Rào cản

TPHCM đang khuyến khích phát triển nông nghiệp phù hợp với đô thị, đặc biệt là áp dụng mô hình công nghệ cao, nhưng dường như vẫn còn nhiều “rào cản” khiến nông dân khó đầu tư. 
Điển hình như vừa qua, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TPHCM đã có chuyến khảo sát thực tế các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tại các xã xây dựng nông thôn mới ở huyện Bình Chánh và khá bất ngờ trước nhiều sự kêu cứu của nhà đầu tư.
Tham quan mô hình trồng rau thủy canh ở xã Tân Nhựt, áp dụng theo mô hình sản xuất của Australia - công nghệ thủy canh NFT, sử dụng máy làm lạnh hệ thống dinh dưỡng và được kiểm soát bằng hệ thống máy tính, đảm bảo cung cấp vừa đủ chất dinh dưỡng cho cây. Mô hình hiện nay chỉ cung cấp cho một số khách sạn 5 sao, cửa hàng…
Sản lượng tiêu thụ đạt bình quân 50kg/ngày, giá bán 60.000 đồng/kg. Đơn vị này đang định hướng liên kết hợp tác chuyển giao công nghệ cho nhiều nông dân hướng đến sản xuất thực phẩm “sạch”.
Khi gặp đoàn khảo sát, đơn vị đầu tư mô hình  trên cho biết đã nhiều tháng làm hồ sơ thành lập hợp tác xã (HTX) nhưng “đi lên đi xuống” nhiều lần vẫn không xong.
Rào cản ảnh 1 Trồng lan xây dựng nông thôn mới tại huyện Củ Chi. Ảnh: Cao Minh
Nếu có HTX sẽ tạo thành chuỗi liên kết thực phẩm sạch, mở rộng liên kết với nông dân sản xuất và ký kết với các hệ thống tiêu thụ để tạo thành chuỗi ổn định đầu ra. Không những thế, hiện nay việc xây dựng nhà màng, nhà kính trên đất nông nghiệp cũng gặp khó khăn do vướng luật.
Cán bộ thụ lý hồ sơ huyện giải thích: Do từ “nhà” có nghĩa là nhà ở nên chỉ xây dựng được trên đất thổ cư; do vậy không thể cấp phép cho nhà màng, nhà kính trên đất nông nghiệp!? “Nhưng tại sao nhiều địa phương khác như huyện Củ Chi và Hóc Môn thì dân vẫn được cấp phép xây nhà màng, nhà kính bình thường?”, đại diện chủ cơ sở trồng rau thủy canh bức xúc đặt câu hỏi. 
Bên cạnh đó, còn có khái niệm nhà kho chứa vật tư, nhà sơ chế… mà cơ sở nông nghiệp công nghệ cao nào cũng phải đầu tư nhưng vẫn chưa xây được, dù đã có rất nhiều cuộc họp tháo gỡ từ sở, ban, ngành đến địa phương. “Những cản ngại này không được giải quyết làm sao nông dân chúng tôi dám đầu tư làm công nghệ cao?”, một chủ cơ sở trình bày.  
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, các chính sách từ Trung ương đến địa phương đều khuyến khích, ưu tiên phát triển nông nghiệp và đã công khai, hướng dẫn cụ thể về các địa phương. Sở NN-PTNT yêu cầu chủ cơ sở lập tức gửi hồ sơ về sở và sẽ có bộ phận tiếp nhận làm ngay.
Theo thông tư của Bộ KH - ĐT, HTX là thành phần kinh tế được khuyến khích thành lập và chỉ giải quyết trong vòng 5 ngày khi đủ hồ sơ, gồm mẫu thông báo thành lập, điều lệ mẫu, phương án, danh sách thành viên, danh sách hội đồng quản trị, nghị quyết.
Thông thường, mô hình ở xã nào thì đến UBND xã sẽ được hướng dẫn cho nhanh, còn không thì lên trực tiếp phòng kinh tế huyện. Sau chuyến tham quan thực tế vừa qua, hy vọng vấn đề bức xúc của nhiều nông hộ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao theo kêu gọi của TPHCM sẽ sớm được tháo gỡ.
Tuy nhiên, để khuyến khích và thúc đẩy người dân nông thôn mới đầu tư chuyển đổi mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, ngoài chính sách hỗ trợ vốn vay, cần tạo điều kiện để các thủ tục đi kèm nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Tin cùng chuyên mục