói đầu của Hiến chương GHPGVN, ghi rõ: “GHPGVN là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và nước ngoài”. Với ý nghĩa đó, về mặt lịch sử cũng như pháp lý, GHPGVNTN không tồn tại theo nguyên nghĩa là một tổ chức tôn giáo độc lập. Như vậy, những ai mạo xưng là đại diện cho GHPGVNTN là trái pháp luật. Nghiêm trọng hơn, họ còn có hành vi trái đạo lý, vi phạm quyền con người và vi phạm giáo lý nhà Phật. Việc làm trên cần phải bị nghiêm trị.

MINH ĐỨC – MINH ANH

Tin cùng chuyên mục