Quán cóc, quán hẻm

Muốn nói gì thì nói nhưng nếu một ngày nào đó mà tất cả các quán cóc, quán hẻm trên thành phố này “bỗng dưng biến mất” thì chắc chắn rằng nhiều người ngẩn ngơ, nhiều người cũng sẽ... “bỗng dưng muốn khóc”.
Quán cóc, quán hẻm

Muốn nói gì thì nói nhưng nếu một ngày nào đó mà tất cả các quán cóc, quán hẻm trên thành phố này “bỗng dưng biến mất” thì chắc chắn rằng nhiều người ngẩn ngơ, nhiều người cũng sẽ... “bỗng dưng muốn khóc”.

Tôi cũng đã có một thời rong ruổi đó đây ở xứ người, những ngày nghỉ cuối tuần buồn như “lá rơi’, lang thang mãi mà cũng không tìm đâu ra cái quán cóc hoặc là giông giống quán cóc ở xứ mình. Tôi cũng có người bạn định cư ở nước ngoài, mỗi lần về mấy người bà con họ hàng cứ mời ra nhà hàng sang trọng nhưng nó đâu có thích, nó cứ muốn ngồi quán cóc, quán hẻm với ly cà phê, ly trà, hay vài hột vịt lộn... nó bảo ngồi như thế “sướng chưa từng thấy”, không gian ấy đưa nó về cái thuở “hàn vi tuyệt tác”.

Nhiều người đến quán hẻm số 6 đường số 4, phường 10, quận Gò Vấp để uống cà phê và đọc Báo SGGP.

Công bằng mà nói, xã hội rồi sẽ phải tiến lên, cuộc sống rồi sẽ văn minh hơn, đường phố rồi cũng thênh thang hơn, các quán cà phê hiện đại, nhà hàng hiện đại sẽ mọc lên, nhưng cũng công bằng mà nói thì ngồi quán cóc có cái sướng riêng của nó.

Tôi cũng đã một thời sống ở Hà Nội. Mùa đông rét ngọt, gió heo may vi vu, sáng dậy hoặc đang đi đâu đó ta ghé vào cái quán cóc bên đường, bà cụ nhai trầu bỏm bẻm rót cho ta một tách trà bé xíu còn bốc khói, bỏ ra mấy cái kẹo lạc (đậu phộng), hay vài cái bánh rán (bánh cam). Hai bàn tay ôm lấy tách trà vừa xuýt xoa vừa uống, ta được hưởng cái hương vị từ thiên nhiên, từ cây trái, vườn tược, từ mảnh đất cha ông và từ tay người lao động làm nên, ta sung sướng, ta đê mê...

Còn ở Sài Gòn này thì quán cóc còn đa dạng hơn nhiều từ tô phở hẻm, tô mì gõ, tô hủ tiếu vỉa hè, mấy cái gỏi cuốn, bò bía, đậu hủ non, đến món trộn đu đủ, mấy hột vịt lộn, bò kho bánh mì... thôi thì đủ thứ, đủ màu sắc và có mãnh lực ghê gớm. Các lứa tuổi khác nhau  theo đó mà lựa chọn, mà thích thú, mà rúc rích, mà thầm thì, mà ha hả với nhau. Mỗi một món vỉa hè này có thể viết cả cuốn tiểu thuyết dài bất tận.

Buổi sáng ở thành phố này, từ ông bác sĩ, anh công chức, vị nhà thơ, nghệ sĩ, đến anh chạy xe ôm, xe ba gác... trước khi vào một ngày “cày cấy” của họ thì có cái việc phải làm là cho vào bụng một món gì đó của ẩm thực vỉa hè và “đánh” một ly cà phê (!).

Đã là đi làm thì làm gì có thời gian và dư giả tiền bạc mà vào quán sang trọng, ngồi quán cóc, quán hẻm là ngon lành rồi, chỉ gần nửa giờ thôi, nhưng có thể thưởng thức cái hương vị rất riêng của Nam bộ, rất Sài Thành và cũng rất dân dã. Cà phê ở thành phố này cũng muôn màu, mùi cà phê ngầy ngậy, thơm nưng nức. Ngồi bên ly cà phê sáng ở quán hẻm ta thấy nó gần gũi, nhẹ nhàng, thân thiết quá. Nó đưa ta về với đất nước, làng quê ta yêu dấu, mảnh đất ta sống, nó đưa quê nhà đến với ta và đưa mọi người xung quanh xích lại gần nhau hơn.

Những ngày nghỉ cuối tuần nếu không đi đâu xa thì quán cóc, quán hẻm là nơi lý tưởng để gặp nhau. Ngày làm việc mỗi người làm mỗi nơi nhưng khi về nhà gọi là dân phố, dân hẻm. Dân hẻm có một vài quán ruột để hội tụ với nhau xong “vụ cà phê” thì giải tán ai về nhà nấy vui vẻ. Ly cà phê hẻm có nơi chỉ có sáu bảy ngàn đồng, còn trà ấm thì gọi “vô tư” đều “free” (không phải trả tiền) nên mấy ông hưu trí cũng “vô tư” bao nhau.

Ngồi ở đây có đủ chuyện trên trời dưới đất, chuyện cổ, chuyện kim, chuyện “nhỏ như con thỏ” đến chuyện tưởng như “động trời”, cứ như là ở đó vừa bước ra, chuyện tiếu lâm xưa, đến chuyện tiếu lâm hiện đại, chuyện trong nước, chuyện thế giới, chuyện chiến tranh, hòa bình, đủ thể loại, đủ đề tài... Đừng nghĩ rằng chỉ có phụ nữ mới là các “bà tám”, mà đàn ông ngồi quán cóc có khi là những “ông tám” sành điệu... những lúc vui buồn quán hẻm là nơi giãi bày, tâm sự của đàn ông và có khi ở đây giải thoát nhiều chuyện tưởng chừng khó xử, thế mới hay chứ.

Thỉnh thoảng tôi cũng nghe nói cái quán này sắp bị dẹp, cái hẻm kia sắp giải tỏa... tự nhiên thấy buồn buồn. Chuyện cách đây có đến chục năm, khi một buổi sáng mai thức dậy tự nhiên thấy cái bảng treo đầu mấy con hẻm ghi “Lộ giới hẻm dự kiến 5 mét, 7 mét… 10 mét”,  nghe nói để chỉnh trang đô thị, hàng chục năm trời rồi chỉnh trang chẳng thấy đâu mà cứ làm dân hẻm buồn thiu, họ bàn tán xôn xao rằng nhà này bị đập, nhà kia vi phạm lộ giới. Con hẻm buồn vô tận, quán cóc thêm liêu xiêu và biết đâu chính những cái bảng quy hoạch chưa biết đến bao giờ thực hiện ấy cũng góp phần làm buồn phiền người dân? Nếu như có con hẻm nào đó thực sự đến lúc biến thành con đường khang trang phục vụ dân sinh thì dân hẻm cũng vui lòng thôi.

Dường như xưa nay cái gì mà đã trở thành tập quán, niềm đam mê, hạnh phúc cho nhiều người, hay rất nhiều người và nó tồn tại được từ đời này sang đời khác thì cái đó có khi lại trở thành nét văn hóa, thành bản sắc, đó là lý do tại sao cái văn hóa làng xã Việt Nam nó đặc thù mà người con đất Việt nào ra đi cũng phải nôn nao nhớ thương khôn xiết.

HOÀNG THẠCH

Tin cùng chuyên mục