Xét xử vụ án đổi chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng: Nhà sản xuất chỉ yêu cầu xin lỗi

Sáng sớm nay 17-12, rất đông người thân của bị cáo Võ Văn Minh đã đến Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang theo dõi phiên xét xử sơ thẩm vụ án cưỡng đạt tài sản đổi chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng .
Xét xử vụ án đổi chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng: Nhà sản xuất chỉ yêu cầu xin lỗi

(SGGPO).- Sáng sớm nay 17-12, rất đông người thân của bị cáo Võ Văn Minh đã đến Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang theo dõi phiên xét xử sơ thẩm vụ án cưỡng đạt tài sản đổi chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng .

Theo cáo trạng, Minh và chị ruột tên Võ Thị Thảo thuê mặt bằng ở xã An Cư, huyện Cái Bè để bán bún luân phiên mỗi người 1 tuần. Riêng chị Thảo còn bán thêm các loại nước uống như: C2, Pepsi, Trà xanh, Number 1… Tuần nào Minh bán bún mà có khách mua nước thì bán giúp chị Thảo luôn. 

Minh khai nhận, ngày 3-12-2014, khi lấy chai nước Number 1 (loại chai nhựa 350ml, sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát) bán cho khách thì phát hiện bên trong có con ruồi nên đem giấu. Sau đó, Minh nảy sinh ý định dùng chai nước này để đe dọa nhà sản xuất phải đưa tiền cho mình. Thực hiện ý định, ngày 5-12-2014, Minh gọi điện cho Công ty Tân Hiệp Phát nói đang giữ chai nước Number 1 còn nguyên vẹn, bên trong có 1 con ruồi. Minh yêu cầu nhà sản xuất phải chi 1 tỷ đồng, sau đó hạ xuống 500 triệu đồng để đổi lấy chai nước có con ruồi và sự im lặng của Minh. Nếu không, Minh sẽ khiếu kiện đến Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đăng tải trên báo chí và in 5.000 tờ rơi nói về chai nước Number 1 có con ruồi bên trong làm cho công ty sản xuất mất uy tín, mất thương hiệu, ảnh hưởng việc sản xuất kinh doanh.

Sau khi nhận được điện thoại của Minh, Ban Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát lo sợ và đã cử nhân viên đến gặp Minh trong 3 lần. Theo đó, ngày 6-12-2014, tiếp xúc với nhân viên công ty, Minh yêu cầu đưa 1 tỷ đồng đổi lấy chai nước có ruồi. Nhân viên này nói rõ quy trình sản xuất sản phẩm cũng như quy trình khiếu nại là không trao đổi, giải quyết bằng tiền. Đại diện công ty đề xuất gửi tặng Minh 2 thùng nước Dr.Thanh và bình đựng đá thay lời cảm ơn và ngỏ ý nhận lại chai nước nhưng Minh không đồng ý.

Bị cáo Võ Văn Minh tại tòa. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Ngày 16-12-2014, trong buổi tiếp xúc lần thứ 2 với đại diện công ty, Minh vẫn khăng khăng đòi giao ngay 1 tỷ đồng để đổi lấy chai nước và sự im lặng. Đại diện công ty khuyên Minh bình tĩnh và nói sẽ báo cáo lãnh đạo giải quyết. Vài ngày sau, Minh gọi điện cho công ty hạ xuống 600 triệu đồng. Phía công ty tiếp tục khẳng định không có chủ trương giải quyết sản phẩm bị lỗi bằng tiền. Nội dung tống tiền của Minh được nhân viên công ty ghi âm lại.

Ngày 20-1-2015, Tân Hiệp Phát cử 3 nhân viên đến gặp Minh để giải quyết,  và Minh đã giảm số tiền xuống còn 500 triệu đồng nhưng các nhân viên không đồng ý.

Sau đó, Minh tiếp tục đe dọa tung thông tin làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Lo sợ mối đe dọa này, lãnh đạo Tân Hiệp Phát buộc phải chấp nhận giao tiền theo yêu cầu của Minh. Ngày 27-1-2015, công ty cử 3 nhân viên đến một quán cà phê ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) giao tiền cho Minh. Minh nhận 500 triệu đồng và viết biên nhận rồi mang tiền cất vào cốp xe thì bị công an bắt quả tang, thu giữ các vật chứng liên quan.

Cáo trạng nêu rõ kết luận giám định của Phân viện khoa học hình sự (Bộ Công an) rằng: “Nắp chai nước Number 1 gửi giám định đã được mở ra khỏi chai nước và đóng nắp chai lại”.

Theo cáo trạng, chưa rõ ai là “thủ phạm” mở chai nước Number 1 rồi bỏ ruồi vào và đóng chai lại nhằm phá hoại uy tín, thương hiệu của nhà sản xuất. Tuy nhiên, hành vi của Võ Văn Minh dùng chai  nước Number 1 có con ruồi bên trong nhiều lần đe dọa sẽ làm cho nhà sản xuất mất uy tín và thương hiệu để yêu cầu giao tiền đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản, với khung hình phạt từ 12-20 năm tù…

Người nhà bị cáo Minh cho biết, sau khi Minh bị bắt quán bún cũng đóng cửa, vợ của Minh phải gởi con trai 4 tuổi về quê ngoại để lên Bình Dương làm công nhân kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. 

