Bông dầu bay đi đâu?

Bông dầu bay đi đâu?

Sáng sớm, mặt nước ao Bà Om như gương mặt của tuổi thanh xuân đang còn mơ màng ngái ngủ. Mặt ao lăn tăn phẳng lặng, tựa hồ qua một đêm ngon giấc trong bình an. Dường như Bà Om muốn ngủ nướng thêm một chút khi nắng sớm lấp lánh phay phay gió nhẹ trên táng những cây dầu cổ thụ, nổi tiếng là thắng cảnh của đất Trà Vinh cây cao bóng mát.

Lác đác có vài cơn gió hiền hòa như tiếng gọi thức của mẹ, mặt nước Bà Om trở giấc xôn xao. Ồ! Trông như “gương mặt” của thau xu xoa, sương sáo được bàn tay khéo léo của chị bán xu xoa, hay tàu hủ non cầm cái vá hớt nhẹ lên, thành một đợt sóng đều đặn êm đềm nhấp nhô. Bỗng thèm một ly giải khát!

Bà Om đã thức dậy!

Từng cơn gió đã nổi lên.

Từng cơn giông xoáy tốc mái những cành dầu chao nghiêng bần bật.

… Lũ trẻ bận quần đùi, đứa ở trần, đứa bận áo thun. Mấy đứa con gái bận quần quá gối, áo thun lá, mỗi đứa cầm một túi ni lông bọc gió, chạy nhảy bằng đôi chân trần mỏng như chiếc lá khô lăn lóc trên ngọn cỏ, gió càng mạnh, càng vò tóc chúng như bờm ngựa. Chúng càng phấn khích chạy trên đường đua có lằn vôi quy định sẵn. Chúng giành giựt, không la ó. Chúng lượm - lượm - lượm...

Những cơn giông có vẻ hỗ trợ mạnh mẽ lũ trẻ. Gió hốt cát thảy xuống ao Bà Om, ném vô mặt người, ném luôn những chiếc ghế nhựa, bàn, võng, ly, tách... ào ào tuôn đi, khiến các cô gái chủ quán chạy đuổi theo, té lên té xuống, cười sằng sặc như chơi trò rượt bắt.

Cát bay tối mặt tối mũi, làm cho bà già bán hàng rong bật ngửa, chuồi xuống đường với chiếc xe đạp và mớ trái cây lăn lóc màu tím. Bà vẫy gọi tôi, tôi lảo đảo chạy theo “cứu” bà, tất nhiên tôi cũng chuồi xuống không có dây thắng và lượm... lượm (như lũ trẻ) những trái mận, xoài, chuối héo queo... Tôi nắn nắn áo túi bà, bà nói tiền bà để trong túi trước bụng có cài kim tây; tôi không biết bà cười cái nỗi gì khi cái thân già băng xiêng băng nai níu kéo chiếc xe đạp và cái sàn đựng trái cây.

- Bà cười cái gì vậy?

- Đó cháu nội tôi đó, nó không chịu ở trên Sài Gòn, ở giữ em cho nhà giàu, nó đòi về với nội ăn mắm ăn muối với bà... Trời đất! Bà mới cười lại nghẹn nuốt nước mắt! Đầu óc tôi hơi lấn bấn một chút. Tôi đang muốn thoải mái thả hồn vào giấc ngủ nướng của Bà Om, mặt ao êm đềm bao la thật hữu tình, bỗng trời nổi gió, chưa biết lũ trẻ đang làm cái gì mà chạy nhảy lượm lượm trong cơn giông? Tôi muốn làm thơ, tôi thích ca ngợi, tôi đang thích tâm hồn bay bổng; tôi không muốn tình cảm tôi bị căng thẳng, tôi muốn cao xa mơ mộng:

Có phải các cháu đang chơi cầu lông
Bằng những bông dầu từ lưng trời cao vợi
Các cháu đang gọi gió hãy bay tới
Cho ta nhặt cất vào túi thật nhiều
Người lớn sẽ hóa phép thành bạt ngàn rừng dầu
Từ mùa bông dầu rụng nơi - tuổi thơ.

Trời ạ! Sao bà già bán hàng rong, mận, xoài héo queo kia có thể khóc rồi cười: “Đó, đó, cháu gái tôi đòi về, thà ăn cơm với muối”. Bà có vẻ hồ hởi ăn cơm với muối.

