Võ cổ truyền Việt Nam: Phiên bản của võ Trung Quốc?

Bạn có biết?

Cho đến nay, ngay trong giới hoạt động võ thuật, vẫn có không ít người cho rằng võ Việt Nam chỉ là một phiên bản của võ thuật Trung Quốc. Những người này còn đưa ra một số bằng chứng, như tên gọi đòn thế, tên bài quyền của võ Việt Nam và võ Trung Quốc đều có những nét giống nhau. Sự thật ra sao?

Từng gắn bó với hoạt động võ thuật cổ truyền Việt Nam hơn 40 năm qua, được dịp tiếp xúc nhiều bậc võ sư của cả hai nền võ thuật Việt Nam và Trung Quốc hoạt động khắp ba miền Nam - Trung - Bắc, chúng tôi chưa hề nghe các bậc tiền bối nói rằng võ Việt Nam là một phiên bản hoặc chi phái của võ Trung Quốc! Các cụ bao giờ cũng xác định khá rạch ròi “võ Ta và võ Tàu là hai nền võ thuật khác nhau”.

  • Khác về lời thiệu
Võ cổ truyền Việt Nam: Phiên bản của võ Trung Quốc? ảnh 1

Ảnh: Huỳnh Hoa

Trước hết là sự khác nhau về ngữ nghĩa. Võ Ta là loại võ thuật của chúng ta - những người Việt có nguồn gốc con Hồng cháu Lạc. Còn võ Tàu là loại võ thuật của những người Hán của đất nước Trung Hoa, trong quá khứ vẫn thường sử dụng để tấn công nước Việt. Từ “Ta” và “Tàu” đã cho thấy một bên là yếu tố nội sinh của chúng ta, còn một bên là yếu tố ngoại nhập, của những người không cùng nòi giống.

Sự khác nhau về võ Ta và võ Tàu còn có thể nhận thấy trong tên gọi những đòn thế trong một bài quyền (còn gọi là bài thảo). Tất cả những bài võ Ta hiện đang lưu truyền khắp ba miền đều có một bài thơ kèm theo, gọi là thiệu. Các bài thiệu này được làm theo các thể thơ quen thuộc của người Việt thời xưa như: thất ngôn (mỗi câu thơ có 7 từ), tứ tự (mỗi câu thơ có 4 từ), ngũ ngôn (mỗi câu thơ có 5 từ), lục bát (câu 6 từ liền với câu 8 từ), song thất lục bát (hai câu 7 từ liền với hai câu lục bát)…

Những từ sử dụng trong các bài thiệu này cũng khá đa dạng: chữ Nho, chữ Nôm, hay xen kẽ chữ Nho với chữ Nôm. Chẳng hạn như: “Chống roi đứng thủ Thần Đồng, Bắt qua bên trái, đánh càn lưỡng biên” (bài roi Thần Đồng), “Lão mai độc thọ nhứt chi vinh, Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành” (bài quyền Lão Mai). Trong khi võ Tàu cũng có thiệu, nhưng rời rạc từng câu, không kết hợp thành một bài thơ. Ví dụ mấy câu thiệu trong bài Mai Hoa Quyền của võ Tàu: “Tướng quân bái tổ, Song cung bảo nguyệt. Lưỡng thủ tảng quyền, Nhị long nhập động. Song chỉ cầm long…” hay mấy câu thiệu trong bài Thái Cực Quyền của võ Tàu: “Khởi thế, Dã mã phân tung. Bạch hạc lượng xí, Tả hữu lâu tất ảo bộ. Tả huy tì bà…”.

