Nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty VIFON bị đề nghị 28 đến 30 năm tù

(SGGPO).- Ngày 25-11, phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (viết tắt là Công ty Vifon) đã chuyển sang phần tranh luận. Thừa ủy quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty VIFON bị đề nghị 28 đến 30 năm tù

(SGGPO).- Ngày 25-11, phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (viết tắt là Công ty Vifon) đã chuyển sang phần tranh luận. Thừa ủy quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cho thấy việc từ năm 2002 đến năm 2006, lợi dụng giai đoạn chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần, Nguyễn Bi (64 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vifon) và Nguyễn Thanh Huyền (58 tuổi, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon) đã chỉ đạo, thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn, lấy tiền của Nhà nước và các cổ đông để đưa vào huy động vốn cho cá nhân, sau đó rút ra chiếm đoạt. Tổng cộng bị cáo Huyền chiếm đoạt gần 11 tỷ đồng (bao gồm tiền của Nhà nước và tiền của các cổ đông); đồng thời bị cáo đã giúp sức cho bị cáo Bi chiếm đoạt 2,283 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền khai nhận trong số tiền đã chiếm đoạt, bị cáo chuyển một phần cho bị cáo Nguyễn Bi theo sự chỉ đạo của bị cáo Bi là có cơ sở. Bởi nếu không có sự chỉ đạo này, bị cáo Huyền sẽ không chuyển một phần tiền vào tài khoản cá nhân của bị cáo Bi và tài khoản của ông M.L.T.T. - con rể bị cáo Bi. Việc bị cáo Bi yêu cầu bị cáo Huyền chuyển tiền vào tài khoản của ông T. là nhằm tránh bị phát hiện. Chỉ đến khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an tiến hành điều tra vụ án thì bị cáo mới nộp lại số tiền này.

Biết làm sai nguyên tắc nhưng do tin tưởng và chấp hành mệnh lệnh cấp trên, các bị cáo Đàm Tú Liên (52 tuổi, kế toán trưởng Công ty Vifon), Dương Thị Mẫn (66 tuổi, nguyên kế toán thanh toán Công ty Vifon), Ka Thị Thu Hồng (56 tuổi, nguyên thủ quỹ Công ty Vifon) đã có hành vi làm trái trong việc lập và ký nhiều chứng từ giả thu, giả chi, tạo điều kiện cho hai bị cáo Huyền, Bi chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 25-11.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 25-11.

Từ đó, công tố viên đề nghị mức án đối với các bị cáo như sau:

- Nguyễn Thanh Huyền từ 18 đến 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, 10 đến 12 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Mức hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là 28 đến 30 năm tù.

- Nguyễn Bi từ 9 đến 10 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 10 đến 11 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Mức hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là 19 đến 21 năm tù.

- Đàm Tú Liên 6 đến 8 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

- Dương Thị Mẫn 5 đến 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

- Ka Thị Thu Hồng 5 đến 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Về trách nhiệm dân sự, dù tại phiên tòa Bộ Công thương Việt Nam – đơn vị được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án không yêu cầu bồi thường nhưng vào thời điểm bị cáo Huyền chiếm đoạt 9,893 tỷ đồng Công ty Vifon là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nên công tố viên đề nghị hội đồng xét xử tuyên bị cáo Huyền bồi thường số tiền trên cho Bộ Công thương Việt Nam.

Ái Chân

Tin cùng chuyên mục