Bà ơi bà! Có thể là tôi nhiều tuổi hơn bà đó, nhưng hôm nay tôi chỉ muốn dạo chơi thôi, tôi chỉ muốn ngắm mặt nước ao Bà Om đang hồi xuân trong lành, tôi muốn ngắm mấy cô gái ngồi tâm sự bên bờ ao “tóc xõa vai mềm”, tôi muốn hứng những bông dầu lác đác bay xuống mặt ao lúc la lúc lắc như bông vụ, hay là như con lật đật vậy.

Tôi có muốn làm một thiên phóng sự đâu? Tôi không quen phóng sự, không thích đặt điều, không kể khổ làm lâm ly, ai oán, nhưng bà hàng rong chừng như không ai tâm sự về cháu gái của bà: “Nó xinh xắn lắm, người ta biểu nó lên thành phố giữ em, một tháng được năm trăm, ba má nó đi làm mướn ở xa lắm, đi phơi khoai mì làm bột. Cháu gái bà lên Sài Gòn đâu có giữ em không, em khóc thì bị chủ la, em ngủ thì phải lau ba tầng lầu, chùi cầu tiêu, ăn cơm thì lấm la lấm lét không dám gắp đồ ăn, mấy kẽ tay kẽ chân nó bị nước xà bông ăn trắng xác. Kìa, nó chạy tới kìa! Bà mua giúp tôi vài trái mận đi, mận tháng này ngọt lắm”.

Con nhỏ chạy tới rồi kìa, bọc ni lông đựng lùm lùm bông dầu, con mắt nó như hai hột nhãn, miệng nó cười thật tươi, chắc là nụ cười bị tắt ngấm trong những ngày ở Sài Gòn? (Tôi nghĩ bậy bạ theo thói đời, cầu mong cho cháu chưa bị gì khi ở đất khách quê người). Có lẽ nó chưa bị gì nên nụ cười của nó còn tinh khôi, không có dấu vết héo bầm như mấy thứ trái cây của bà nó đang bán!?

Tôi chia tay hai bà cháu nó, ngoéo ngón tay bọc ni lông lủng lẳng mấy trái mận, đi thẳng tới gốc cây dầu ngồi bẻ đôi một trái mận; mận tím chỗ bầm chỗ còn nguyên giòn ngon thiệt, tôi nâng nâng những trái mận còn lại, nhớ cháu gái của bà hàng rong nói một ký bông dầu được năm ngàn? Một ký bông dầu có bao nhiêu bông vụ? Hèn chi những cơn giông mà chúng đuổi theo đã•ra sức rung rinh rúng rính cùng lũ trẻ, cật lực đánh thức Bà Om, đánh thức một truyền thuyết về sức lực của các tiên nữ đào ao, thắng cuộc chỉ có một đêm trường (sự tích ao Bà Om ở Trà Vinh).

Giờ đây bỗng nhiên tôi hết muốn mộng mơ, hết muốn lang thang gió cát để viết nọ kia. Tôi tò mò nhìn ngắm các rễ cây dầu đang cùi cụi không còn là những chiếc cầu bắc qua từ gốc này qua gốc khác, mà chúng tôi có lần trèo leo ngồi một hàng dài như đàn én đậu trên dây thép ríu rít giữa trời. Các rễ cây theo bao mùa nắng mưa đã hóa thành hình vóc ngo ngoe vòi bạch tuộc, thành cái đầu con hà mã, con cọp nhe răng, con đại bàng tung cánh...

Ao Bà Om, Trà Vinh. Ảnh: M.PH.

Ao Bà Om, Trà Vinh. Ảnh: M.PH.

Các bạn đồng hành của tôi đang đặt máy quay, say sưa về cái gọi là biện chứng phép của thuyết vật chất không mất đi, của cái gọi là ý tưởng đích thực về niềm say mê cuộc sống.

Tôi ngại gì chớ? Tôi ngả đầu lên cái rễ cây có hình cái đầu con cọp đang nhe răng, tôi để một trái mận của bà già hàng rong vô miệng cọp. Trở về, tôi sẽ đố mấy người ở nhà:

- Đố biết ao Bà Om ở Ấn Độ hay Myanmar?

- Đây là bông vụ hay bông gì?

- Đây là sở thú hay rừng nguyên sinh Phú Quốc?

Đố cho vui vậy thôi, chớ tôi kỵ ai đi xa về bày đặt nói dóc.

LÊ GIANG

Tin cùng chuyên mục