  • Khác phương pháp huấn luyện

Cũng trong quá trình thể hiện, những bài quyền, thảo, binh khí, võ Ta hầu như chỉ triển khai theo hai hướng chính là hướng trước mặt và hướng sau lưng, còn các hướng trái phải tuy cũng có thể có triển khai nhưng rất ít, nghĩa là những bài quyền, bài binh khí võ Việt triển khai theo đồ hình nét sổ trong chữ Hán (l). Trong khi đó, các bài võ Tàu, cả quyền thảo lẫn binh khí, được triển khai rất nhiều hướng với các đồ hình khá đa dạng: 4 hướng, 8 hướng… thậm chí mang tính ngẫu hứng, như trong Túy quyền, Thái cực quyền…

Trong phương pháp giảng dạy truyền thống của võ Ta và võ Tàu cũng khác nhau. Các bậc thầy võ Ta ngày xưa thường dạy theo phương pháp từ tổng hợp đến phân tích. Cụ thể là dạy bài quyền trước rồi phân tích thành đòn thế sử dụng sau. Còn võ Tàu thì dạy theo phương pháp từ phân tích đến tổng hợp: võ sinh bước đầu tập từng đòn căn bản, sau mới tập đến các bài quyền vốn là tổng hợp của những đòn căn bản.

Tóm lại, võ Ta khác hẳn võ Tàu, nghĩa là võ Việt Nam chắc chắn không phải là phiên bản của võ Trung Quốc. Dĩ nhiên quá trình giao lưu văn hóa Việt Hoa trong lịch sử hai dân tộc đã dẫn tới sự ảnh hưởng của võ Tàu trên võ Việt là điều không tránh khỏi. Nhưng cũng như trên các lãnh vực văn hoá khác, các bậc tiền bối võ Việt Nam đã tiếp thu những cái hay của võ Trung Quốc, nhưng đã biến đổi cho phù hợp với con người Việt Nam, cho nền võ học Việt Nam ngày thêm phong phú, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ và mở mang đất nước Việt Nam trường tồn.

HỒ TƯỜNG 

 Võ Việt Nam chưa phát triển đúng tầm: Đi tìm nguyên nhân

Trong 15 năm qua, ngoài việc tập hợp được các môn phái trong cả nước, Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam đã xây dựng một số qui trình, thể lệ, hình thành các tiêu chí chuyên môn, qui định các chuẩn mực về đai đẳng, võ phục, tổ chức định kỳ hàng năm các giải quốc gia. Đặc biệt, Liên đoàn đã bình chọn 10 bài quyền, binh khí và đưa vào giáo trình thống nhất (mang tính bắt buộc) trong các kỳ thi thăng đai và Hội thi. Bên cạnh đó, VCT không còn bó hẹp ở các tỉnh phía Nam mà đã lan tỏa nhanh đến nhiều địa phương miền Bắc và vượt biên giới đến với nhiều quốc gia, với hàng ngàn võ sư, võ sinh.

Những thay đổi bất hợp lý

Tuy nhiên, những gì mà giới chức có trách nhiệm đã mang lại cho nền võ học nước nhà vẫn chưa được như mong đợi. Trong đó đáng quan ngại hơn cả, chính là việc chỉnh sửa, thay đổi cấu trúc một số đòn thế, hoặc cấm đoán những miếng đánh phối hợp chuyên biệt, mang tính đặc trưng của VCT dân tộc, dẫn đến bẻ gãy một số bộ pháp, nhất là quyền pháp và cước pháp vốn biến hóa liên hoàn, theo đồ hình “ngũ hành pháp”(bộ tay) và”bát quái pháp” (bộ chân) của thuyết Ngũ hành (các dòng võ ở phương Đông đều vận dụng triệt để thuyết này. 10 bài giáo trình “chuẩn quốc gia”, sau khi được các lão võ sư, các nhà nghiên cứu và Ban chuyên môn chỉnh lý tương đối chuẩn xác (năm 2001 tại Nha Trang), nhưng khi xuất bản lại “thay tên, đổi chữ” dẫn đến sai lệch một số thuật ngữ chuyên môn và có phần mâu thuẫn giữa lời thiệu gốc (lý thuyết) với phần thể hiện động tác kỹ thuật của một số bài võ.

