Hệ thống giáo dục đại học Mỹ

Hiểu để du học và kiểm soát

Cơ hội giành học bổng của Trường Đại học East London
Hiểu để du học và kiểm soát

Theo báo cáo do Viện Giáo dục quốc tế (IIE) vừa công bố, sinh viên Việt Nam du học tại các trường đại học Mỹ từ đầu năm đến nay tăng gần 1.000 sinh viên, từ 3.670 lên 4.597 (tăng 25,3% so với niên học 2004-2005), đưa Việt Nam xếp thứ 24/25 quốc gia có du học sinh tại Mỹ nhiều nhất. Bên cạnh đó cũng có hơn chục trường “mang danh” Mỹ đã vào Việt Nam liên kết đào tạo. Trong số các chương trình liên kết này, chỉ một số ít chương trình có giấy phép của Bộ GD-ĐT và được kiểm định. Tuy nhiên, dù sang Mỹ du học hay du học tại chỗ do các trường Mỹ liên kết đào tạo cũng cần hiểu hệ thống giáo dục nước này.

Hệ thống giáo dục đặc biệt

Hiểu để du học và kiểm soát ảnh 1

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các giáo sư Trường ĐH Northcentral University (NCU) tại buổi lễ phát bằng MBA của NCU cho học viên khóa I-2006.

Ở Mỹ, hệ thống giáo dục không giống các quốc gia trên thế giới. Ví dụ: Bộ Giáo dục của Chính quyền Trung ương ra đời trong thập niên 70 (trước đó không có Bộ Giáo dục) chỉ lo tìm ngân sách cho sinh viên vay học chứ không can thiệp vào các trường học giống như ở các nước châu Âu, Úc, hay châu Á.

Ở châu Úc và châu Âu, các trường đại học mặc dù tự chủ nhưng được tài trợ từ ngân sách nhà nước, do đó các trường đại học danh tiếng thường là trường công lập. Trong khi đó, tại Mỹ, các trường “top ten” đều là trường tư do tư nhân hoặc Hội Bất vụ lợi sáng lập như: Đại học Harvard, Stanford, Yale, hay MIT… Hiệu trưởng các trường đại học đều do Hội đồng của trường bổ nhiệm, Nhà nước không can thiệp.

Ngoài hệ thống các trường đại học đào tạo 4 năm (cử nhân) và học tiếp 2 năm (thạc sĩ), ở Mỹ còn có hệ thống các trường Cao đẳng cộng đồng (Community College) với chương trình 2 năm (sau THPT) lấy bằng Associates và những trường dạy nghề (Vocational school).

Nước Mỹ có khoảng 14.000 trường cao đẳng và đại học. Ở những bang Trung Mỹ, dân số và diện tích nhỏ nên ít trường. Các bang phía Đông và Tây Mỹ lớn nên qui tụ nhiều trường như bang California có khoảng 2.000 trường. Đa số các bang đều có cơ quan quản lý giáo dục riêng, quản lý từ trường dạy nghề đến trường đại học thông qua Luật Giáo dục. Tuy nhiên, có 2-3 bang vì quá nhỏ nên không có cơ quan quản lý giáo dục. Do đó, tại các bang này, mở trường học như thành lập 1 công ty, chỉ cần 5 phút điền mẫu qua internet và đóng 100 USD. Các trường này là những trường “bán văn bằng” (degree mills).

Các cơ quan kiểm định

Để phân biệt các trường có chất lượng và các trường kém chất lượng, từ thập niên 70, một số trường trên toàn nước Mỹ đã thành lập Hiệp hội nhằm trao đổi kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng chương trình ngang nhau và chuyển đổi sinh viên. Sau này, do cách xa về địa lý nên toàn nước Mỹ có 6 Hiệp hội chia thành 6 vùng: phía Tây có Western Association of Schools and Colleges (WASC), phía Đông có Eastern Association of Schools and Colleges (EASC)…

Các trường trực thuộc 1 trong 6 Hiệp hội vùng gọi là trường có kiểm định. Một số trường thuộc các hiệp hội này nếu có chất lượng cao hơn các trường khác thì được gia nhập vào một hội đồng kiểm định toàn quốc có tên gọi là Council of Higher Education Acreditation (CHEA). CHEA là cơ quan kiểm định uy tín nhất tại Hoa Kỳ bao gồm các trường danh tiếng như Harvard, Yale (có thể vào mạng www.chea.org để biết thêm).

