Phiên chợ 30 tết, cần có tấm lòng!

Mấy năm gần đây, trưa 30 tết, phiên chợ cuối, ở vài thành phố có cảnh người bán hoa kiểng tự tay chặt phá hoa kiểng chứ không bán quá rẻ hay cho không! Cảnh tượng thật đau lòng và bất nhẫn. Sao người bán phải tự tay phá bỏ công sức và vốn liếng của mình một cách hằn học như trút giận như vậy?
Phiên chợ 30 tết, cần có tấm lòng!

Câu hỏi dễ có nhiều lời đáp và giải thích nhưng để hiện tượng không hay và đắng lòng đó không lặp lại có lẽ cần cái tâm, cần chút tình người từ nhiều phía.

Tại sao ở Vĩnh Long (quê tôi) phiên chợ cuối ngày 30 bao lâu nay vẫn diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp? Như đã nói cần có tấm lòng đối với nhau.

Trước tiên là ban quản lý chợ tết. Ở TP Vĩnh Long, 12 giờ là thời điểm bắt đầu dẹp chợ tết (chứ không phải là thời điểm chấm dứt mua bán hoa kiểng) những hàng hoa chưa bán hết sẽ được gom lại một chỗ để bán tiếp, những chỗ đã dọn thì công nhân làm vệ sinh. Trưa 30 tết vừa rồi, 13 giờ, tôi đã đi qua khu bán kiểng (cây cảnh), còn khá nhiều mai và tắc đẹp, cả người bán và mua dù hối hả nhưng vẫn tươi cười trao đổi giá cả với nhau. Không người mua nào trả giá rẻ mạt hay chực chờ để lấy không của người ta cả. Tôi đi ngang chỗ bày mai, cô bán hàng nói luôn:

- Còn 3 cây nè chú, 500 cây hà! (chỉ 500 ngàn đồng/1 cây).

Không định mua nhưng thấy mai đẹp, cây cao gần 2m, cả chậu đất nung đường kính miệng 80cm mà giá đó thì còn chờ gì nữa chứ! Tôi mua ngay 1 cây, chỉ băn khoăn việc chở về nhà cách đó 5km thì cô hàng đã ngoắc 1 xe 2 bánh “chuyên dụng” và vui vẻ “cưa đôi” số 100 ngàn phí vận chuyển nữa chứ.

Chiều cùng ngày, 16 giờ, tôi đảo qua chợ lần nữa. Khu bán kiểng đã dọn sạch, mai, tắc đã bán hết (chỉ vài gốc mai cực lớn được nhà vườn chở về chăm sóc tiếp chờ mùa sau). Khu bán hoa chỉ còn 2 loại: chừng 20 giỏ hồng nhỏ, cũng chừng đó giỏ cúc mâm xôi. Người mua xúm đông, số lượng chắc cũng gần bằng số giỏ hoa. Mọi người vẫn vui vẻ “trả giá” với nhau trong bóng nắng chiều.

Tin cùng chuyên mục