Hay việc xóa bỏ hệ thống thi đấu trên võ đài đã tồn tại hàng trăm năm bằng những tấm thảm. Cách làm này vừa giống cách bố trí thảm đấu của môn Judo, Pencak Silat… lại vừa giống môn vật. Do không có dây “ring” đài bao bọc nên những trận đấu chênh lệch trình độ, võ sĩ yếu hơn thường chạy nháo nhào để tránh đòn, làm cho trận đấu luôn bị cắt vụn, tẻ nhạt, không còn uy phong lẫn không có tính nghệ thuật.

Việc chọn võ phục màu đen, thứ bậc đai đẳng cũng chưa hợp lý. Màu đen suy cho cùng vẫn là gam màu “chết”, hoàn toàn không gắn kết với nền tảng văn hóa thẩm mỹ cũng như truyền thống và biểu trưng của dân tộc. Thậm chí có nhiều môn sinh (có cả một số HLV, võ sư) lại rất khoái mặc võ phục may theo kiểu Tàu, làm cho nhiều người liên tưởng có sự “phiên bản” của võ thuật Trung Hoa.
 
Những sự việc trên bắt nguồn từ sự chủ quan, thiếu cân nhắc lẫn kiểm soát của BCH Liên đoàn, hay do BCH ít sinh hoạt, chủ yếu “khoán trắng” cho vài vị thường trực bao biện toàn bộ mọi công việc nên chỉ mới lo được khâu võ thuật, còn các phần chính, như: võ lý, võ đạo, võ lễ, võ y, võ nhạc… và nhiệm vụ “nâng tầm võ Việt, hội nhập quốc tế” vẫn còn bỏ trống. Cụ thể, BCH Liên đoàn đến nay đã quá nhiệm kỳ trên 3 năm, nhưng vẫn chưa tiến hành Đại hội được. Trong khi đó có khá nhiều thành viên, kể cả Chủ tịch Liên đoàn sau khi được bầu, nhưng vì lý do này, lý do khác cũng không hoạt động…

PHẠM ĐÌNH PHONG

Bạn có biết?

Võ Việt ở hải ngoại

Chưa thể xác định thời điểm VCT có mặt ở nước ngoài nhưng muộn nhất cũng vào khoảng gần cuối thập niên 50 của thế kỷ trước khi võ sư Nguyễn Đức Mộc mở võ đường Song Long Quyền Thuật tại Pháp năm 1957. Sau đó, các du học sinh, những người Việt Nam định cư ở nước ngoài tiếp tục truyền bá VCT hoặc một số người phương Tây đã tìm đến nước ta học VCT hay mời “thầy ta” ra nước ngoài tập huấn cho “tây”.
 
Hầu hết các võ phái đều dùng tên gọi các bài thiệu, đòn thế bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những võ sư vẫn giữ nguyên danh xưng từ đất Việt (Lam Sơn Võ Đạo, Kiến An Công Phu, Thần Quyền, Tây Sơn Nhạn, Tinh Võ Đạo…) cũng có một số người dùng sở học của mình kết hợp thêm bài bản, kỹ thuật của võ phái khác để hình thành một võ phái mới (Quán Khí Đạo, Hòa Long Võ Đạo, Cửu Long Võ Đạo, Tráng Sĩ Đạo, Vivodo…). Nhìn chung, hầu hết võ sinh VCT ở nước ngoài vẫn luôn hướng về đất tổ và khát khao học hỏi thêm tinh hoa võ Việt, trong đó có 10 bài võ thống nhất của LĐ Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Có bao nhiêu võ phái?

Theo một thành viên của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, chỉ riêng tại TPHCM đã có 54 võ phái hoạt động. Nếu tính trên toàn quốc thì con số này xấp xỉ 70. Một số võ phái đáng chú ý như: An Thái Bình Định, Tây Sơn Bình Định, Tây Sơn Bạch Long, Thanh Long Võ Đạo, Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, Lam Sơn Võ Đạo, Nam Tông, Hàn Bái, Trung Sơn Võ Đạo, Ngũ Hổ Trấn Môn, Sa Long Cương, Thất Sơn Quyền, Nam Hồng Sơn, Bình Định Gia…

H.TH 

Tin cùng chuyên mục