“Con nít” hay “con xít” là đúng?

Hỏi: Bài dân ca quan họ “Trống cơm” có một từ mà nhiều người viết và hát khác nhau.

Đó là câu:

“Một bầy tang tình con nít (ơ mấy lội, lội) lội sông”. Xin hỏi trong các chữ con nít, con xít, con sít, con nhít, chữ nào đúng?

Phan Hiền Viên
(Đại học Nghệ thuật – Huế)

KHÁNH TƯỜNG: Quả thật Khánh Tường tôi cũng đã nghe và đọc nhiều dị bản về bài dân ca Trống cơm và cũng có thắc mắc như chị: Nhít, sít, xít, nít thì chữ nào là chính xác? Sau đây là các nguồn ghi khác nhau:

- Con nít: Các tập dân ca phổ biến trong thập niên 60 của thế kỷ trước ở Sài Gòn cho thanh niên, sinh viên, học sinh.

- Con sít: Dân ca quan họ Bắc Ninh (NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1962).
Một bầy con sít lội sông đi tìm.

- Con xít: Trên trang web autim.net/nhac
Một đàn tang tình con xít...

- Con nhít: Chim Việt cành Nam, số 25, ngày 21-11-2006.

Tác giả Nguyễn Dư cho rằng nhít mới là chữ chính xác.
Một bầy tang tình con nhít...

Theo Nguyễn Dư, nhít là từ cổ ở miền Bắc, duy nhất được ghi lại trong từ điển Génibrel (1898). Nhít = trẻ con (Nhít, chữ Nôm, ghép: niết + tiểu).

Theo Đại Nam Quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì từ Nít (Nôm) cũng ghi bằng chữ Niết (Hán).

Một bầy tang tình con nhít hay một bầy tang tình con nít là cùng nghĩa. Còn xít hay sít thì không có nghĩa (một bầy bọ xít lội sông!?; Một bầy chim sít lội sông!?).

Giáo sư Trần Văn Khê khi ghi lời bài Trống cơm do một danh ca quan họ là Lý Tiến Thành, quê ở Bái Uyên, Bắc Ninh ca, cũng ghi là con nít.

Theo tôi, phải viết (hoặc hát) là “tang tình con nít/con nhít lội sông” mới đúng. Đây cũng là ý kiến của tác giả Nguyễn Dư trong Chim Việt cành Nam.

Tin cùng chuyên mục