Bị cáo Võ Văn Minh tại phiên tòa sáng 17-12. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Tại phiên tòa sáng nay, sau khi Viện kiểm sát (VKS) công bố cáo trạng, bị cáo Võ Văn Minh thừa nhận nhiều lần liên lạc với Công ty Tân Hiệp Phát để yêu cầu đổi chai nước ngọt lấy tiền và sự im lặng. “Bị cáo buôn bán cực khổ, thức đêm, thức hôm nhưng thu nhập không đáng bao nhiêu. Bị cáo muốn có số tiền lớn mua vài công đất để canh tác. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ và mong ước thôi. Bị cáo hoàn toàn không biết việc làm như thế là có tội và bị khởi tố. Chai number 1 của bị cáo đưa cho nhân viên công ty kiểm tra còn nguyên vẹn và có con rồi bên trong. Nhân viên Công ty Tân Hiệp Phát thừa nhận hàng của mình bị lỗi. Nhân viên công ty có thống nhất giá tôi đưa ra cuối cùng là 500 triệu đồng và hẹn ngày giao nhận tiền. Bị cáo nghĩ đây chỉ là cuộc mua bán chai nước mà thôi”- Võ Văn Minh nói.

Tham dự phiên tòa sáng nay, đại diện nguyên đơn dân sự bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc, đại diện theo pháp luật Công ty Tân Hiệp Phát) tham gia tố tụng là đại diện đơn vị bị hại cho biết: “Công ty có 3 thành viên góp vốn. Trong  phạm vi điều hành và ủy quyền tôi được quyền quyết định mọi hoạt động của đơn vị”. Bà Bích nói: “Từ trước đến nay, công ty không có chủ trương thương lượng dùng tiền đổi sản phẩm bị lỗi. Nên chúng tôi mong muốn được nhận chai nước về để xem xét, phân tích tìm nguyên nhân nhưng không được anh Minh chấp thuận”.

Lần 2 và lần 3 bà Bích nhận được thông báo từ nhân viên là khách hàng (Minh) đòi 1 tỷ đồng rồi tự giảm xuống còn 600 triệu đồng và cuối cùng là 500 triệu đồng. Nếu công ty không đưa tiền thì sẽ công bố vụ việc lên báo đài, đưa thông tin rộng rãi.

Chúng tôi đã nhiều lần kiên trì thuyết phục, giải thích quy trình sản xuất, chủ trương của công ty cũng như mong muốn nhận lại sản phẩm để tìm nguyên nhân nhưng vẫn không thuyết phục được Minh. Sau đó, công ty liên tục nhận được điện thoại từ Minh yêu cầu đưa tiền nếu không sẽ làm lớn chuyện trên báo đài và mạng xã hội. Vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nên ngày 23-1-2015, bà Bích quyết định làm đơn tố giác Minh đến cơ quan công an. Sau khi báo công an xong, Công ty Tân Hiệp Phát vẫn nhận thông tin đòi hỏi từ chỗ của Minh. Cho rằng, nếu công an không ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn và bị rất nhiều áp lực để cứu lấy thương hiệu của công ty nên mới quyết định chi 500 triệu đồng từ nguồn tiền quỹ hoạt động của công ty cho nhân viên đi giao cho Minh. Việc làm này không có báo công an. 

Tòa hỏi: “Bà suy nghĩ như thế nào lại chi 500 triệu đồng và có bị ức chế tinh thần hay không?”- Bà Bích nói: Do thời điểm trên gần Tết, vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, cuộc sống của hàng ngàn lao động trong đơn vị. Mặc dù nhiều lần giải thích cho anh Minh hiểu nhưng cuối cùng không thuyết phục được buộc bà phải chi 500 triệu đồng. Bà Ngọc cho biết, nếu thông tin trên được tung lên cho thị trường biết thì ảnh  hưởng rất lớn đến thương hiệu của công ty, nguồn sống của anh em.

Bà Bích nói: Suốt thời gian vừa qua thiệt hại của công ty lên đến vài nghìn tỷ đồng và ảnh hưởng đến đời sống của hơn 4.000 công nhân lao động tại đơn vị. Số tiền 500 triệu đồng bà đã nhận lại được. Bản thân công ty tôi thiệt hại nhiều, và chúng tôi không có yêu cầu bồi thường gì khác. Đồng thời yêu cầu xem xét giảm nhẹ hình phạt cho anh Minh vì anh Minh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đồng thời, yêu cầu anh Minh có lời xin lỗi về hành vi của mình”…

BÌNH ĐẠI - ĐĂNG NGUYÊN 

Tin cùng chuyên mục