Những trường nằm trong Hội đồng kiểm định và 6 Hội vùng hoạt động theo điều lệ riêng của Hiệp hội, được ưu tiên hoán chuyển sinh viên lẫn nhau. Trong số hàng ngàn trường ở Mỹ, có khoảng hơn 3.000 trường gia nhập các hiệp hội này và đều là các trường bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, các trường không nằm trong hệ thống Hiệp hội cũng chưa hẳn là những trường kém chất lượng nếu các trường đó được kiểm soát bởi cơ quan giáo dục của các tiểu bang. Quy trình giảng dạy của những trường này cũng giống như các trường trong Hiệp hội vì họ được kiểm định bởi cơ quan nhà nước tiểu bang. Sau 3-5 lần thanh tra, nếu đạt yêu cầu, các trường này trở thành hội viên vĩnh viễn của hệ thống Hiệp hội, trừ khi có khiếu kiện của sinh viên hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của Hiệp hội.

Phân biệt “hàng” thật và giả

Lần đầu tiên liên kết đào tạo MBA và DBA giữa đại học Việt Nam, đại học Mỹ và ngân hàng

Trường Đại học Northcentral University (NCU) và Khoa Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ký cam kết với Ngân hàng Phương Nam và Ngân hàng Sài Gòn Thương tín - Sacombank phối hợp tổ chức chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ Quản trị kinh doanh (MBA và DBA) chuyên về tài chính ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Phương Nam và Sacombank cung cấp cơ sở đào tạo, cho sinh viên vay học phí với lãi suất thấp, Đại học Quốc gia Hà Nội kiểm soát chất lượng đào tạo và NCU cấp bằng theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Được biết, đây là mô hình đào tạo MBA và DBA ngành tài chính ngân hàng đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam giữa các ngân hàng có uy tín với NCU-  một trường đại học của Mỹ đã được Hiệp hội CHEA kiểm định chất lượng. 

Hiện nay, nhiều trường của Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam nhưng trong đó có “hàng” thật và giả. Có những trường chưa được kiểm định nhưng tuyển sinh chui dưới danh nghĩa là hội thảo từng môn học, khi đủ các môn học thì phát bằng. Điều mập mờ nữa là có một vài trường đại học Mỹ quảng cáo học chương trình lấy bằng cấp Mỹ nhưng học và làm bài bằng tiếng Việt! Văn bằng của Mỹ mà viết và nói không bằng tiếng Anh thì liệu có giá trị?

Trong số trường Mỹ có mặt tại Việt Nam và có giấy phép liên kết của Bộ GD-ĐT chỉ có một vài trường là thuộc Hiệp hội kiểm định như Troy State University ở bang Alabama liên kết với Đại học Bách khoa Hà Nội, Houston Community College liên kết với Saigontech…

Tuy nhiên trong số các đại học Mỹ này chỉ có Northcentral University (NCU) ở bang Arizona là thuộc CHEA cung cấp đầy đủ các chương trình từ cử nhân đến thạc sĩ và tiến sĩ (các trường khác không được cấp phép mở chương trình đào tạo tiến sĩ).

Để tránh đưa ra những chính sách có thể tạo kẽ hở cho những trường không chất lượng, lợi dụng và gây khó dễ cho những trường có chất lượng, Bộ GD&ĐT cần phải có một quy chế hoặc chính sách phù hợp với hệ thống giáo dục Mỹ khi họ đầu tư vào Việt Nam. Để kiểm chứng, cần vào website của các cơ quan nhà nước hay các hiệp hội giáo dục của Mỹ. Các website này do chính quyền lập ra nên thông tin rất chính xác. Tại Trung Quốc và Singapore, chính quyền công bố rõ là tất cả các trường thuộc CHEA và 6 Hiệp hội vùng thì được tự do mở chương trình đào tạo tại đất nước họ. Chính sách thực tiễn của các nước này chứng tỏ mức độ mức độ tin cậy của nhà nước Singapore và Trung Quốc đối với uy tín của CHEA mà không cần tạo ra những rào cản và thủ tục không cần thiết. 

Cơ hội giành học bổng của Trường Đại học East London

Ở TPHCM, buổi nói chuyện và phỏng vấn do đại diện Trường ĐH East London tổ chức sẽ diễn ra vào lúc 18 giờ 30 thứ ba ngày 19-12 tại khách sạn Sofitel, 17 Lê Duẩn, Q1. Ông Mark Sander, cán bộ tuyển sinh của Trường Đại học East London, sẽ trao một số suất học bổng cho các học sinh, sinh viên Việt Nam đủ tiêu chuẩn. Trị giá mỗi suất học bổng lên tới 1.000 bảng (cho sinh viên bậc đại học) và 2.000 bảng (cho sinh viên bậc sau đại học).

Trường Đại học East London có chương trình học đa dạng với 130 khóa học ở bậc đại học và trên 100 khóa học ở bậc sau đại học theo phương pháp nghiên cứu và lên lớp.

Để đăng ký tham dự buổi nói chuyện và phỏng vấn, xin mời  liên hệ Hội đồng Anh, TPHCM, ĐT: 08.8232862.

Để biết thêm thông tin về trường UEL, mời bạn truy cập trang web: www.uel.ac.uk.

B.C. 

GS-TS TRẦN QUỐC ĐỊNH
(Quỹ Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ)

Tin cùng chuyên mục