Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Nâng cao hiệu quả thí điểm chế định Thừa phát lại

Hội nghị sơ kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) vừa được tổ chức tại Hà Nội. Dịp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL Trung ương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Nâng cao hiệu quả thí điểm chế định Thừa phát lại

Hội nghị sơ kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) vừa được tổ chức tại Hà Nội. Dịp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL Trung ương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết:

Bộ trưởng Hà Hùng Cường

Thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, từ đầu năm 2013, Bộ Tư pháp đã phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL”. Theo đó, thí điểm TPL tại 12 tỉnh, thành phố đồng thời tiếp tục mở rộng thí điểm tại TPHCM.

Tuy bị chậm so với yêu cầu nhưng đến nay, nhìn tổng thể có thể khẳng định rằng, việc thí điểm chế định TPL đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc, có trách nhiệm và đã thu được một số kết quả tích cực.

- Có một thực tế là nhiều người chưa thật sự hiểu rõ những việc mà TPL đang làm. Cụ thể, các Văn phòng TPL được thực hiện những loại hình hoạt động gì? Đến nay kết quả ra sao?

>> Bộ trưởng HÀ HÙNG CƯỜNG: TPL là công lại và theo quy định, được làm 4 loại việc. Đó là tống đạt văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án.

Qua thời gian thực hiện thí điểm, đến nay nhiều Văn phòng TPL đã thực hiện được cả 4 loại việc này. Tại TPHCM, các Văn phòng TPL đã ổn định về tổ chức, kết quả hoạt động khá tốt, tổng doanh thu trên 56 tỷ đồng, cơ bản đảm bảo cân đối về mặt tài chính, đã có nhiều vi bằng được sử dụng để làm căn cứ trong xét xử và thực hiện các giao dịch, kể cả trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam. Hoạt động tống đạt văn bản cũng đã góp phần tích cực hỗ trợ giảm tải công việc cho các cơ quan tòa án, thi hành án... Dù vậy, cũng có nhiều Văn phòng TPL mới thành lập chưa thực hiện được tất cả các loại hình này mà chỉ mới dừng lại ở lập vi bằng, tống đạt văn bản.

- Qua thực hiện thí điểm, có thể thấy việc triển khai các hoạt động này còn gặp phải những khó khăn nào, thưa bộ trưởng?

Việc triển khai thí điểm cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập: công tác thông tin, truyền thông chưa đáp ứng được yêu cầu; hiểu biết của người dân và xã hội về TPL còn thấp, nhất là ở các tỉnh, thành phố phía Bắc; nhận thức của một số cơ quan, cán bộ, công chức về việc thí điểm chế định TPL chưa đầy đủ, nhất là của một số Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự dẫn đến chưa chủ động, tích cực trong triển khai các nhiệm vụ được giao; việc chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thật kịp thời, sát sao... Đáng lưu ý, đội ngũ TPL hành nghề còn mỏng, một số năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề còn hạn chế; hoạt động của một số Văn phòng TPL còn có thiếu sót, sai phạm cần được chấn chỉnh...

- Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về những công việc trọng tâm của ngành Tư pháp trong năm tới - năm cuối cùng thực hiện thí điểm chế định TPL - để hoạt động này thật sự hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phục vụ nhu cầu của người dân?

Thời gian từ nay đến khi tổng kết việc thí điểm chế định này không còn nhiều. Trong năm tới, ngành Tư pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, phổ biến về TPL; tập trung quyết liệt vào việc chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của các Văn phòng TPL, nhất là những vướng mắc về trình tự, thủ tục tống đạt văn bản của tòa án, về xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức cưỡng chế thi hành án. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho TPL, Thư ký và nâng cao năng lực quản lý, điều hành văn phòng của các TPL cũng sẽ được chú trọng đồng thời với việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động TPL...

Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện việc khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động của TPL và những tác động của thí điểm chế định này đối với việc thực hiện, bảo vệ quyền của cá nhân, tổ chức, đối với xã hội và hoạt động tư pháp; đánh giá khả năng phát triển bền vững của nghề thừa phát lại ở giai đoạn tiếp theo; tổ chức tốt việc tổng kết, báo cáo Chính phủ, Quốc hội và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng Luật TPL, dự kiến sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

- Xin cảm ơn bộ trưởng!

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục