Tạo thuận lợi tối đa việc khởi kiện các vụ án hành chính

Mở rộng thẩm quyền giải quyết của tòa án

Nhiều vấn đề then chốt, đã được UBTVQH thảo luận thẳng thắn tại phiên họp ngày 10-5 về dự án Luật Tố tụng hành chính.

Mở rộng thẩm quyền giải quyết của tòa án

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị các thành viên UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn: thẩm quyền giải quyết của tòa án; điều kiện khởi kiện vụ án hành chính; thời hiệu khởi kiện; quyết định của hội đồng xét xử sơ thẩm; thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính (có nên quy định thỏa thuận là bước bắt buộc hay không).

Liên quan đến thẩm quyền giải quyết của tòa án, đa số thành viên UB Tư pháp đồng tình với dự thảo luật, đề nghị quy định thẩm quyền của tòa án theo phương án loại trừ. Theo đó, tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính; trừ các quyết định, hành vi trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao (theo danh mục do Chính phủ quy định) và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước.

Trong khi đó, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành liệt kê cụ thể 22 loại việc khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên tán thành: “Các cơ quan hành chính của ta phải quán triệt phương châm tìm cách giải quyết đến cùng mọi việc liên quan đến dân, chứ không chỉ “làm hết theo quy định của pháp luật”. Có như vậy mới giải tỏa tối đa tình trạng oan sai, khiếu kiện vượt cấp, đông người. Và như vậy chọn phương án loại trừ là hợp lý”.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cũng đồng tình với quan điểm của UB Tư pháp nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức đưa vụ việc ra giải quyết tại Tòa hành chính. Theo đó, tổ chức, cá nhân không đồng ý với các quyết định, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính ngay mà không đặt ra yêu cầu trước đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

Về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính hiện vẫn còn 3 loại ý kiến khác nhau, song đa số ý kiến trong UBTVQH ủng hộ phương án như dự thảo luật. Theo đó, áp dụng thời hiệu khởi kiện khác nhau đối với các loại vụ việc và trường hợp khiếu kiện hành chính khác nhau.

Sẽ bao quát hết các dạng mệnh lệnh quản lý nhà nước

Một vấn đề tưởng như chỉ là chuyện câu chữ nhưng lại có thể gây ra vướng mắc lớn trong việc giải quyết nhiều vụ án hành chính, là khái niệm “quyết định hành chính” và “hành vi hành chính”. Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, quy định như dự thảo luật có thể làm cho tòa án không có cơ sở thụ lý một số vụ việc mà quyết định của cơ quan hành chính không được ban hành dưới hình thức “quyết định” mà ở dạng thông báo, kết luận, công văn...

Tương tự với khái niệm “hành vi hành chính”, có nên coi là “hành vi” khi cơ quan hành chính không thực hiện một việc cần phải làm? Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình tiếp thu: “Chúng tôi dự kiến sẽ chỉnh lý dự thảo theo hướng bao quát hết các dạng mệnh lệnh quản lý nhà nước bằng văn bản, không nhất thiết dưới hình thức “quyết định”. Việc không thực hiện một biện pháp cần thiết cũng được coi là “hành vi hành chính” và có thể bị khởi kiện.

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết thêm, cho đến khi Luật Viên chức được thông qua và có hiệu lực thi hành, dự án Luật Tố tụng hành chính sẽ điều chỉnh cả các khiếu kiện hành chính có liên quan đến viên chức. “Sau này có Luật Viên chức thì loại khiếu kiện này có thể không còn thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nữa”, ông giải thích.

Vẫn theo ông Trương Hòa Bình, do thực tế đã phát hiện một số trường hợp quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC có sai sót (trong khi theo Hiến pháp, quyết định của Hội đồng thẩm phán có ý nghĩa tối cao, đồng thời Việt Nam chưa có Tòa án Hiến pháp) nên Ban soạn thảo đang nghiên cứu quy định để “gỡ vướng”.

Chánh án TANDTC cho biết: “Giải pháp có thể là khi phát hiện quyết định của Hội đồng thẩm phán có sai lầm thì Chánh án TANDTC triệu tập họp Hội đồng thẩm phán với sự tham gia của Viện trưởng Viện KSNDTC và Bộ trưởng Tư pháp. Nếu 2/3 Hội đồng thẩm phán tán thành kháng nghị, Viện trưởng Viện KSNDTC và Bộ trưởng Tư pháp đồng ý thì chánh án hoặc viện trưởng có thể kháng nghị. Nếu sửa được trong luật này như vậy thì sẽ có cơ sở sửa tiếp trong các văn bản pháp quy khác, giải tỏa được vướng mắc lâu nay”.

Bảo Vân

Tin cùng chuyên mục